Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Điện Biên

Cần những nhà quản lý thật năng động

09:26 - Thứ Năm, 02/03/2017 Lượt xem: 5411 In bài viết
ĐBP - Nằm trong vùng văn hoá Tây Bắc, hàng bao đời qua Điện Biên là quê hương của những huyền thoại, truyền thuyết về nguồn gốc con người nói chung và các tộc người thiểu số nói riêng. Từ hình thái kinh tế nguyên thủy hái lượm tiến lên nền văn minh nông nghiệp, trải qua quá trình giao lưu và tiếp biến với hàng vạn năm, các di sản văn hoá cả hữu hình và vô hình (vật thể và phi vật thể) đã và đang đặt ra những vấn đề khẩn cấp về bảo tồn, phục dựng và phát huy...

Gần trọn một đời công tác gắn với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) của Điện Biên, bà Bùi Hồng Lanh, chuyên viên của Trung tâm Văn hoá, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Điện Biên, chia sẻ: Trong một không gian văn hoá đa chiều, đa dạng, đặc trưng và hoà hợp, vừa đồng đại vừa lịch đại, cùng với những loại hình văn hoá vật thể, như: Nhà ở, trang phục, phương tiện sản xuất và dụng cụ sinh hoạt... là các loại hình văn hoá tinh thần thể hiện trong tín ngưỡng và lễ hội. Bên cạnh đó, chiếm một vị trí đáng kể trong đời sống tâm linh của bà con các dân tộc, là vô số các biểu hiện của văn hoá với những làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ, các tác phẩm văn học dân gian thành văn hoặc truyền miệng...

 

Phục dựng tín ngưỡng cúng thần suối trong lễ hội té nước của dân tộc Lào, bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Thật vậy, kể từ khi nước nhà giành được độc lập từ tay đế quốc, thực dân và nhất là hơn 30 năm (1986 - 2016) đổi mới vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, các dân tộc luôn nêu cao truyền thống đoàn kết trong xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; thì mặt trái của cuộc sống văn minh công nghiệp cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề cần phải quan tâm, bổ sung, điều chỉnh kịp thời - đó là công tác bảo tồn các di sản văn hoá. Tại thời điểm này, ở cấp tỉnh, chúng ta có 1 hội văn học nghệ thuật, 1 đoàn nghệ thuật ca múa nhạc, 2 bảo tàng, 1 trung tâm văn hoá, 1 rạp chiếu phim... Song chừng ấy là quá ít ỏi so với nhu cầu khôi phục, bảo tồn và phát huy vốn văn hoá của một địa phương có 19 dân tộc anh em. Đó là chưa kể tới chất lượng hoạt động của các đơn vị này, chưa tính tới năng lực cũng như tâm huyết của cá nhân mỗi người đối với công việc được phân công.

Bà Dương Thị Chung - Phó phòng Di sản Văn hóa, (Sở VH-TT&DL), cho biết: Năm 2016, công tác tham mưu di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên được Phòng Di sản Văn hóa triển khai nghiêm túc, có sự phối hợp của các ngành, chính quyền các địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, đã hoàn thành công tác kiểm kê và lập hồ sơ hiện trạng di sản Then tại các địa bàn: Thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên, huyện Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ. Hoàn thiện hồ sơ quốc gia di sản Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; thống kê thông tin, dữ liệu về Xòe Thái tạo tiền đề cho việc triển khai xây dựng hồ sơ quốc gia di sản Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; hoàn thiện 2 chuyên đề lễ Then cấp sắc tại thị xã Mường Lay và lễ Then cầu con tại huyện Điện Biên. Ngoài ra, phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc tổ chức 1 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho dân tộc Cống tại tỉnh Điện Biên, gồm các nội dung về hát dân ca, múa dân gian, cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống như trống, chiêng, chũm chọe. Tham mưu tổ chức thành công 2 hội thảo về di sản Then và lễ hội Xên Mường Thanh - tỉnh Điện Biên. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và nghiên cứu khảo sát sơ bộ thu thập thông tin, lựa chọn nghệ nhân có khả năng thực hành di sản để phục vụ bảo tồn Lễ Xên mường - Mường Thanh. Phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc điều tra thực trạng văn hóa 4 dân tộc trên địa bàn tỉnh gồm dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Mông và dân tộc Lào.

Hiện nay, theo chúng tôi, có một thực tế là trong thời buổi kinh tế thị trường và sự giao lưu, hợp tác đa phương, nhiều dân tộc đã và đang đứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hoá truyền thống của mình. Với nhiều địa phương và với nhiều tộc người, những thuần phong mỹ tục, văn nghệ dân gian, lễ hội, trang phục, nếp sống... đang bị biến dạng, lai căng, pha tạp một cách xô bồ và sống sượng. Tài liệu cổ mất bao nhiêu công sưu tầm về nhưng không có người dịch và cuối cùng, chẳng biết số phận của chúng ra sao(?). Số người biết các mẫu tự cổ và cả loại chữ đã được “la tinh hoá”, đang ngày một ít dần. Vài mươi năm gần đây, khái niệm “di sản văn hoá” được mở rộng phạm vi ngữ nghĩa, theo đó, các danh lam thắng cảnh thiên nhiên cũng là di sản văn hoá. Với tinh thần ấy, nhiều hang động của chúng ta đã và đang được đề nghị Bộ VH - TT & DL công nhận xếp hạng di tích. Nhưng suy cho cùng, với một đơn vị cấp xã (phường, thị trấn) thì việc quản lý đã khó chứ chưa nói đến trùng tu, tôn tạo.

Những năm qua với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, Bộ VH - TT & DL đã chỉ đạo việc hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương tiến hành phục dựng một số lễ hội tiêu biểu; bảo tồn, phục dựng một số làng, bản truyền thống; tăng cường giao lưu văn hoá cộng đồng dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Theo thống kê của Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH - TT & DL), cả nước hiện có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ, 80% trong số ấy là loại hình lễ hội dân gian, tồn tại trong tâm thức nhân dân. Đến nay, điều đáng mừng là một số địa phương vẫn lưu giữ được một số lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những lễ hội trên đang chịu tác động tiêu cực của nhiều yếu tố khách quan thời kinh tế thị trường, làm mai một bản sắc dân tộc và ít nhiều làm sai lệch yếu tố tâm linh cội nguồn của chúng. Đương nhiên, điều đó đặt ra câu hỏi trách nhiệm đối với các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý thật năng động, trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc.

Thông thường, nói đến Tây Bắc là người ta nghĩ ngay đến vùng có địa bàn rộng, giao thông khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân còn thiếu thốn so với mặt bằng chung của cả nước. Từ lâu, ở nhiều nơi trên địa bàn Tây Bắc tồn tại những vấn đề cần được quan tâm giải quyết, như: những tập tục lạc hậu (hoặc nặng nề) trong ma chay, cưới xin, làm nhà mới... Lợi dụng vào những khó khăn của địa phương, các thế lực phản động ra sức tuyên truyền tín ngưỡng trái phép, gây nên những diễn biến phức tạp trong đời sống tâm lý của người dân cũng như ngoài làng bản, xã hội. Tại nhiều nơi, các thuần phong mỹ tục, trang phục, nhà cửa, vốn văn nghệ dân gian... đang bị biến dạng, lai căng, pha tạp một cách vụng về và kệch cỡm.

Đi tìm câu trả lời cho chiến lược bảo tồn, ta thấy ngoài quá trình đồng hoá và sàng lọc tự nhiên, thì văn hoá và bản sắc văn hoá đang đứng trước những thách thức ghê gớm của cuộc sống hiện đại, những áp lực thời công nghệ số, cùng các tệ nạn xã hội, mại dâm, nghiện hút, cờ bạc... Tại không ít nơi, cơ sở vật chất (thiết bị văn hoá) nghèo nàn, ngân sách đầu tư cho hoạt động văn hoá và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá còn thiếu, lại yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, chế độ thù lao cho một công trình văn hoá kể cả trong sáng tác, biểu diễn, sưu tầm, biên dịch... quá ư là bèo bọt; trong khi điều kiện sống và làm việc của giới văn nghệ sỹ còn nhiều khó khăn, vất vả.

Thêm nữa, cái khó của chúng ta hiện nay, đó là quan điểm và tầm nhìn chiến lược. Trước hết, xin hãy có chính sách đầu tư và chế độ đãi ngộ thoả đáng cho việc sưu tầm và sáng tác mới, trên cơ sở nền tảng văn hoá truyền thống của các dân tộc. Củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, đi đôi với việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cổ động và các đoàn văn hoá nghệ thuật, quan tâm tới các hoạt động văn hoá ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, đặc biệt vùng đồng bào thiểu số...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top