Đất nước - Con người

Nhà yêu nước Phan Chu Trinh

09:28 - Thứ Năm, 02/03/2017 Lượt xem: 6001 In bài viết
ĐBP - Năm nay kỷ niệm 91 năm ngày mất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Ông là nhà thơ, nhà văn, là chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam và là người chủ trì vận động Duy Tân dân chủ.

Phan Chu Trinh, hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán, sinh ngày 9/9/1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam. Ông nổi tiếng học giỏi, năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang và Phạm Liệu.

Khi triều đình mở ân khoa, Phan Chu Trinh đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khoảng thời gian này ông ở nhà dạy học đến năm 1903 thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ. Là một người yêu nước nồng nàn, nhìn cảnh đất nước lầm than, ông đã bôn ba khắp nơi tổ chức các buổi diễn thuyết dân chủ và chủ trì vận động phong trào Duy Tân với mong muốn thay đổi suy nghĩ, thay đổi tình trạng đất nước.

Trong số các sỹ phu đương thời và cả sau này, Phan Chu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm trong nền văn minh và trong con người Việt Nam. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ là con người từ nhiều yếu tố khác như: văn hóa, ý thức hệ, phong tục tập quán... Ông cho rằng, đất nước phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập. Chỉ như vậy mới bảo đảm Việt Nam sẽ có một nền độc lập chân chính, lâu bền về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với ngoại bang cũng như nhân dân sẽ được hưởng độc lập và tự do cá nhân trong quan hệ với nhà nước.

Với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền, Phan Chu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân với khẩu hiệu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, giáo dục ý thức công dân, tinh thần tự do, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, phát động phong trào học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay...

Phan Chu Trinh đã nhiều lần bị bắt giam tù đày. Đến năm 1925 thấy sức khỏe ông suy yếu, nhà cầm quyền Pháp mới cho phép ông về nước. Đây cũng chính là khoảng thời gian ông viết cuốn Đông Dương chính trị luận. Đến ngày 24/3/1926 nhà cách mạng ái quốc Phan Chu Trinh trút hơi thở cuối cùng. Khi Phan Chu Trinh qua đời, có rất nhiều cá nhân và tổ chức gửi câu đối và thơ văn đến đám tang của ông. Trong số đó có bài điếu văn của Huỳnh Thúc Kháng, người bạn thân thiết của Phan Chu Trinh, phản ánh rõ nét cuộc đời và quan điểm chính trị của ông.

Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân, phong trào làm lễ truy điệu Phan Chu Trinh được tổ chức trọng thể để chứng tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và mến tiếc nhà cách mạng đã suốt đời vì dân vì nước. Khu mộ của ông hiện ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh và được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, tên ông được dùng để đặt cho nhiều đường phố và trường học trong nước.

Bình Nguyên (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top