Bùng nổ kênh truyền hình: Lợi hại khó lường

14:46 - Thứ Sáu, 17/03/2017 Lượt xem: 7258 In bài viết
Theo số liệu của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay trên cả nước có hơn 300 kênh truyền hình, trong đó có 50 kênh nước ngoài được cấp phép biên tập (cấp mới 10 kênh kể từ khi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP có hiệu lực) và kênh trong nước được cấp phép 267 kênh.

Trong số 267 kênh có 77 kênh phát thanh phát quảng bá, 9 kênh phát thanh phát trên dịch vụ truyền hình trả tiền, 103 kênh truyền hình phát quảng bá và 78 kênh truyền hình sản xuất phục vụ truyền hình trả tiền. Con số hơn 300 kênh truyền hình trên cả nước đang phát triển liệu có là quá nhiều?

 

Manh mún và bị xâu xé

Chính sách xã hội hóa truyền hình, ở một khía cạnh nào đó đã tạo ra sự phong phú, đa dạng cho các chương trình truyền hình. Người dân được thưởng thức nhiều “món ăn tinh thần” vốn là những chương trình truyền hình nổi tiếng và thành công trên thế giới. Người làm truyền hình bắt buộc phải vận hành năng động, linh hoạt, nếu không muốn khán giả quay lưng. Nhưng cũng từ việc xã hội hóa truyền hình mà các đài, các kênh truyền hình bước vào những cuộc cạnh tranh quyết liệt để tìm kiếm doanh thu, duy trì hoạt động.

Trong khi đó, số lượng các kênh truyền hình xã hội hóa chưa có dấu hiệu dừng lại. “Tôi cho rằng, ngành truyền hình trở nên manh mún và bị xâu xé khi có quá nhiều kênh ra đời vội vàng, nhanh chóng từ việc xã hội hóa. Trong khi đó, nguồn nhân lực chuyên nghiệp không đáp ứng đủ, do thiếu chính sách đào tạo chính quy. Những kỳ vọng về sự phát triển khi xã hội hóa truyền hình là thất bại. Tổng kết nhìn lại mà xem, chưa có kênh truyền hình xã hội hóa nào thật sự đàng hoàng, thành công. Chủ yếu các kênh này chỉ lấy phim nước ngoài, mà cũng là những phim thuộc “nước” hai, ba, tư  (phim đã phát sóng một, hai lần ở nước sở tại - PV) về phát sóng. Họ muốn sống được thì phù phép số liệu rating (lượng người xem). Có thể nói, những hoạt động này đã làm nhiễu loạn ngành truyền hình nói riêng, xã hội nói chung”, giám đốc một đài truyền hình bức xúc.

Trong khi số lượng kênh truyền hình trong nước chưa có chiều hướng giảm hay dừng lại thì số lượng kênh truyền hình nước ngoài có mặt tại Việt Nam cũng là vấn đề khiến những người làm truyền hình lo lắng. Trả lời câu hỏi “50 kênh truyền hình nước ngoài trong tổng số hơn 300 kênh truyền hình đang phát sóng hiện nay liệu có phù hợp?”, ông Trần Văn Úy, Tổng Giám đốc Truyền hình cáp SCTV, nói: “Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã có giới hạn cơ cấu tỷ lệ kênh chương trình nước ngoài trên tổng số kênh chương trình khai thác trên dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền không vượt quá 30%, nghĩa là có thể hiểu, cứ 100 kênh nội địa lại có 30 kênh nước ngoài, đó là một con số hơi nhiều. Theo tôi, việc tập trung đầu tư, củng cố và phát triển các kênh truyền hình nội địa mới quan trọng”.

Hy vọng mới

Phí quản lý truyền hình trả tiền được điều chỉnh giảm từ 1,3% xuống còn 0,3% có lẽ là tin vui với những người kinh doanh truyền hình trả tiền. Cùng với đó là Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh - truyền hình vừa được ban hành, có một số điểm mới so với Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định 20/2011/QĐ-TTg. Những thay đổi hoặc điều chỉnh các vấn đề của hoạt động phát thanh - truyền hình trong giai đoạn còn nhiều khó khăn này đã mang đến những hy vọng mới cho người làm truyền hình.

Tuy nhiên, quy định về bản quyền trên dịch vụ phát thanh - truyền hình trong Nghị định 06 chưa nhận được sự đồng thuận từ những người làm truyền hình. Điều 22 của Nghị định 06 quy định: “Các kênh chương trình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Nhà nước được tiếp phát, truyền tải nguyên vẹn trên dịch vụ phát thanh - truyền hình tại lãnh thổ Việt Nam không cần thỏa thuận về bản quyền”. Có thể nói, quy định này trái với Luật Sở hữu trí tuệ, bởi khi sử dụng tác phẩm đều phải trả tiền tác quyền hoặc chỉ được sử dụng khi được chủ sở hữu đồng ý. Nhiều đại diện nhà đài bày tỏ: “Dù là kênh truyền hình quảng bá, chúng tôi vẫn phải mất công sức đầu tư chất xám, trí tuệ và tiền bạc để sản xuất chương trình. Chưa nói đến việc sản xuất nhiều chương trình giải trí khác nữa. Anh đâu thể lấy nguyên kênh của tôi để phát trên truyền hình trả tiền của anh - nghĩa là anh đang kinh doanh mà không cần hỏi tôi, không trả tiền bản quyền cho tôi”.

Những vấn đề về quy hoạch, phát triển ngành phát thanh - truyền hình tuy được điều chỉnh liên tục, nhưng trên thực tế chưa thể đáp ứng hết mong muốn của người làm truyền hình. Người làm nghề luôn hy vọng vào những đổi mới từ cơ chế và khán giả thì luôn hy vọng được xem những chương trình thật sự có chất lượng. Đó là hành trình của sự kiên nhẫn!

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top