Phim Việt buộc phải chuyển mình

15:47 - Thứ Ba, 28/03/2017 Lượt xem: 5360 In bài viết
Bùng nổ về số lượng nhưng chất lượng lại đi xuống là điều đáng báo động đối với phim Việt. Sau những tiếng cười dễ dãi, nhiều nhà làm phim dường như đang cố gắng tìm sự đồng cảm bằng những câu chuyện cảm động, hoặc chí ít, thức thời hơn trong việc bắt kịp thị hiếu khán giả.

Khi hài thất sủng...

Khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, khi thị trường điện ảnh Việt bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ cũng là thời điểm nở rộ của phim hài với tỷ trọng rất lớn. Riêng năm 2016, tính sơ bộ có đến hơn 10 phim ở thể loại này. Thời phim hài lên ngôi có nhiều yếu tố cộng hưởng: phù hợp thị hiếu khán giả, chi phí sản xuất thấp, doanh thu phim cao, thậm chí đạt nhiều kỷ lục ấn tượng. Trường hợp của một số phim Để mai tính 1, 2; Cưới ngay kẻo lỡ; Cô dâu đại chiến; Tèo em... là những dẫn chứng điển hình.

 

Phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa đề cao tính nhân văn, được khán giả ủng hộ.

Nhưng trong xu thế chung ấy, phim hài Việt dần đi vào lối mòn, nhiều phim nhảm nhí, câu kéo khán giả bằng những chiêu bài rẻ tiền. Không ít phim đã bị xếp vào “thảm họa”, “siêu thảm họa”, “thảm họa chúa”... Ngay cả mùa phim tết vốn đóng đinh với thương hiệu phim hài, nay sức hút cũng giảm đi rất nhiều. Khi theo những lối mòn cũ kỹ, tự thân phim hài đã giết chết chính mình. Bằng chứng là, trong năm 2016 hàng loạt phim liên tiếp thất bại thảm hại về doanh thu, dù cố gắng tìm mọi chiêu trò để thu hút khán giả.  

Thực tế cho thấy, việc phim hài dần bị thất sủng cũng là quy luật tất yếu, bởi nhu cầu và thị hiếu khán giả luôn thay đổi theo thời gian, ngày càng theo chiều hướng gia tăng. Từ “bức tranh” năm 2015 và 2016, các bộ phim thành công cả về mặt doanh thu lẫn đánh giá của khán giả đều ít nhiều đảm bảo các tiêu chí: chạm đến cảm xúc, được thực hiện tử tế, có thông điệp nhân văn... Điều đó được minh chứng qua những: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh, Nắng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể... Bài học từ mùa phim Tết 2017 cũng vẫn còn vẹn nguyên giá trị đối với các nhà sản xuất, đạo diễn.

... và hướng đi mới

Từ cuối 2016 cho đến nay, phim Việt đang bước đầu hình thành lối đi mới. Dòng phim thuộc đề tài tâm lý, xã hội, tình cảm (Bao giờ có yêu nhau; Sài Gòn, anh yêu em; Có căn nhà nằm nghe nắng mưa; Lô tô...); phim ngôn tình (4 năm 2 chàng 1 tình yêu; Sứ mệnh trái tim; Chờ em đến ngày mai; Em chưa 18...) hay phim chuyển thể (Dạ cổ hoài lang; Bạn gái tôi là sếp...)... trở thành những lối rẽ tiềm năng cho các đơn vị sản xuất, phát hành. Đó là lý do dù còn khá kén khán giả, kinh phí đầu tư cao, thành công hoặc chưa về mặt doanh thu..., nhưng nhiều êkíp vẫn quyết tâm thực hiện với mong muốn mang đến cho người xem những bộ phim điện ảnh đúng nghĩa.

Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Mai Thế Hiệp của Có căn nhà nằm nghe nắng mưa chia sẻ: “Tôi ấp ủ dự án này từ cách đây vài năm. Thời điểm đó, khi gặp gỡ nói chuyện với các nhà đầu tư vì phim không có yếu tố hài, hành động nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”. Nhà sản xuất Bebe Phạm và đạo diễn Dustin Nguyễn khi thực hiện bộ phim Bao giờ có yêu nhau cũng lâm vào cảnh tương tự. “Có một số nhà đầu tư quyết định rút khỏi dự án vì phim không có những yếu tố chạy theo thị hiếu khán giả”, Bebe Phạm cho hay.

“Cái khó ló cái khôn”, trên cương vị nhà sản xuất, đạo diễn, mỗi người chọn cho mình những cách đi khác nhau. Khó không có nghĩa là chấp nhận bỏ cuộc, bởi nói như đạo diễn Mai Thế Hiệp: “Tôi tin khán giả Việt Nam vẫn luôn yêu thích những bộ phim về tình mẹ”. Trong khi nhà sản xuất Bebe Phạm bảo vệ quan điểm, điều đầu tiên là kịch bản có làm cho mình xúc động được hay không? Đạo diễn Lê Thanh Sơn của phim Em chưa 18 cũng chọn cách tự thử thách chính mình: “Dù là một đề tài không mới, chỉ xoay quanh câu chuyện của các bạn trẻ lứa tuổi vị thành niên, nhưng nó sẽ mang một dáng dấp mới lạ, chưa từng được khai thác trong các bộ phim cùng đề tài. Vì nếu không làm khác đi, không có yếu tố bất ngờ đặc biệt, phim tôi sẽ bị chìm vào dòng chảy phim Việt đang ồ ạt xuất hiện. Ngoài những chi tiết hài hước, lãng mạn và hình ảnh trẻ trung, ấn tượng, thông điệp của bộ phim dành cho giới trẻ sẽ rất đáng để suy ngẫm”. Mong muốn tìm được sự đồng cảm nơi khán giả với những thông điệp nhân văn, ý nghĩa cũng là cách nhiều êkíp đã, đang tiếp tục thực hiện và bước đầu nhận được sự ủng hộ không nhỏ. Dĩ nhiên, để có được một bộ phim chỉn chu ra mắt người xem là cả nỗ lực, sự hy sinh và đầu tư xứng đáng.

Diễn viên Thái Hòa từng chia sẻ, nếu mục đích đầu tiên và lớn nhất là làm phim để kiếm lời thì nhà sản xuất sẽ tìm mọi cách để đạt được điều đó mà không quá đặt nặng vấn đề chất lượng phim. Hiển nhiên, khi đó họ sẽ tìm mọi cách cắt giảm kinh phí sản xuất và điều tất yếu là khó lòng có một sản phẩm tử tế. Tuy nhiên, nam diễn viên tỏ ra lạc quan vào thị trường, “lúc đó, những phim kinh phí thấp càng dễ chết nhiều hơn”. NSƯT Kim Xuân đồng quan điểm khi cho rằng: “Trên một sàng gạo, những hạt gạo cội luôn được giữ lại và khi đó, gạo tấm, cám sẽ bị đào thải”.

Thành hay bại của mỗi bộ phim luôn là một ẩn số và thực tế không có nhà sản xuất nào dám tự tin tuyên bố số phận đứa con tinh thần của mình. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không mạo hiểm thay đổi và tự làm mới chính mình, phim Việt sẽ khó thoát khỏi vòng tròn quẩn quanh.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top