Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập huyện Mường ảng (1/4/2007 - 1/4/2017)

Mường Ảng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông

11:03 - Thứ Sáu, 31/03/2017 Lượt xem: 8398 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Ảng có hơn 30 bản đồng bào dân tộc Mông ở vùng núi cao, cách xa trung tâm các xã. Mặc dù, người Mông chỉ chiếm một phần nhỏ trong cộng đồng các dân tộc của huyện, đời sống còn nhiều khó khăn, đường đến các bản xa xôi, cách trở nhưng với nỗ lực gìn giữ nét đẹp truyền thống, Mường Ảng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.

Còn nhớ cuối năm 2015, không chỉ người dân Mường Ảng mà nhân dân các huyện trong tỉnh cùng chia vui với bản Nặm Pọng, xã Mường Đăng bởi Tết Nào Pê Chầu đón năm mới của dân tộc Mông nơi đây được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm ấy, cả bản ăn tết to hơn mọi năm, khách từ tỉnh, huyện và các xã lân cận về dự đông vui. Cuối năm 2016, Tết Nào Pê Chầu chào xuân Đinh Dậu tiếp tục được tổ chức quy mô tại bản Thẳm Tọ, xã Xuân Lao. Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Ảng, cho biết: Sau khi Tết Nào Pê Chầu được công nhận, công tác bảo tồn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn huyện. Huyện chủ trương mỗi năm tổ chức Tết Nào Pê Chầu tại 1 bản nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa truyền thống, lòng tự hào bản sắc dân tộc cho đồng bào Mông trên địa bàn. Dự kiến, cuối năm nay, hoạt động này sẽ được diễn ra tại xã Nặm Lịch.

 

Đội văn nghệ bản Pú Súa biểu diễn mừng ngày hội vui của bản.

Ngoài ra, nhiều lễ hội, nghi thức, hoạt động văn hóa khác cũng được quan tâm gìn giữ. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Lễ Cúng bản nhằm cầu bình an, may mắn cho cả bản của dân tộc Mông được phục dựng, tái hiện tại bản Pú Súa, xã Ẳng Cang. Nghi lễ này từ lâu đã không còn được tổ chức với quy mô cộng đồng mà từng gia đình làm lễ riêng tại nhà. Lễ cúng chung cả bản chỉ còn trong trí nhớ của các bậc cao niên. Việc khôi phục nghi lễ này đã làm tăng tính gắn kết cộng đồng cho đồng bào nơi đây. Sau năm ấy, người dân Pú Súa vẫn thực hiện phần lễ cúng riêng tại nhà nhưng đến phần hội thì cả bản cùng vui chơi, múa hát và hẹn nhau 5 năm một lần tổ chức lễ cúng chung để cầu những điều tốt đẹp cho bản làng. Ông Hờ Sống Lử, Trưởng bản Pú Súa, cho biết: Bà con trong bản đã nhận thức được việc cần phải gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Ai cũng mong có thể làm lễ cúng bản như tổ tiên xưa nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên không thể tổ chức thường niên.

Dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Ảng còn lưu giữ rất nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống, những nét đặc sắc trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, như: Tục lệ đám cưới cổ truyền; bài thuốc dân gian; làm khèn, sáo mông; hát giao duyên “cừ xía”; múa khèn… Nghề truyền thống, như: Dệt vải, thêu thùa, đan lát, làm hương, rèn, làm giấy dó… vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phục vụ nhu cầu gia đình. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức thi đấu, vui chơi thường xuyên, như: Tù lu, đẩy gậy, ném pa pao… Ông bà, cha mẹ luôn nhắc nhở con cháu phải nhớ, biết và duy trì những truyền thống, nét đẹp văn hóa của tổ tiên. Toàn huyện có hơn 30 nghệ nhân cấp huyện, người am hiểu văn hóa Mông góp sức gìn giữ, lưu truyền nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Để văn hóa dân tộc Mông được biết đến nhiều hơn, với vai trò đơn vị chuyên môn, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện còn chú trọng lồng ghép giới thiệu phong tục, trang phục truyền thống, bài thuốc dân gian, nhạc cụ dân tộc… trong các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của huyện được tổ chức hàng năm. Tại đây cũng tổ chức trình diễn một số nghi lễ truyền thống, bài hát, điệu múa cổ và thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mông để mỗi người dân thêm yêu và tự hào, từ đó góp sức bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top