Một số nhạc cụ của dân tộc Mông

10:09 - Thứ Năm, 13/04/2017 Lượt xem: 16463 In bài viết
ĐBP - Dân tộc Mông là dân tộc giàu bản sắc, họ có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo. Nhạc cụ dân tộc Mông tuy giản đơn nhưng lại phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào.

Kềnh (Khèn mông)

Là nhạc cụ đóng vai trò quan trọng của người Mông, nó vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ để chàng trai Mông thể hiện tài năng, vừa tiếng tỏ tình, giao duyên, nhưng cũng là lời ca đễ tiễn biệt người chết về với tổ tiên. Khèn được làm từ gỗ thông đá mọc trên núi cao, có núi và 6 ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc được xếp khéo léo, song song trên thân khèn. Khèn có lưỡi gà làm bằng kim loại. Phần đai quấn quanh ống được làm bằng dây gai. Khèn vừa là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều lúc vang xa trầm thích hợp với các động tác múa khèn.

 

Biểu diễn khèn Mông tại chợ phiên Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa. Ảnh: V.T.C

Đàn môi

Người Mông dùng đàn môi để thổ lộ tâm tình, làm cầu nối trong những buồi đầu gặp gỡ. Đàn môi được sử dụng mọi lúc, mọi nơi như, đi chợ, lên nương, lên rẫy và các dịp tết. Đàn môi được làm bằng 1 miếng đồng dát mỏng hay mảnh tre vót mỏng tạo dáng chiếc lá tre. Người ta cắt một chiếc lưỡi dài theo chiều thân đàn, phần đầu lưỡi rời ra chỉ còn phần gốc dính vào thân đàn. Chiếc lưỡi này là bộ phận rung của nhạc cụ. Phần cuối thân đàn có buộc 1 sợi dây hay có 1 tay cầm.

 

Người dân bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa làm đàn môi. Ảnh: Tuấn Anh

Kèn lá

Là một loại nhạc cụ tự tạo đơn giản. Người thổi kèn lá thường chọn loại lá hơi mềm, tương đối dai, mép lá trơn. Kèn lá được dùng để bày tỏ nỗi lòng trước thiên nhiên, trước con người. Khi thổi kèn lá chỉ việc áp vào giữa đôi môi, dùng hơi ở khoang miệng điều chỉnh âm thanh trầm bổng theo âm điệu bài hát, làn điệu dân ca quen thuộc.

 

Người Mông thổi kèn lá. Ảnh: Hải Yến

Ống hát

Ống hát dùng trong hát ống là một hình thức sinh hoạt văn hoá - âm nhạc khá phổ biến của người Mông. Cấu tạo của ống hát rất đơn giản chỉ bao gồm 2 ống mai hoặc ống vầu cắt ngắn khoảng 20cm đường kính 10cm. Một đầu để hở còn một đầu được bịt bằng bóng bò, có một sợi chỉ lanh chạy xuyên qua 2 ống hát để nối với nhau và có tác dụng truyền âm. Hát ống là một hình thức sinh hoạt tập thể thường chỉ diễn ra ở các lễ hội hay các phiên chợ đông người ngoài bãi chơi.

 

Phụ nữ dân tộc Mông ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên “hát giao duyên” bằng ống hát. Ảnh: C.T.V


T.K (theo Sở VH, TT&DL)
Bình luận
Back To Top