Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở Tủa Chùa

09:20 - Thứ Sáu, 14/04/2017 Lượt xem: 5951 In bài viết
ĐBP - Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) cho cơ sở là tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao chất lượng đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân, trên địa bàn huyện Tủa Chùa hệ thống TCVH cơ sở còn ít, có nơi có lúc hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt như mong muốn.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, cho biết: Huyện có 1 sân vận động cấp huyện, đảm bảo tổ chức phục vụ các sự kiện chính trị, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ. Toàn huyện có 8 nhà luyện tập thi đấu cầu lông và 2 nhà luyện tập khác; nhiều trường học có sân bóng chuyền; 1 nhà văn hóa cấp huyện, 3 nhà văn hóa xã (Mường Báng, Xá Nhè, Tả Sìn Thàng), 37 nhà văn hóa cộng đồng tại các thôn bản. Hàng năm huyện đã tổ chức một số giải thể thao, trong đó giải cầu lông cán bộ, công chức, người lao động do Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin tổ chức; giải bóng chuyền công nông binh, giải bóng chuyền ngành Giáo dục và Đào tạo huyện... Tháng 10 hàng năm huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc. Là đơn vị lớn, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đông nên hàng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức các hoạt động thể thao: Cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, cờ vua, kéo co, đẩy gậy, thi tiếng hát người giáo viên nhân dân, giai điệu tuổi hồng... nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho giáo viên học sinh, đặc biệt các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, so với nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao một số trường vẫn còn thiếu sân chơi bãi tập. Ông Sùng A Náng, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, cho biết: Xã có 10 bản đều chưa có nhà văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa cấp xã cũng chưa có. Họp dân thì tổ chức ở nhà trưởng bản, họp chi bộ thì tổ chức nhà bí thư chi bộ. Xã Xá Nhè 8/15 bản có nhà văn hóa cộng đồng; trong đó, 3 nhà văn hóa có tăng âm loa đài. Một số nhà văn hóa làm bằng gỗ nay đã xuống cấp không sử dụng được (Nhà văn hóa bản Hẹ 2, Phiêng Quảng). Xã chưa có sân vận động, nhiều bản chưa có nhà văn hóa.

Cũng theo ông Sùng A Náng: Họp chi bộ, ít người nên gia đình có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng và các điều kiện phục vụ sinh hoạt khác. Nhưng họp bản số người đông, không đủ ghế ngồi, không có tăng âm loa đài, thiếu ánh sáng, mất trật tự, ai tiện đâu ngồi đấy, có ghế thì ngồi, không có ghế ngồi xuống chiếu hoặc kê gỗ, dép ngồi, chất lượng buổi họp không đạt như ý muốn. Cả 2 cuộc họp trên ở nhà riêng của dân đều bất tiện, làm xáo trộn sinh hoạt của gia đình, ảnh hưởng đến học tập của con cháu, người dự họp không tự tin thoải mái. Được biết, trong những năm tới bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác đầu tư xây dựng TCVH sẽ được quan tâm chú trọng. Tình trạng không có nơi vui chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao; dịp lễ tết người dân các bản phải tổ chức ở bãi ruộng, tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, tọa đàm, hội thảo... phải mượn tăng âm loa đài sẽ được giảm tối đa.

Tăng cường chú trọng đầu tư xây dựng TCVH cơ sở là điều kiện cần thiết góp phần xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Tủa Chùa. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trên địa bàn tham gia xã hội hóa đầu tư TCVH nâng cao chất lượng đời sống người dân đẩy lùi hủ tục, xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, chất lượng nguồn nhân lực.

Triệu Mai
Bình luận
Back To Top