Nhân “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4/2009 – 19/4/2017)

Cần coi trọng khả năng trao truyền

09:15 - Thứ Năm, 20/04/2017 Lượt xem: 5833 In bài viết
ĐBP - Như tin đã đưa: Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tối 19/4/2017, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), sẽ diễn ra cuộc giao lưu văn hóa quy mô mang chủ đề “Giai điệu từ núi rừng”. Theo tin từ Ban tổ chức, lễ hội có sự tham gia của 200 già làng, trưởng bản, nghệ nhân của 10 dân tộc đến từ 9 tỉnh, đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước; trong đó có các già làng và các hạt nhân văn hóa - văn nghệ dân tộc Khơ Mú của tỉnh Điện Biên... 

Hẳn chúng ta đều biết Điện Biên là địa phương mà dân số thuộc hàng đa sắc tộc. Chính vì lẽ đó, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư kinh phí của Chính phủ, ngành chức năng tỉnh ta đã tiến hành phục dựng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, cho biết: Thông qua Quỹ Hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật Văn hóa Dân gian của Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam về bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, các nghệ nhân, hội viên thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã lần lượt nghiên cứu, thực hiện được một số dự án, tiêu biểu như dự án: Bảo tồn lễ hội “Gạ ma thú” dân tộc Hà Nhì, bản Đoàn Kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; bảo tồn lễ hội “Căm bản Căm mường” dân tộc Lào, bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; bảo tồn lễ hội “Tù su” dân tộc Mông (ngành Mông Trắng), bản Sa Lông I, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; bảo tồn lễ hội “Nào pê chầu” dân tộc Mông, bản Pú Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên; khôi phục “Lễ cơm mới”của người Khơ Mú, bản Công Kết, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên; bảo tồn và truyền dạy hát dân ca Thái ở vùng tái định cư Thủy điện Sơn La, bản Tân Lập, bản Chiềng Nưa 1 và 2 xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ; phục dựng Hội Hạn khuống dân tộc Thái tại bản Him Lam 2, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ...

 

Hội Hạn khuống, di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Thái đen được phục dựng tại bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: Hữu Thiêm

Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng: Điện Biên là địa phương lưu giữ được rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc, với những làn điệu dân ca, các trò diễn xướng dân gian, các hoạt động tín ngưỡng truyền thống như: Dân ca của dân tộc Thái và Mông; múa xòe, múa sạp của người Thái; múa khèn của người Mông; các trò diễn dân gian: Tó má lẹ, đánh còn... của người Thái. Đây cũng là quê hương của các lễ hội đặc sắc và hầu như dân tộc nào cũng có lễ hội của riêng mình. Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thống kê, khảo sát nghiên cứu các di sản văn hóa của các dân tộc, như: Nghiên cứu, bảo tồn bản văn hóa truyền thống dân tộc Thái trắng tại thị xã Mường Lay; lễ hội cầu mưa (dân tộc Khơ Mú) tại các xã Pa Thơm, Mường Phăng, Mường Mươn của huyện Điện Biên và đề án bảo tồn tổng thể bản văn hóa truyền thống dân tộc Thái Đen, tại xã Phường Phăng huyện Điện Biên; nghiên cứu điều tra dân tộc Thái (ngành Thái trắng) tại bản Mo, Tạo Sen, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay...

Bà Dương Thị Chung, Phó phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Đến thời điểm này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cơ bản hoàn thành “Dự án Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh”, trong đó, toàn bộ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã và sẽ tiếp tục được điều tra, hoàn thiện thống kê báo cáo. Diện mạo các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được nhận diện, bước đầu là việc thống kê đầy đủ tất cả các di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ngành cũng tiến hành phân loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn cấp thiết và lập danh sách các nghệ nhân, những người am hiểu về từng loại hình di sản văn hóa, để từ đó có thể chọn lọc, phân loại và tiếp tục nghiên cứu sâu, phác họa những đặc trưng, ghi hình khoa học để bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, dân gian tích cực cũng như nhận diện các lễ tục, tập tục lạc hậu cần phải xóa bỏ trong đời sống của đồng bào.

 

Người dân bản Pu Lau, xã Phu Luông, huyện Điện Biên gói bánh dày trong Ngày Hội văn hóa, thể thao các dân tộc. Ảnh: Hải Yến

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về di sản văn hóa phi vật thể, bằng những kiến thức sâu sắc của mình, bà Dương Thị Chung cho biết: Di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình: Tiếng nói, chữ viết các dân tộc Việt Nam; Ngữ văn dân gian (bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); Nghệ thuật trình diễn dân gian (bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); Tập quán xã hội (bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); Tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác); Lễ hội truyền thống và Nghề thủ công truyền thống... Những năm qua cùng với cả nước, tỉnh Điện Biên đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng trên tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nền kinh tế thế giới. Nhờ thế, đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn nhân dân được cải thiện, nâng cao và  nhu cầu hưởng thụ văn hoá trỗi dậy như một lẽ tự nhiên. Từ đó, vấn đề tham gia lễ hội và tổ chức lễ hội trở thành một đòi hỏi chính đáng, xuất phát từ tâm linh hướng thiện như vốn dĩ nhân bản con người. Đó là lý do chính để những năm qua, lễ hội truyền thống của một số dân tộc thiểu số đã và đang được đầu tư phục dựng.

Bằng nỗ lực rất đáng ghi nhận của chính quyền và cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chúng ta lần lượt tổ chức thành công một số ngày hội thể thao - văn hoá, phục dựng được một số lễ hội truyền thống tại các địa phương, được dư luận đánh giá cao và nhất là nhân dân các dân tộc hào hứng tham gia. Tuy đã đạt được một số thành công bước đầu nhưng nhìn chung việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cũng còn bộn bề những khó khăn, do Điện Biên là một tỉnh nghèo, các thiết chế văn hóa còn thiếu rất nhiều, nội dung sinh hoạt chưa phong phú. Việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, cũng như công tác nghiên cứu, trùng tu tôn tạo các di tích còn rất eo hẹp, nguồn vốn chủ yếu từ chương trình mục tiêu về văn hóa của Trung ương, kinh phí đối ứng của tỉnh rất ít. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mới chỉ được bảo tồn, lưu giữ ở một số dân tộc thiểu số điển hình, còn rất nhiều dân tộc thiểu số khác trên địa bàn chưa được đầu tư nghiên cứu để nhận diện một cách đầy đủ, chính xác nhất. Những tác động của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, đang ảnh hưởng vừa tích cực nhưng cũng không ít tiêu cực tới thế hệ trẻ, trong việc giữ gìn bản sắc của chính dân tộc mình; một bộ phận nhân dân vẫn coi công tác bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ riêng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Mo nhạc thổi pí đệm cho mo chính hành lễ trong Lễ xên Phắn bẻ của dân tộc Thái. Ảnh: Mai Phương

Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực triển khai một số công việc như: Tiếp tục hoàn thiện công tác tổng kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh, để tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc xếp hạng, quy hoạch di tích cũng như trùng tu tôn tạo di tích sau này. Ngoài ra, theo kế hoạch, ngành sẽ tiến hành điều tra, nghiên cứu các di sản văn hóa phi vật thể cấp thiết cần được bảo tồn; nghiên cứu văn hóa của các dân tộc còn ít được nghiên cứu trên địa bàn, gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của từng dân tộc, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan tới tỉnh ta. Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xã hội hóa công tác bảo tồn vốn di sản văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, cần hết sức coi trọng khả năng trao truyền, nhân rộng và phát huy di sản từ chính các cộng đồng dân tộc cụ thể và yếm thế nhất, tại những địa bàn dân cư nhỏ nhất...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top