Đến với bài thơ hay

Cuộc trường chinh của nửa nước thân yêu

09:20 - Thứ Bảy, 29/04/2017 Lượt xem: 4629 In bài viết
ĐBP - Giữa năm 1963, từ quê hương làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), Hữu Thỉnh lên đường nhập ngũ và được biên chế về binh chủng Tăng - Thiết giáp. Cuộc sống chiến trường cho anh nhiều hiểu biết và nhất là cho anh những cảm xúc về đất nước thân yêu thời “hạt gạo chia đôi”. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Hữu Thỉnh trở về hậu phương với tư cách một công dân đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ người lính. Giờ là lúc anh viết và trong nguồn mạch tuôn chảy với bút lực dồi dào ấy, trường ca “Đường tới thành phố” ra đời như một tất yếu của sự trải nghiệm, dấn thân.

“Những câu thơ còn được đến bây giờ

Chúng tôi sưởi trên những câu thơ ấy

Cứ thế qua đi nhiều mùa mưa”...

Mấy câu thơ cho thấy một tâm trạng thoải mái của những người lính bước vào cuộc chiến. Những câu thơ có lửa, cùng người lính đi qua nhiều mùa mưa, để tồn tại và để chiến thắng. Bất chợt, tôi nhớ, dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (5/2004), nhà thơ Thanh Thảo (Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ngãi), dẫn đầu một đoàn văn nghệ sỹ Quảng Ngãi lên thăm Điện Biên. Bên ly cà phê giữa thành phố Điện Biên Phủ, nhà thơ Thanh Thảo nói rất hay về thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh: “Mỹ cũng đã từng xâm lược Triều Tiên, từng can thiệp bằng chiến tranh vào nhiều vùng, nhiều nước... Nhưng chỉ ở cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đẻ ra một thế hệ những nhà thơ chống Mỹ. Vì yêu nước, yêu nhân dân mình mà chống Mỹ, cũng vì tình yêu ấy mà làm thơ. Rồi ngược lại, những bài thơ yêu nước và chống Mỹ ấy lại tác động đến đông đảo người đọc - những người Việt Nam yêu nước và chống Mỹ. Trong chiến tranh, giữa những thời khắc của hiểm nguy và khủng hoảng, người ta mới thấy hết tác dụng và giá trị của thơ. Những người lính giữa chiến trường thường khát khao tìm đọc thơ của người đã nổi tiếng và cả người chưa nổi tiếng. Trong rất nhiều ba-lô của những người lính trẻ đều có một cuốn sổ tay nhỏ chép thơ, bất kể là của ai, từ một nhà thơ trong nước đến một nhà thơ nước ngoài xen lẫn những dòng thơ mà người lính viết vội giữa cuộc hành quân, trước giờ vào trận đánh. Điều này, chính người Mỹ cũng biết khi họ lấy được chiến lợi phẩm là những cuốn sổ tay của bộ đội Việt Nam. Thơ chống Mỹ của những người lính Việt Nam bình thường, chưa bao giờ được gọi là nhà thơ, nhưng đã được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Mỹ”.

Trong vô vàn những bài thơ viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh được giới phê bình xếp vào hàng những trường ca sáng giá nhất. Chỉ tiếc trong khuôn khổ bài báo nhỏ này, chúng tôi không thể dẫn hết nguyên văn tác phẩm vì độ dài (trường ca) của nó. Song thiết nghĩ, những ai từng đọc trường ca “Đường tới thành phố”, chắc không thể không nghe lòng rưng rưng trước những câu thơ tài hoa, đắng đót nỗi niềm và đau đáu tình người:

“Chị đợi chờ quay mặt vào đêm

Hai mươi năm mong trời chóng tối

Hai mươi năm cơm phần để nguội

Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn”.

Chúng ta đều biết trong đời thực, không ai lại để phần cơm người đi xa những hai mươi năm. Tuy nhiên, xét ý thơ trong một trường đoạn và nhất là trong một tác phẩm chỉnh thể, thì điều vô lý thành ra rất có lý. Hơn nữa, chính sự “vô lý” lại khiến người đọc xúc động và ngẫm ngợi.

“Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại

Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình

Những đêm trở trời trái gió

Tay nọ ấp tay kia

Súng thon thót ngoài đồn dân vệ

Một mình một mâm cơm

Ngồi bên nào cũng lệch”.

Với khổ thơ trên, bạn đọc không khó hình dung người cô phụ năm canh khắc khoải chờ chồng, khi mà bên ngoài gió mưa rầu rĩ. Đêm thì “tay nọ ấp tay kia”, còn ban ngày thì bữa cơm “ngồi bên nào cũng lệch”. Trước đó, sẽ là thiếu sót và cũng là thiệt thòi cho những ai mà năng lực thẩm thấu thơ ca không cho phép lĩnh hội hết cái hay, cái tài của câu thơ tả chân chỉ gồm 5 chữ. Đó là câu thơ thể hiện sự quan sát tinh tế và thú vị trong lối điệp ngữ “một mình một mâm cơm”, hai số từ (một) điệp lại nhau trong cùng một câu thơ ngắn, cho ta thấy cái lẻ đôi, lẻ bạn, chồng vợ lẻ nhau. Bất giác, chúng ta nhớ câu tục ngữ: “Ăn một mình đau tức // Làm một mình cực thân”. Thế mới thương làm sao người chinh phụ trong “Đường tới thành phố” những mấy mươi năm ăn một mình, ngủ một mình, giỗ tết họ mạc đông vui với bao nhiêu tiếng cười như thế mà chị vẫn chỉ côi cút một mình...

Nhà phê bình văn học Phạm Khải viết: “Yêu thơ Hữu Thỉnh mà không đọc trường ca “Đường tới thành phố” là một lỗ hổng lớn, là không thể đánh giá đúng tầm vóc của nhà thơ này. Bởi với các ưu, khuyết của mình, đến nay, trên thi đàn Việt Nam, “Đường tới thành phố” vẫn là một trong những tập trường ca nêu lên hình ảnh cuộc chiến chống Mỹ một cách rộng rãi, chân thực và tài tình hơn cả”. Đúng vậy, theo ông, nói một cách nôm na “Đường tới thành phố” là đường mà những người lính, từ các căn cứ trên miền rừng, từ nơi ém quân trong các bản làng, đã vượt qua bằng mồ hôi, bằng máu và nước mắt của mình để đến được thành phố Sài Gòn, hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước. Tập trường ca được hoàn thành năm 1978, in ra năm 1979, là thời điểm cuộc chiến đã kết thúc. Trước đây, nhiều tác giả khi đề cập tới những mất mát của chiến tranh đã có sự cân nhắc nhất định, bởi dẫu tổn thất, hy sinh là thật thì cũng phải tìm cách nói thế nào để không làm nhụt chí người đi sau. Nay cuộc chiến kết thúc rồi, phải làm rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh. Chiến tranh càng khắc nghiệt, tàn khốc bao nhiêu thì ý nghĩa của chiến thắng mà chúng ta có được càng lớn bấy nhiêu. Đọc “Đường tới thành phố” ta thấy sự khắc nghiệt của chiến tranh đã được Hữu Thỉnh khái quát trong những câu thơ cô đúc, xúc động và ám ảnh.

Với chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng, một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt. Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng, lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ. Ngài mai chúng mình tiến vào thành phố, đêm nay mẹ lại nhắc chúng mình đây... Mẹ sẽ khóc rồi mẹ đi nhóm lửa, tưởng sáng ra là con đã có nhà.... Trường ca “Đường tới thành phố” kết thúc trong sum họp, không phải sự sum họp của một gia đình mà của cả dân tộc, của cả đất nước. Nói cách khác, “Đường tới thành phố” là cuộc trường chinh của nửa nước thân yêu với 30 năm “đi trước, về sau”...

Lời bình của Trường Giang
Bình luận
Back To Top