Cần sớm khôi phục, tôn tạo di tích Huổi He

09:43 - Thứ Năm, 18/05/2017 Lượt xem: 7602 In bài viết
ĐBP - Hang Huổi He (nay thuộc địa bàn xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) là một trong 3 địa điểm của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ 63 năm trước. Hiện nay, điểm di tích này đã được khoanh vùng, cắm mốc, quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư, tôn tạo tương xứng với giá trị lịch sử của nó.

Giá trị lớn về lịch sử, khoa học quân sự

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại hang Huổi He nằm trên địa bàn xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên. Theo chỉ dẫn của người dân bản Tấu, xã Nà Nhạn, chúng tôi đến điểm di tích hang Huổi He. Từ trung tâm xã Nà Nhạn (gần quốc lộ 279) đến Huổi He hơn 4km, trong đó có hơn 2km đi bộ qua suối và cheo leo trên sườn núi. Hang nằm sâu trong núi đá, bên cạnh dòng thác Huổi He nước chảy quanh năm, diện tích hang khoảng 25m2 (đã bị sập). Mặc dù chỉ đóng chân 13 ngày (từ ngày 18 – 30/1/1954), nhưng tại đây hơn 63 năm trước đã diễn ra nhiều cuộc họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặc biệt là cuộc họp bàn để thay đổi phương châm tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Huổi He được người Thái nơi đây gọi là Huổi Hẹ, nghĩa là dòng suối hai bên có nhiều tre, nứa. Có khi người dân bản địa còn gọi là Huổi He Ộ vì nó gắn với dòng suối Huổi He Ộ, nghĩa là suối nách to. Mặc dù trải qua thời gian dài không được đầu tư bảo tồn, hang đã bị đánh sập, nhưng những dấu tích của Huổi He vẫn còn dễ nhận biết, xác định, như vị trí lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán làm việc của tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, khu tập kết lương thực, khu vực bệnh viện...

Hang Huổi He được nhận định có giá trị lớn về lịch sử, khoa học quân sự. Đây là một minh chứng lịch sử cho sự hình thành, phát triển và đóng góp to lớn của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Thông qua di tích hang Huổi He sẽ giúp cho việc nghiên cứu, khám phá nghệ thuật quân sự Việt Nam, nếp sinh hoạt thời chiến và những tư duy sáng tạo của cha ông ta trong cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn giang sơn đất nước. Di tích là biểu tượng của tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, là địa điểm để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Chưa được đầu tư khôi phục, tôn tạo

Ông Đặng Trọng Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: Với ý nghĩa lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 23/12/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2367/QĐ-TTG bổ sung 23 điểm, trong đó có hang Huổi He vào Hồ sơ di tích Chiến trường lịch sử Điện Biên Phủ (đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009). Hiện nay, điểm di tích này đã được các cơ quan chức năng khoanh vùng, cắm mốc, quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư, tôn tạo. Vì cách xa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ và khu dân cư, chưa có đường vào nên tại di tích này chưa có hoạt động văn hóa nào được tổ chức, việc tới tham quan điểm di tích của nhân dân còn hết sức khó khăn.

Được biết tỉnh Điện Biên đang xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trong đó có việc tôn tạo, phục dựng di tích Huổi He. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đến đây khảo sát nhằm tìm phương án khôi phục di tích này, góp phần phát huy giá trị của di tích Chiến trường Điên Biên Phủ. Hy vọng điểm di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Huổi He sẽ sớm được trùng tu, tôn tạo.

Tuy nhiên, trước mắt, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng, giá trị lịch sử của di tích, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể và có phương hướng bảo vệ, phát huy giá trị di tích một cách khoa học. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, đồng thời có biện pháp tích cực để bảo vệ và bảo tồn cảnh quan của điểm di tích và khu vực xung quanh điểm di tích.

Hoa Huyền
Bình luận
Back To Top