Đến với bài thơ hay

Chiếc xe chở đõ ong lăn bánh

09:35 - Thứ Năm, 01/06/2017 Lượt xem: 5835 In bài viết

Chiếc xe chở đõ ong lăn bánh

Vòng đêm dài sẽ đến một miền hoa

Xe chạy êm ru, êm ru như sợ

Bầy ong giật mình thức giấc bay ra

 

Người nuôi ong tìm đến những miền xa

Hoa sú vẹt trắng ngần bờ biển xanh gió cát

Trăm loài hoa đồng bằng và vùng cao ngút ngát

Phía ven trời mây nõn màu hoa

 

Xe đi, xe đi, gió cuốn la đà

Những ngọn núi nhấp nhô trước mặt

Cả trời sao bồng bềnh xa lắc

Thành bầy ong bay dọc dải ngân hà

 

Chiếc xe chở đõ ong lăn bánh

Một miền trời mê hoặc, một vùng hương

Cả mùa hoa dành cho ong đấy

Và ban mai như đõ mật khổng lồ đang chảy

Ong rì rào mê mải trước ngày hoa…

 

Cả một trời hoa dần đọng thành mật ngọt

Đàn ong tỏa ra như đám mây hiền

Ai tính được đường bay một đời ong làm mật

Bay và chết giữa mùa tinh khiết, bình yên…

 

Khi cánh rừng thiêm thiếp ngủ trong đêm

Chiếc xe chở đõ ong âm thầm lăn bánh

Âm thầm như dòng mật vàng sóng sánh

Qua đỉnh đèo tiếng xe nhẹ và êm.

(Nguyễn Đức Mậu, “Cháy trong mưa”, NXB QĐND 2017)

Xe thơ “chở đõ ong lăn bánh”

Thơ đề tài nghề nghiệp, người lao động… rất dễ sa vào, hoặc ca ngợi, bay bổng chung chung, hoặc là kể khổ - mồ hôi, nước mắt... Nhưng rất vui, đọc xong khổ đầu tiên của “Chiếc xe chở đõ ong lăn bánh”, tôi đã bị cuốn hút bởi mình gặp đúng thơ, đúng vào chiều sâu tâm tư của người cũng như nghề nuôi ong lấy mật.

Biết nghề ong là mênh mông, đường bay nhiều nhiều ki lô mét… nên nhà thơ chỉ “nhỏ nhẹ” thôi - trong một đêm, trên chiếc xe chở đõ ong lăn bánh. Thời gian, không gian ấy, bình thường sẽ tưởng hạn hẹp nhưng với nghệ thuật, số nhỏ lại là quí báu để nhà thơ nương theo ong bay bổng, tâm tư, dư âm...

Đầu tiên xin nói về chiếc xe (xe tải), một phương tiện phổ thông nhưng đêm nay là chuyến đặc biệt. Bởi những “hành khách” cánh mỏng nhạy cảm lại đi đến… miền hoa.

Chiếc xe ngay từ phút khởi hành đã rất thấm điều đó - “Xe chạy êm ru, êm ru như sợ/ Bầy ong giật mình thức giấc bay ra”. Xe chạy “êm ru” thì cũng là sự thường, bởi nay nhiều tay lái mượt mịn như nhung lụa; nhưng “êm ru như sợ” thì chỉ là những vô lăng chuyên khách chăm chỉ mỏng mảnh, trải qua quá trình đồng thanh tương ứng mới có được. Lái xe đầy tâm trạng, lái mà các giác quan luôn thường trực, mình sợ để bạn mình không một tích tắc giật mình. Ong vốn có tính tổ chức rất cao, và cũng rất nhạy cảm. Đọc câu thơ, ta dễ hình dung, tay lái ấy, phải hiểu - thấm - cảm bạn đồng hành đến từng tiếng cánh cựa mình. Khi nghĩ như vậy, tôi khẳng định luôn rằng, tay lái ấy là anh chủ của các em ong. “Đêm nay, anh đưa em về miền hoa mới nhiều hương thơm mật ngọt. Thế nhé, yên tâm nhé, chúng ta cùng đi” - Tôi hình dung anh nuôi ong đang thì thầm vậy.

Tiếp hành trình, là dòng tâm tưởng, tâm sự của người “anh ong”. Khi phơi phới đích đến phía trước: “Trăm loài hoa đồng bằng và vùng cao ngút ngát/ Phía ven trời mây trắng nõn màu hoa”. Lúc như mê đi trong trời đêm: “Cả trời sao bồng bềnh xa lắc/ Thành bầy ong bay dọc dải ngân hà”. Và dù bay bổng đến thế nào vẫn quay về thực tại: “Cả mùa hoa dành cho ong đấy/ Và ban mai như đõ mật khổng lồ đang chảy/ Ong rì rào mê mải trước ngày hoa…”. Đi xuyên đêm để đến ban mai, một “ban mai như đõ mật khổng lồ đang chảy” chắc chỉ duy nhất người nuôi ong có. Đấy là hư ảo tưởng tượng, hay sự thật? Cộng cả hai. Tình cảm và nhận thức một khi mê đắm đến tận cùng thì hòa quyện ra hình ảnh, thật hơn cả thật. Trong lòng anh, trong mắt anh đang tất cả vì ong, như bầy ong xúm xít quây quanh tổ mọng mật thì “Trời sao” hay “đám mây”, “Ban mai”…, cũng thành ong, thành mật hết. Nhà thơ không cần nửa câu nói người nuôi ong gắn bó, tri kỷ, ăn ngủ vất vả với nghề như thế nào; chỉ qua vài hình ảnh hàm súc ấy, bạn đọc đã hình dung rõ mồn một - chân dung người nuôi ong lấy mật thứ thiệt.

Một “nhân vật” trung tâm nữa của bài thơ là các chàng ong, nàng ong. Họ đông lắm, không biết nghìn triệu bao nhiêu… chỉ biết áng chừng tương đối, nhưng chính xác là luôn lao xao, rì rào. “Họ nhà bay” vốn tự đi tìm hoa kiếm mật nhưng chỉ phạm vi ki lô mét hạn định, và như thế số hoa lấy mật cũng không thể vô biên. Một con ong thợ thường bay xa tổ khoảng 2 - 3km để tìm mật và trên chặng đường này, chúng thường ghé qua 50 - 100 nụ hoa trước khi về tổ - xin phép xen vào câu khoa học kỹ thuật (không thơ) để thấy rằng ong “cảm động”, “rì rào”, “mê mải”… như thế nào trước miền hoa mới.

Các khổ thơ, câu thơ không tách bạch ong và người nuôi ong, chỉ ngôi nhà là chiếc xe chở đõ ong nối kết. Chiếc xe nổi lên, chính là người và cũng chính là ong. Xe khởi hành “êm ru” lúc ong đang giấc. “Xe đi, xe đi, gió cuốn la đà” là lúc ong sâu giấc… mơ lên “thành bầy ong bay dọc dải ngân hà”. Xe đến ban mai được “đõ mật khổng lồ đang chảy” (mặt trời) thì có thanh âm “rì rào mê mải trước ngày hoa” của ong…”…

Thơ về nghề nghiệp vốn xem là khô, khó... viết mà non tay, hời hợt rất dễ “được” xếp vào loại “tuyên truyền tốt”.

“Chiếc xe chở đõ ong lăn bánh” của Nguyễn Đức Mậu là một “chiếc xe thơ”. Bỗng muốn là… ong, bởi bài thơ thật - người thật, nghề thật vẫn cứ rì rào, mê mải, nhẹ êm…

22/5/2017

(Lời bình của Du An)
Bình luận
Back To Top