Vài suy nghĩ về văn hóa mặc các DTTS Điện Biên

09:07 - Thứ Năm, 08/06/2017 Lượt xem: 7187 In bài viết
ĐBP - Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sau hơn 30 năm đổi mới (1986 - 2017), các dân tộc thiểu số (DTTS) nêu cao truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng Điện Biên phát triển và phồn vinh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội; thì mặt trái của nền văn minh công nghiệp cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề cần phải bổ sung, điều chỉnh kịp thời từ tầm vĩ mô xuống các địa phương, các dân tộc, các bản làng và thậm chí đến cá nhân mỗi con người trong từng cộng đồng dân tộc cụ thể. Trong đó, bản sắc văn hóa mặc các DTTS là một trong những điều đáng lo ngại nhất, cần được quan tâm nhất...

Như chúng ta đều biết, một trong những yếu tố quyết định để làm nên bản sắc văn hóa tộc người, đó là trang phục - điều mà các nhà nghiên cứu gọi một cách giản dị và rất trúng là “văn hóa mặc”. Bạn đọc Điện Biên những ai thực sự quan tâm đến vấn đề này, chắc chưa quên “Hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ Nhất”, được tổ chức vào tối 15/10/2011, tại thành phố Điện Biên Phủ. Hội thi thu hút hơn 30 thí sinh có tuổi đời từ 18 - 35, đến từ 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; thuộc 6/19 dân tộc anh em (gồm dân tộc Thái, Mông (Mông đỏ và Mông trắng), Xinh Mun, Lào, Hà Nhì và Kháng)... Và mới đây, tháng 3/2017, trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban, cuộc thi Người đẹp Hoa ban với phần trình diễn trang phục dân tộc của gần 200 thí sinh đến từ 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và Hà Giang), đã phần nào thể hiện chủ trương, nỗ lực và khát vọng bảo tồn văn hóa mặc truyền thống các DTTS của các tỉnh trong vùng.

 

Thiếu nữ dân tộc Mông (huyện Mường Nhé), với trang phục thành phẩm trọn bộ mua từ các chợ vùng biên.

Nhìn chung các thí sinh đem đến hội thi những bộ trang phục độc đáo, phản ánh khá sinh động đời sống văn hóa, sinh hoạt và lao động sản xuất của dân tộc mình. Nhiều bộ trang phục các hoa văn mang hình ảnh của núi rừng, nương đồi, làng bản, chim muông, hoa lá... Lẽ thường, cùng với tiếng nói (ngôn ngữ) và chữ viết (tự dạng), trang phục truyền thống chứa đựng những giá trị lịch sử, phản ánh nét văn hóa “hồn cốt” đặc trưng của mỗi tộc người. Sáng ngày 5/6/2017, chúng tôi có buổi làm việc với bà Trịnh Thị Mai - Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh, bà Trịnh Thị Mai cho biết: Hiện nay, trong cộng đồng 18 DTTS (không kể dân tộc Kinh) trong tỉnh, rất nhiều dân tộc không còn mặn mà với chính trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhiều dân tộc các bà, các chị cùng lắm có 1 - 2 bộ trang phục truyền thống và trong một năm cũng chỉ dùng vài ba lần vào những dịp đặc biệt, như: Lễ tết, cưới hỏi... Theo bà Trịnh Thị Mai, nếu kể đến các DTTS còn ít nhiều gìn giữ được những bộ trang phục truyền thống, thì trước hết phải là dân tộc Hà Nhì, sau đó là dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Thái... Tuy nhiên, ngay cả những dân tộc được “điểm danh” này, thì một thực trạng chung cần lưu ý là nhiều bộ trang phục không còn nguyên vẹn 100% giá trị truyền thống. Nói cách khác, thay vì vải thổ cẩm và hoa văn thêu tay, thì nhiều bộ trang phục là vải công nghiệp và hoa văn cũng mua ngoài chợ về rồi lắp ghép vào.

Bà Nguyễn Thị Vân - cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng tỉnh) - lý giải: Hiện nay, có một thực trạng mà ai cũng biết là tại bất cứ làng bản nào, ở bất cứ địa phương nào và với bất cứ dân tộc nào, vấn đề văn hóa truyền thống bị mai một là rất rõ và không thể phủ nhận. Đi tìm nguyên nhân, nhiều người có trách nhiệm cho rằng bộ trang phục truyền thống DTTS mất rất nhiều công may, khâu, thêu... song lại bất tiện trong sinh hoạt đời thường, nhất là lúc lao động trên nương dưới ruộng; vì chúng... lòa xòa, vướng víu. Quả thực, với cái váy nhiều nếp gấp của phụ nữ dân tộc Mông đỏ hoặc cái áo của phụ nữ Dao đỏ với hai hàng quả bông chạy dài trước ngực, thường chỉ phù hợp trong những dịp thanh nhàn như lễ tết, hội hè, cưới xin... Lớp trẻ nhiều người không thích sử dụng trang phục của chính dân tộc mình, đặc biệt những thanh niên (cả nam và nữ) có cơ hội học tập rồi thoát ly, đã nhanh chóng “quay lưng” với vốn văn hóa truyền thống của nơi mà mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành - Nơi mà mình, đáng lẽ, phải mang ơn mới đúng về đạo lý làm con, làm người...

 

Nhà trưng bày thổ cẩm truyền thống tại bản Che Căn (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên), trong khuôn khổ dự án bảo tồn văn hóa Thái, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên thực hiện.

Không ít dân tộc, trang phục truyền thống của nam giới hầu như không còn (ngoại trừ trang phục của thầy cúng, thầy mo); hoặc vay mượn, bắt chước những chi tiết hoa văn, thậm chí bê nguyên xi trang phục của dân tộc khác, chi ngành khác. Chỉ một chi tiết cái cổ áo của bộ nữ phục thôi, nhưng nhìn vào đấy đủ biết chị này là Thái trắng (cổ hình chữ V), cô kia là Thái đen (cổ cao, khuy cài sát lên trên). Hiện nay, nhiều nơi bà con các dân tộc không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, một phần là do các làng nghề (dệt thổ cẩm) cổ truyền đã và đang bị mai một. Chúng ta thiếu những chính sách hiệu quả và đúng đắn để khuyến khích việc trồng, chế biến nguyên liệu truyền thống, thiếu cơ chế cho những bộ trang phục trở thành hàng hóa. Tình hình chung là rất nhiều “làng nghề” thổ cẩm lúc khai trương thì trống giong cờ mở, phóng viên đến quay phim chụp ảnh tới tấp. Nhưng sau một thời gian rất ngắn thì cực chẳng đã, khung cửi lặng lẽ xếp lại, xã viên tứ tán để tự mình tìm kế sinh nhai và đó là lúc “dự án khả thi” đã giải ngân xong(!)...

Bên lề Đại hội điểm thể dục thể thao lần thứ II năm 2017, tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (4/2017), ông Lê Hồng Nam - Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Nhé - cho rằng nhìn tổng quát trang phục dân tộc nào cũng đẹp, nhất là trang phục phụ nữ. Qua đó, ta nhận ra nét riêng biệt của mỗi dân tộc bởi màu sắc, hoa văn từng chi tiết; như nhiều loài hoa đơn lẻ tạo nên một vườn hoa đa sắc chung. Nói cách khác, trang phục là dấu hiệu đầu tiên và cụ thể nhất, nhanh nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc kia. Dân tộc nào gìn giữ được những bộ trang phục truyền thống, tất sẽ gìn giữ được hồn cốt, bản sắc, tính khu biệt và nhất là niềm kiêu hãnh của dân tộc mình. Thực hiện phương hướng nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII): “Làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”; các đơn vị với chức năng làm văn hóa - nghệ thuật đã và đang hướng sự phục vụ về miền núi và đồng bào các DTTS nhiều hơn; công tác sưu tầm, nghiên cứu, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS từng bước được chú trọng; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS làm văn hóa - thông tin ngày càng được quan tâm.

Trước yêu cầu bức thiết đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS trong tỉnh, ngày 12/6/2013, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 401/QĐ-UBND, về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó: “Văn hoá các DTTS là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hóa Việt Nam. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hóa các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn...”. Trong nỗ lực chung ấy, hy vọng tiềm năng văn hóa nói chung và văn hóa mặc nói riêng của các DTTS Điện Biên, không chỉ được bảo tồn mà còn được khai thác, phát huy, phổ biến một cách hiệu quả nhất, cụ thể và bền vững nhất...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top