Truyện ngắn

Niềm vui lao động

10:28 - Thứ Năm, 08/06/2017 Lượt xem: 4120 In bài viết
ĐBP - Bà Mây vừa đi chợ về, đang quét dọn nhà cửa thì nghe có tiếng xe máy và tiếng người gọi gấp gáp ngoài cổng.

- Bà Mây ơi bà Mây, ra mở cổng nhanh lên, nhanh lên nào. Gớm có người ở nhà mà còn phải khóa cổng làm gì cho nó rách việc. Nào, mở to ra rồi đẩy giúp tôi cái xe vào nhà, chà nặng quá!

Bà Mây nhanh chóng mở cổng và cùng với ông Thực đẩy xe về phía sau nhà. Vừa đi bà vừa hỏi:

- Cái gì mà nặng thế này hử ông, sao ông bảo đi đến chiều mới về cơ mà, nào cố lên tí nữa.

Ông Thực:

- Hà hà… làm ăn thời kinh tế thị trường thì phải năng động chứ. Nói là đến chiều về, nhưng trúng quả rồi mà phải về ngay, cần làm việc khác. Nào bà giúp tôi một tay hạ cái bao tải xuống nhá, nhẹ tay thôi đấy.

- Giời đất ơi, cái gì mà nặng như đá thế này hả ông?

- Lờ ơn lơn nặng lợn chứ còn gì nữa, nào cố lên nhấc nó xuống nhá.

- Cái ông lỡm này, thế sao ông không nói thẳng ra là lợn có được không. Lại còn dây cà dây muống, lờ ơn lơn nặng lợn?

- Bà cứ yên tâm mà vui đi, việc chăm sóc đàn lợn cứ để đấy cho tôi. Tết này mà có lợn đen tung ra thị trường thì tiền triệu vào nhà là cái chắc.

Hàng ngày, ông Thực để hết tâm trí, sức lực chăn nuôi đàn lợn. Nhưng chưa biết nguyên nhân vì đâu lợn ăn nhiều mà không thấy lớn. Sau một tháng ông cân lại, từ một tạ mốt xuống còn hơn 90 cân. Ông Thực vẫn kiên trì chăm sóc đàn lợn, ông mời cán bộ thú y đến khám, tiêm phòng, rửa ruột chống táo bón, cải tiến khẩu phần ăn, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại… Sau một tháng chăn nuôi theo phương pháp khoa học, ông cân lại, mỗi con đã lên được tám cân và cứ thế các tháng sau tiếp tục lên. Ngày nào đi chợ về bà Mây cũng ra chuồng ngắm đàn lợn và khen ông Thực chăm chỉ mát tay.

Bà Mây:

- Ông Thực ơi, tôi nói thật nhá, tôi lấy ông hơn hai chục năm bây giờ mới thấy ông là người chăm chỉ lại mát tay nuôi lợn nữa.

- Hà hà… còn trên tài mát tay nữa ấy, bà còn nhớ không, sau khi đẻ cái út Loan, người bà như cái mõ tre ấy, thế mà tôi chăm sóc đến bây giờ vẫn còn giữ được trên 50 cân. Câu chuyện chăm sóc đàn lợn còi được như bây giờ đối với tôi là chuyện vặt. Đấy bà nhìn thật kĩ đi, có khi lợn trong tranh Đông Hồ còn kém xa ấy chứ.

Sau hơn năm tháng chăn nuôi đúng quy trình kĩ thuật, cả sáu con lợn nhà ông Thực giờ con nào con nấy đỏ như màu da khoai lang, lông mọc đen bóng, ai nhìn cũng thích mắt. Những ngày gần tết âm lịch, khách đến nhà hỏi mua đông lắm, người này giao kèo, người kia đặt cọc, có người còn lấy kéo cắt lông đánh dấu. Vào một buổi sáng, ông Thực đang cho lợn ăn thì nghe có tiếng xe máy và tiếng gọi the thé của đám ba toa ngoài cổng:

- Anh Thực ơi, anh có nhà không đấy. Tết nhất đến chân rồi mà sao nhà cửa vắng vẻ im ắng thế này?

Ông Thực đổ hết cám vào máng cho lợn rồi quay ra đón khách. Người vừa gọi là bà Tâm, kém ông bốn tuổi, chuyên nghề mổ lợn. Ông Thực lau tay xong lên nhà xem khách lạ hay quen.

- Chào bác, bác mới đến à? Mời bác vào nhà, thông cảm tí nhá, tôi đang bận cho mấy con lợn ăn mà.

- Trời đất thiên địa ơi! Thế ông anh không nhận ra em à? Sao lại chào bác, em là Tâm đây mà. Cùng là quân thợ đường với anh ngày xưa ấy mà, anh đã nhận ra em chưa nào?

Ông Thực:

- Cha mẹ ơi, trông cô đẫy đà ra thế này thì làm sao tôi nhận ngay ra được. Sau hôm nay rồng lại đến nhà tôm thế này?

- Không phải rồng đến nhà tôm đâu, mà cô em đến thăm anh, lại mang lộc đến nhà cho ông anh đây. Tết này thì ông anh trúng quả rồi đấy nhá.

- Cô Tâm này, cô nói gì tôi không rõ, tôi thì làm gì có quả, có lộc ở đâu. Mấy tháng nay chỉ quanh quẩn với đàn lợn còi thôi mà.

- Đây, chính là lộc và quả ở cái chỗ ấy đấy. Em liếc nhìn qua rồi, đàn lợn của ông anh hệt như đàn lợn trong tranh Đông Hồ vậy. Em biết đã nhiều người đến gõ cửa chuồng, nhưng ông anh chưa nhận lời ai phải không?

- Vâng, cô nói đúng đấy, mấy ngày nay chỉ tiếp khách đến mua lợn mệt cả người. Ông này đòi đăng ký, bà kia muốn giao kèo đặt cọc. Có người còn cắt cả lông lợn để đánh dấu nữa chứ. Nhưng vợ chồng tôi chưa nhận lời ai cả.

- Hí hí... đấy là quả, là lộc của ông anh rồi còn gì, em nói có sai đâu. Nhưng mà này, ông anh từ chối ai thì còn được, chứ từ chối em là không xong đâu. Đây, nếu cần ông anh cứ tạm cầm giúp em 2 triệu, gọi là tiền “lót ổ” trước. Gần tết em cho xe đến xin ông anh cả đàn nhé! Được chưa nào?

Ông Thực và bà Tâm đang nói chuyện thì ông Hích xuất hiện đột ngột.

- A, xin chào, hôm nay bác Thực có chuyện gì mà rôm rả thế? Đứng ngoài cổng tôi nghe câu chuyện cứ như ngô rang ấy, vui quá nhỉ?.

- Mời bác vào uống nước, tôi đang tiếp khách đến mua lợn đây. Mời bác uống nước đi, có ấm trà Mẫu Sơn mới pha xong đấy.

- Bác ơi, bác không nhận ra em à? Còn em vẫn nhận được bác đấy, bác là thợ cầu, còn chúng em là thợ đường, đúng không nào?

Ông Hích:

- Tôi nhận ra rồi, bà Tâm trong đội quân trấn ải đèo Chín Tầng ngày xưa chứ gì. Tôi nghe tin mấy năm nay làm ăn phất to lắm phải không? Hơn hẳn tôi với bác Thực một cái đầu rồi đấy.

- Vâng, chả giấu gì hai bác, thời buổi này làm giàu không khó đâu. Có người làm giàu bằng kinh doanh dịch vụ du lịch, có người đi lên từ chăn nuôi. Còn em thì đi lên bằng con dao với cái phản thịt thôi hai bác ạ, hí hí...

- Làm gì thì làm, cứ lương thiện là được. Thế thì nhà cửa đã xây cất xong chưa? Có hoành tráng lắm không?

- Vâng, hôm nào mời hai bác đến thăm nhà em. Nhưng em cũng xin nói trước, đất mặt đường phải tiết kiệm nên phải xây một bên là chuồng người, một bên là chuồng lợn, trâu bò, thỉnh thoảng lại có cả ngựa nữa... Thôi nhá, nói mãi nói dài dòng văn tự, đàn lợn này vào tay em dịp tết này là xông xênh lắm đấy. Em chỉ cần lên tiếng ngày mai mổ lợn đen là người đến đăng ký mua như tôm tươi. Người cái chân, kẻ cái đầu, có người chỉ đăng ký mỗi cái đuôi hoặc cái tai thôi.

- Lạ nhỉ. Ngày tết mà nhà họ mua được một tí thế thì ăn uống ra làm sao, ai ăn ai không?

- Khổ quá, bác cứ như là người trên trời rơi xuống ấy. Không phải họ mua về ăn, mà mua về để trương lên phản thịt là lợn trắng biến thành lợn đen, lợn dân ngay.

Ông Hích:

- Hì, hì… thế là làm ăn theo kiểu “treo đầu dê” rồi đấy.

Bà Tâm:

- Này bác Hích ơi, bác đừng có nói oan cho bọn chúng em nhé! Đầu dê là đầu dê, thịt chó là thịt chó. Ngược lại của chúng em chỉ có lợn và lợn. Đen trắng, đực cái gì cũng là lợn cả thôi mà! Hì hì...

Sự giao kèo mua bán giữa ông Thực và bà Tâm đã tạm ổn, chỉ chờ ý kiến bà Mây vợ ông Thực nữa là mọi chuyện xong xuôi. Bà Tâm xách túi, bắt tay ông Thực, ông Hích rồi hớn hở ra về như người nhặt được của rơi. Chuông đồng hồ nhà Bưu điện tỉnh ngân nga đúng 12 tiếng. Còn lại một mình, ông Thực đứng dậy pha ấm chè mới và rất vui khi nghĩ về khoản thu nhập mấy chục triệu đồng cuối năm; đó là công sức, mồ hôi và sự kiên trì chăm sóc đàn lợn còi của ông bà. Bạn bè nói vui mà cũng thật đúng, đấy là niềm vui lao động và rất chính đáng của gia đình ông...

Nguyễn Anh Quốc
Bình luận
Back To Top