Gặp tác giả bài thơ “Nếu không còn biên chế…”

10:35 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 6865 In bài viết
ĐBP - Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng xã hội facebook “dậy sóng” bởi một bài thơ “Nếu không còn biên chế” của tác giả Nguyễn Đức Lợi (Mường Ảng, Điện Biên). Trong bối cảnh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra ý tưởng, bỏ biên chế giáo viên đang tạo sức “nóng” trong dư luận. Anh Nguyễn Đức Lợi, đã làm bài thơ “Nếu không còn biên chế” và chia sẻ trên mạng xã hội facebook kèm theo dòng chữ “Mến tặng các thầy cô giáo cắm bản”. Sau 3 ngày đăng tải, bài thơ đã thu hút hàng vạn lượt người tương tác, trong đó có trên 7 nghìn lượt thích, hơn 4 nghìn lượt chia sẻ và hàng nghìn lượt bình luận.

Được biết anh Nguyễn Đức Lợi có thời gian dài làm báo nên đã tiếp xúc và thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các thầy cô giáo nói chung và giáo viên vùng cao nói riêng. Ngoài ra anh còn được nhiều người biết đến với vai trò là một nhà văn, nhà thơ có nhiều tác phẩm đoạt giải cao và được nhiều bạn đọc trong cả nước mến mộ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lợi cho biết: Vì công việc bận rộn, nên tôi chỉ có khoảng 10 phút tư duy cho ý tưởng này, tất nhiên nó là sự đúc kết của cả quãng đời trải nghiệm ở vùng cao, và là sự chia sẻ sâu sắc với hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của các thầy cô giáo cắm bản. Tôi làm thơ không giỏi, đặc biệt về vấn đề mà “chất liệu của nó chỉ dành cho báo chí”. Nếu viết giỏi, tôi sẽ đưa được cả hoàn cảnh của những cô giáo bỏ lại điều kiện công tác lý tưởng ở phố thị để lên rừng. Nghiệt ngã hơn là người yêu bỏ, tuổi thanh xuân bỏ, cuối cùng là một kết cục tất yếu: lấy một ông chồng người địa phương cho gọi là có gia đình. Thậm chí có cô chỉ được làm… vợ lẽ! Đấy là yêu nghề! Còn trường hợp khác lại là yêu… biên chế! Vì biên chế - sự ổn định tối thiểu về mặt cống hiến - vì cuộc sống các thầy cô phải dấn thân vào những nơi mà đến thú rừng còn khó sống. Không có điện, không có đường là lẽ đương nhiên, xã hội chưa có điều kiện quan tâm hết được. Đến nước uống cũng không có thì làm sao mà sống. Hết tiết - tức xong trách nhiệm là tuyệt giao, là khóa trái cửa ngồi thu lu trong gian nhà nứa ọp ẹp dân dựng vội, khóc đến nẫu cả hoàng hôn…

Thấy tôi thực sự quan tâm về vấn đề bỏ hay giữ biên chế của ngành giáo dục, Nguyễn Đức Lợi lắc đầu. Anh bảo: Với một số nơi, một số trường hợp thì bỏ biên chế là cần thiết, nó sẽ tạo ra chất lượng bởi tính cạnh tranh, nhưng với điều kiện Bộ trưởng phải làm được từ trên xuống, phải chắc chắn đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Càng cấp trên, càng lãnh đạo thì càng cần trong sáng, vô tư và làm gương. Còn riêng với giáo viên cắm bản - các chiến sĩ thực thụ trên mặt trận giáo dục của nước nhà thì cần có chính sách đặc thù, khác biệt. Vì thế nên anh chỉ chọn lát cắt này để chia sẻ. Chia sẻ nhưng không cổ súy, không xúc xiểm, xúi giục… về một chính sách mới đang trên đường trưng cầu ý kiến dư luận.

Nói đến cổ súy, tôi tỏ ra băn khoăn về việc bài thơ của anh không đăng trên các tờ báo chính thống, mà lại là mạng xã hội facebook. Vậy anh có kiểm soát được không? Nguyễn Đức Lợi rùng mình trả lời: Rất mệt! Anh nói là cả đêm không ngủ. Anh hầu như kiểm soát từng bình luận, từng chia sẻ. Mà tốc độ like, chia sẻ và bình luận thì ào ào như vũ bão, đọc không đã chóng cả mặt. Có trường hợp vào chửi bới chế độ, viết lách thiếu văn hóa, cổ động số đông làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức… nhẹ thì anh nhắc, nặng thì anh xóa, chặn… Anh sợ nhất là những người mang thơ của anh đi làm mục đích khác. Họ “đạo” không ghi nguồn, không tên tác giả thôi còn là phúc. Chỉ sợ họ làm điều bất minh.

Anh nói như vậy là cuộc sống của anh có xáo trộn, có ảnh hưởng? Đúng. Mấy lần định xóa đi vì mệt, nhưng nghĩ, nhờ có bài thơ mà mọi người được biết đến bao nhiêu chia sẻ khác, bao nhiêu khó khăn vất vả khác và bao nhiêu tấm gương giữa đời thường vốn được chính các thầy cô giáo cắm bản giấu kín…

Tôi hỏi Nguyễn Đức Lợi rằng, anh viết bài thơ này là có ý gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ? Anh cười bảo, anh viết cho các thầy cô. Dù mai này có còn biên chế hay không, anh tin rằng, có người sẽ nhớ là anh đã viết bài thơ ấy, cho họ, vậy thôi.

Nguyễn Đức Lợi đã nói thế, tôi chỉ còn biết xin phép đăng nguyên văn bài thơ của anh, còn nhận xét thế nào là do độc giả, và bài thơ của anh đi tới đâu, đến tay ai là do cái duyên của nó.

Văn Thành Chương

Nguyễn Đức Lợi

Nếu không còn biên chế

(Mến tặng các thầy cô giáo cắm bản!)

 

Nếu không còn biên chế

Em có về với anh

Cuộc đời này vẫn thế

Tuổi trẻ, gì chả xanh!

 

Tuổi trẻ mình gửi hết

Vào núi rừng xa xăm

Vào những con đường chết

Và gió bấc căm căm!

 

Phần lớn vì em nhỏ

Phần nhỏ vì gia đình

Vượt lên ngàn gian khó

Em nướng sạch tươi xinh!

 

Đồng lương vừa xe hỏng

Đồng lương vừa đổ xăng

Đồng lương xoay chong chóng

Hỏi còn gì nữa chăng?

 

Bỏ cha tàn mẹ phế

Bỏ phố phường… nhẹ tênh

Biệt xứ vì biên chế

Sau này đỡ chông chênh...

 

Mới nghe người ta kháo

Em khóc lụt non ngàn

Bấy nay toàn rau cháo

Đổi một lần mộng tan!

 

Nếu không còn biên chế

Em có về với anh

Hay lại ngồi chan lệ

Vào núi rừng rực xanh!

Bình luận
Back To Top