Bảo tồn văn hóa dân tộc Khơ Mú tại Mường Ảng

Chỉ thành công khi đánh thức trách nhiệm của chính người dân

08:46 - Thứ Sáu, 16/06/2017 Lượt xem: 5514 In bài viết
ĐBP - Đầu xuân hàng năm là thời điểm người dân tộc Khơ Mú huyện Mường Ảng xuống giống cây trồng, làm lễ tra hạt cầu mong thần linh xua đuổi sâu bọ, cho hạt giống nảy mầm mạnh mẽ. Tháng 4 đến, người Khơ Mú tổ chức lễ hội cầu mưa mong cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tươi tốt. Trước khi thu hoạch thì làm lễ cầu mùa với ước nguyện lúa ngô trĩu bông, nặng hạt. Và cuối cùng là lễ mừng cơm mới để tạ ơn đất trời, thần linh, tổ tiên. Đây là những nghi lễ quan trọng gắn với đời sống nông nghiệp của người dân nơi đây. Kể ra để thấy, đồng bào Khơ Mú có văn hóa truyền thống thật đặc sắc. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà ngày nay, những nét đẹp ấy đang dần mai một...

Thành quả chưa như mong đợi

Tại huyện Mường Ảng, người Khơ Mú sinh sống tại 7 bản thuộc các xã khác nhau. Trong đó có 4 bản người Khơ Mú sinh sống xen kẽ với các dân tộc khác (chủ yếu là dân tộc Thái). Với số dân ít, sống không tập trung nên người dân tại các bản này có xu hướng bị đồng hóa về văn hóa, dễ nhận thấy nhất là tối giản trong trang phục truyền thống và các nghi lễ dân gian. Hơn nữa, ngôn ngữ giao tiếp thường ngày bị pha trộn bởi nhiều từ ngữ tiếng Thái. Còn tại các bản có người Khơ Mú sinh sống tập trung (Cha Cuông, Tọ Cuông, xã Ẳng Tở; Huổi Cắm, xã Búng Lao) thì do thay đổi của thời gian cùng cuộc sống mưu sinh mà nhiều phong tục cổ truyền bị lãng quên.

 

Người dân bản Tọ Cuông vui chơi trong lễ hội cầu mùa.

Sau nhiều năm không được duy trì, đến năm 2013, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, người Khơ Mú bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở phục dựng lễ hội cầu mưa; năm 2014, Lễ hội Cầu mùa được tái hiện. Cả 2 lần đều tổ chức cùng tại 1 bản bởi trên địa bàn Mường Ảng chỉ còn duy nhất ông Quàng Văn Cá (bản Tọ Cuông) là người Khơ Mú am hiểu văn hóa dân tộc và có tâm huyết, khả năng truyền dạy cho thế hệ sau. Khi phục dựng lễ hội, đại diện  cộng đồng người Khơ Mú trên địa bàn huyện đều được mời đến tham gia, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời ông Quàng Văn Cá cam kết sẽ đến tận nơi hướng dẫn, làm nghi lễ giúp các bản nếu có nhu cầu nhưng cho đến nay, chưa có thêm bản người Khơ Mú nào tổ chức phục dựng lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Ảng, cho biết: “Đời sống người dân tộc Khơ Mú trên địa bàn còn nhiều khó khăn, không có điều kiện đóng góp của cải, tiền bạc tổ chức lễ hội tại thôn, bản. Huyện cũng chưa bố trí được kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa cho thêm nhiều bản, nhóm dân cư dân tộc Khơ Mú trên địa bàn. Nhưng quan trọng hơn cả là tại các cộng đồng dân cư ấy không có những người am hiểu văn hóa và thực sự tâm huyết vực dậy bản sắc dân tộc”. Minh chứng là ngoài Tọ Cuông thì việc lập đội văn nghệ để gìn giữ các điệu múa, bài hát của dân tộc Khơ Mú tại các bản khác chưa được hưởng ứng nhiệt tình; các nghi lễ quy mô hộ gia đình (như lễ tra hạt, mừng cơm mới) cũng không còn được phổ biến.

Sự vực dậy từ chính người Khơ Mú

Khi các bản người Khơ Mú trong huyện không mấy mặn mà đối với bảo tồn văn hóa truyền thống thì người dân Tọ Cuông vẫn duy trì các lễ hội, tìm hiểu, học hỏi các điệu múa cổ… Vì vậy các thế hệ người Tọ Cuông có nền tảng văn hóa truyền thống vững chắc. Nhờ đó có nhiều cơ hội giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình cho du khách thập phương. Người dân Tọ Cuông đã nhiều lần tham gia biểu diễn, tái hiện các lễ hội, điệu múa đặc trưng của dân tộc trong các sự kiện văn hóa lớn của huyện, tỉnh. Cuối năm 2015, bản Tọ Cuông vinh dự được lựa chọn tái hiện Lễ hội Cầu mưa dân tộc Khơ Mú trong khuôn khổ tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Mới đây, trung tuần tháng 4/2017, đoàn bản Tọ Cuông được mời trình diễn lễ hội tra hạt trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, từ tháng 4/2016, ông Quàng Văn Cá, người chủ trì các lễ hội của bản Tọ Cuông, am tường văn hóa dân tộc Khơ Mú được mời đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tham gia quảng bá bản sắc văn hóa, dân ca, dân vũ dân tộc Khơ Mú đến du khách trong nước và quốc tế. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Tọ Cuông mà còn của người Khơ Mú để đồng bào Khơ Mú thêm yêu, trân trọng và có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Hiện giờ, ông Quàng Văn Cá không thường xuyên có mặt tại bản nhưng việc gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống vẫn được các thế hệ người dân Tọ Cuông tiếp nối. Ông đã tham gia xây dựng đội văn nghệ bản, truyền dạy các nghi lễ, tri thức dân gian mà mình nắm giữ cho 3 người cháu trai và những hiểu biết về các điệu múa cổ truyền (hưm mạy, tăng bu, ong eo, tăm đao…) và các nhạc cụ dân tộc cho 3 người con dâu. Nhờ vậy, khi ông không có mặt tại địa bàn, người dân bản Tọ Cuông vẫn có thể tự tổ chức lễ hội. Không còn lo trong bản không có người truyền nối, ông Cá lại trăn trở về lễ xên bản đã nhiều năm không được tổ chức trên địa bàn. Ông Cá chia sẻ: “Xên bản là 1 trong 5 lễ hội quan trọng của người Khơ Mú. Tôi đã sưu tầm, học hỏi, nắm giữ được các nghi lễ cần thiết của lễ xên bản nhưng bản Tọ Cuông chưa có điều kiện tổ chức. Nếu huy động được kinh phí, tôi sẽ về, cùng bà con phục dựng lại lễ hội này để con cháu đời sau còn biết đến. Hơn nữa, thông qua các hoạt động văn hóa của Tọ Cuông, tôi cũng mong các bản người Khơ Mú khác trên địa bàn quan tâm nhiều hơn đến bản sắc văn hóa dân tộc”. Tọ Cuông đã trở thành điển hình để các bản học hỏi, nhưng có lẽ để nét đẹp truyền thống của người Khơ Mú nơi đây được gìn giữ và truyền nối phạm vi rộng hơn, cần phải đánh thức được tinh thần trách nhiệm dân tộc trong chính những người con Khơ Mú.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top