Văn hóa các DTTS trong cuộc sống đương đại

08:36 - Thứ Năm, 29/06/2017 Lượt xem: 7597 In bài viết
ĐBP - Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hơn 30 năm qua công cuộc bảo tồn, chấn hưng văn hóa vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Điện Biên đạt nhiều thành tựu trên một số lĩnh vực; bản sắc văn hóa các dân tộc từng bước được coi trọng, mức hưởng thụ về văn hóa nhìn chung được nâng lên. Các hoạt động: Thông tin, tuyên truyền, biểu diễn, sáng tác, sưu tầm, phục dựng... phát triển với nhiều hình thức….

Hạ tuần tháng 6/2017, vừa từ huyện Mường Nhé trở về sau chuyến điền dã để hoàn thiện báo cáo đánh giá thực trạng di sản văn hóa dân gian các DTTS trên địa bàn tỉnh, bà Trịnh Thị Mai - Giám đốc Bảo tàng tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) - dành cho chúng tôi một buổi làm việc với lượng thông tin thật phong phú. Bằng kiến thức của người mấy chục năm trong nghề, bà Trịnh Thị Mai cho biết: Phần lớn di sản văn hóa dân gian thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể; nghĩa là hầu hết các di sản không có hình hài cụ thể, thật khó nhìn thấy bằng mắt và cầm được bằng tay. Do tính chất đặc thù, văn hóa dân gian là những sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết; được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, trao truyền khác.

 

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên trong trang phục truyền thống. Ảnh: Mai Phương

Trả lời chúng tôi về 8 loại hình di sản văn hóa phi vật thể như cách phân chia của các nhà chuyên môn, bà Trịnh Thị Mai cho rằng: Chẳng hạn như tiếng nói, chữ viết, hiện nay các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn sử dụng rất phổ biến, đây là phương tiện giao tiếp hàng ngày và gắn với đời sống sinh hoạt của mỗi người dân. Đối với tỉnh Điện Biên, dân tộc Thái chiếm đa số, vì vậy một số dân tộc khác đã ảnh hưởng, giao thoa pha lẫn nhiều tiếng Thái như: dân tộc Khơ Mú, dân tộc Kháng, dân tộc Hoa. Thậm chí, dân tộc Khơ Mú còn lấy họ của người Thái như họ Lường, họ Quàng. Hiện tượng mất dần tiếng nói mẹ đẻ có nguy cơ diễn ra ở một số dân tộc ít người sống xen kẽ với dân tộc Thái, Mông như các dân tộc Kháng, Phù Lá, Khơ Mú... Tuy nhiên, chữ viết của đồng bào các DTTS được sử dụng hiện còn rất ít, chủ yếu còn tồn tại chữ Thái và chữ Mông được lưu giữ bởi những người già trong một số bản hoặc những nghệ nhân. Một số người biết đọc nhưng lại không biết viết. Vì thế chữ viết của nhiều dân tộc đã và đang có nguy cơ mai một.

Bà Lương Thị Đại - một trong tám nghệ nhân văn hóa dân gian ưu tú của Điện Biên; người đang nắm giữ nhiều kinh nghiệm truyền dạy tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng các DTTS, cho biết: Đi cùng với chữ viết là ngữ văn dân gian. Đa số các dân tộc đều có ngữ văn dân gian và được lưu truyền từ đời này sang đời khác, với rất nhiều thể loại khác nhau; đó là các trường ca, các truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện lịch sử, những câu ca dao, tục ngữ với nội dung giáo dục hoặc truyền dạy kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Những bài văn tế, lời khấn chủ yếu là cúng thần linh để cầu an, cầu sức khỏe, cầu vạn vật, cầu mùa hoặc những bài khấn liên quan tới vòng đời con người như lễ đầy tháng, tang ma, cưới xin... những bài văn cúng có văn tự ghi chép chủ yếu tồn tại ở dân tộc Thái. Mặt khác, đã từ lâu nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc cũng được khách du lịch (nhất là khách du lịch châu Âu) đánh giá cao, ngay tại những đêm xòe ở các bản văn hóa - du lịch, chứ không chỉ trên các sàn diễn chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Mỗi dân tộc có loại hình diễn xướng riêng, tiêu biểu như dân tộc Thái có diễn xướng được duy trì trong những ngày lễ hội, khi cúng bản, chữa bệnh, lên nhà mới, hát mừng năm mới, hát thơ, hát ném còn...; dân tộc Mông có tiếng hát ngày đi lấy chồng; hát mừng năm mới, mừng vụ thu hoạch mới của dân tộc Kháng, Khơ Mú, Phù Lá... và điểm chung nhất là diễn xướng trong đám tang, đám cưới xuất hiện ở nhiều dân tộc và nhiều vùng miền.

 

Trang phục truyền thống của phụ nữ Si La đã có chồng đội khăn đen, chưa có chồng đội khăn trắng. Ảnh: Tiến Dũng

Tại thời điểm này, một kết luận phổ quát có thể đưa ra dựa trên rất nhiều các công trình nghiên cứu chuyên môn của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành liên quan, là trong số 18 DTTS ở tỉnh ta, chỉ có 8 dân tộc có chữ viết (Dao, Giáy, Hoa, Lào, Mông, Nùng, Tày và Thái). Trong số 8 dân tộc được xem là có chữ viết riêng ấy, nếu xét về mặt tự dạng lại thấy như sau: Dân tộc Dao, dân tộc Giáy và dân tộc Hoa dùng chữ Hán; dân tộc Mông, dân tộc Tày và dân tộc Nùng dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ cái Latinh; dân tộc Lào và dân tộc Thái dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn (Ấn Độ). Nhân đây, cũng phải nói ngay rằng tuy cùng dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn, nhưng chữ Thái cổ hoàn toàn khác chữ Lào cổ. Đặc biệt, đến giờ mà nói, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không còn người Lào nào có thể đọc được chữ Lào cổ của chính dân tộc Lào. Riêng với chữ Thái cổ tình hình xem ra có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn, trước hết thể hiện ở các nỗ lực truyền bá, trên tinh thần chấn hưng, bảo tồn; sau nữa, đó là việc còn một số người Thái có thể đọc và viết được hoặc nhiều hoặc ít chữ Thái cổ.

Là người từng qua chương trình đào tạo về lý luận âm nhạc đại cương, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh - phân tích một cách cặn kẽ: Về loại hình di sản âm nhạc truyền thống, mỗi dân tộc đều có những làn điệu mang âm hưởng khác nhau để biểu đạt tình cảm riêng và được phân biệt khá rõ nét. Nếu dân tộc Thái có những làn điệu dân ca chính như: Điệu hát lên nhà mới, hát ru con, hát hội ném còn, hát khai vị bữa tiệc... Thì dân tộc Mông được các chuyên gia về thẩm âm xác định có 5 làn điệu dân ca chính: Đón dâu, ru con, mồ côi, tiễn người đi bộ đội và mừng đám cưới... Tuy nhiên, hiện nay ở cả dân tộc Thái và dân tộc Mông, một số điệu hát đã có nguy cơ bị lãng quên và âm nhạc cũng không được chú trọng, gìn giữ và phát triển đúng mức. Trong khi các trò chơi dân gian nguyên bản rất phong phú, song do không được thường xuyên tổ chức hoạt động đồng thời do điều kiện xã hội thay đổi, nhiều trò chơi mới và những môn thể thao hiện đại xuất hiện, vô hình trung đã kìm hãm sự phát triển tự nhiên của các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số... Về lý thuyết, phần lớn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân, những nghệ nhân am hiểu các loại hình di sản trên chủ yếu là người già, còn lại tầng lớp thanh, thiếu niên ít tiếp cận và sự hiểu biết về các loại hình di sản trên còn hạn chế. Mặt khác, trong những năm gần đây nền kinh tế thị trường có những ảnh hưởng lớn tới phong tục, tập quán của nhiều dân tộc. Do vậy nhiều loại hình di sản văn hóa trên địa bàn đã và đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp và thậm chí thất truyền.

 

Thổ cẩm, mặt hàng truyền thống tại các chợ vùng cao Tủa Chùa. Ảnh: V.C

Từ khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII), về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết dân tộc đời sống văn hoá”, các tỉnh Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phối hợp giáo dục, vận động nhân dân các dân tộc khơi dậy, củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, yêu quê hương, yêu lao động, tính cộng đồng... được thể hiện qua nhiều nét văn hoá truyền thống. Mấy năm gần đây, nhiều tỉnh vùng cao đang phát huy thế mạnh văn hoá bản địa hoang sơ của các DTTS để làm du lịch. Tuy nhiên, trong “guồng quay” đến chóng mặt của đời sống thời công nghiệp hiện đại, ý tưởng đưa văn hóa làng bản thành sức hấp dẫn du lịch đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Xây dựng các bản văn hoá, xây dựng nhà văn hoá trong các bản văn hoá để có không gian sinh hoạt văn hoá... đương nhiên đó là hướng đi đúng, sáng tạo và mạnh dạn.

Tuy vậy, sáng tạo và mạnh dạn chưa đủ để duy trì các hoạt động văn hoá, càng chưa đủ để bảo tồn bản sắc văn hoá? Có ý kiến cho rằng: Trước khi muốn phát triển thành điểm du lịch thì điều kiện “cần” là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá cho đúng với nguyên bản, đúng với cội nguồn chân - thiện - mỹ. Theo thiển ý của chúng tôi, đó chính là cách cụ thể nhất và hiệu quả nhất để duy trì, phát huy tiềm năng văn hóa các DTTS trong cuộc sống đương đại và nhất là trong nhịp sống công nghiệp khẩn trương...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top