Đến với bài thơ hay

Thơ như cánh bồ công anh trong gió

09:44 - Thứ Năm, 29/06/2017 Lượt xem: 5523 In bài viết
ĐBP - Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bình Phương dày đặc những hình ảnh kì dị và ma quái. Khi lạc vào thi giới ấy, ta sẽ trải qua đủ những cung bậc cảm xúc từ thích thú, tò mò đến ngạc nhiên, sửng sốt, từ nghi hoặc, mơ hồ, mông lung, đến sợ hãi, hoang mang… Đó chính là hấp lực mãnh liệt của thơ Nguyễn Bình Phương. Và bài thơ “Nhẹ” như một mảnh gương nhỏ nhưng phản chiếu cả thế giới thơ ấy.

Hình ảnh ngôi sao đen ở câu thơ đầu vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, vừa gần gũi vừa xa lạ. Ngôi sao, vì sao - một thi liệu quen thuộc nhưng được khúc xạ qua lăng kính nghệ thuật Nguyễn Bình Phương trở nên đầy hấp dẫn và mới lạ. Ngay cả khi rời bỏ cõi đời nhân vật trữ tình cũng muốn được hóa thân thành một sự vật khác thường. Kết hợp và giản lược từ là một đặc sản trong thơ Nguyễn Bình Phương. Từ “bình nhiên” là thể rút gọn của bình yên và an nhiên. Nhà thơ đã luôn ý thức cô đọng từ ngữ để dung lượng bài thơ nhẹ mà ý nghĩa bài thơ lại nặng. Chỉ với vỏn vẹn ba chữ: “nằm trên giường” nhưng mở ra nhiều chiều kích suy tưởng. Đó là sự buông bỏ tất cả gánh nặng, tham vọng, những bộn bề, xô bồ, toan tính hay đón nhận cái chết một cách tự nguyện, nhẹ nhàng, bình thản. Chết không phải là kết thúc mà là mở ra cánh cửa bước sang một thế giới khác. Điều đó lý giải nhà thơ viết: “Chết không thở cùng hoa/ Thở cùng người đàn bà xa lạ.” Nhân vật trữ tình chọn một cái chết lặng lẽ, khước từ mọi hương sắc dù chỉ là một đóa hoa. “Người đàn bà” ấy có thể là một bà nội trợ, một bác nông dân, một chị công nhân… mỗi người mang một số phận, một câu chuyện cuộc đời riêng nhưng họ lại sánh vai bước cùng một nhịp, hòa thành dòng trôi về phía hoàng hôn. Cái chết xóa nhòa mọi khoảng cách thân sơ quen lạ, mọi ranh giới phân biệt giàu nghèo sang hèn. Nguyễn Bình Phương đã gửi gắm triết lý mang màu sắc Phật giáo: Chúng ta sinh ra từ cát bụi, rồi lại trở về với cát bụi, vậy nên đừng để bản thân ràng buộc bởi những điều vốn không thuộc về mình. Ta chợt nhớ những câu thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi trong Côn Sơn Ca: “Nhân sinh bách tuế nội, tất cánh đồng thảo mộc”.

Chỉ với hai câu thơ: “Ở trong khu rừng ma/ Có những con hươu ma”, Nguyễn Bình Phương đã dựng lên cả không gian đầy ma quái. Đó là một vùng rừng núi hoang vu, heo hút, mờ ảo bởi sương giăng và bóng tối. Cái lạnh lẽo rạn nứt từng con chữ, xâm chiếm lấy hồn người đọc. Phép đối lập đã được tác giả dụng công đầy tinh tế, một bên là thế giới của cái chết, thế giới của những điều đáng sợ, rùng rợn một bên là ánh sáng tinh khôi từ khóe miệng mỉm cười. Nụ cười nhẹ bẫng, an nhiên, mãn nguyện của một tâm hồn đã gột sạch bụi trần. Dường như nhân vật trữ tình đã hoàn thành mọi tâm nguyện ở đời, chuẩn bị chu đáo hành trang để sẵn sàng cho cuộc hành trình này. Nụ cười càng bừng sáng ngời ngời hơn khi được đặt vào giữa phông nền đặc quánh bóng tối, bóng ma chập chờn, lân tinh leo lét, những con hươu ma vụt qua như tia chớp. Câu thơ cuối chợt ánh lên màu dân gian khi nhà thơ sử dụng điển tích: “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay.”

Những vần thơ trong thi phẩm “Nhẹ” như là những cánh bồ công anh nhẹ bẫng chao nghiêng trong gió. Nhịp thơ chậm rãi, thư thái, giọng thơ trầm ngâm, thủ thỉ như nói mà như hát. Nhưng rồi lắng vào lòng bạn đọc là triết lý: cái chết không đáng sợ, điều đáng sợ chính là sống vô nghĩa.r

Lời bình của Đào Mạnh Long

Nguyễn Bình Phương

Nhẹ

 

“Chết làm ngôi sao đen

Nằm trên giường bình nhiên bí ẩn

Chết không thở cùng hoa

Thở cùng người đàn bà xa lạ

Ở trong khu rừng ma

Có những con hươu ma

Chết nở một nụ cười sáng nhẹ

Chẳng vĩnh biệt em chẳng tiễn biệt ai

Từ tốn mơ màng

Bông cải cúc ra đi.”

Bình luận
Back To Top