An toàn lễ hội: Mất bò mới lo làm chuồng?

14:16 - Thứ Tư, 05/07/2017 Lượt xem: 3760 In bài viết
Sự cố trâu húc chết người tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 một lần nữa cho thấy công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động lễ hội quan trọng nhường nào. Chưa làm tốt công tác này, hệ lụy không chỉ dừng ở việc làm sai lệch về giá trị tinh thần, ý nghĩa nhân văn của lễ hội truyền thống, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Trước mắt, cần sớm có giải pháp siết chặt quản lý, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Lễ hội biến tướng, mất kiểm soát

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 đã phải tạm dừng sau khi xảy ra sự cố trâu chọi tấn công khiến một người thiệt mạng. Mặc dù Ban tổ chức lễ hội khẳng định công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo, các phương án bảo vệ đã được lên chi tiết… song "sự cố chưa từng có trong lịch sử lễ hội" đã xảy ra và bộc lộ nhiều “lỗ hổng” trong chính khâu tổ chức, xử lý tình huống cũng như trang bị phương tiện, kỹ năng tự vệ cần thiết cho người tham gia lễ hội.

 

Lễ hội cần được tổ chức với tinh thần văn minh, phát huy những giá trị truyền thống.

Rõ ràng, công tác tổ chức không được chuẩn bị chu đáo, sự cố xảy ra chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nhận định: Lễ hội chọi trâu giờ quá khác xưa, từ ý nghĩa, không gian đến quy mô tổ chức. Người tham gia không hiểu giá trị của lễ hội là gì, dẫn đến thực hành sai khiến lễ hội bị biến tướng, bị thương mại hóa, hình ảnh bạo lực, phản cảm tràn lan. Điều này không chỉ làm sai lệch ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội, mà còn có thể gây nguy hiểm do Ban tổ chức lễ hội không thể kiểm soát được tình hình trật tự, an toàn trong một không gian lớn.

Đồng ý với nhận định trên, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhìn nhận: Chủ trâu dắt trâu vào giữa sới mới thả, xong lại loanh quanh trong sân chứ không ra khu vực bảo vệ. Rào ngăn cách khu vực sân đấu với khán đài chưa đủ vững. Trâu có thể húc đổ rào chắn mà lao vào khán giả. Chứng kiến hình ảnh trên sân, nhiều người băn khoăn khi thấy lực lượng bảo vệ đông đảo bất lực nhìn trâu tấn công người mà không có công cụ hỗ trợ cần thiết (như súng điện) để khống chế. Khi cấp cứu nạn nhân cũng không có băng ca, phải khiêng người bị nạn mà chạy. Một lễ hội có tính chất nguy hiểm mà công tác tổ chức như vậy liệu có ổn hay không?

Từ sự việc đáng tiếc nói trên, nhìn rộng ra, có thể thấy trên phạm vi cả nước không thiếu những lễ hội nhuốm màu bạo lực, phản cảm, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho tính mạng con người, như Lễ hội đâm trâu ở Quảng Nam, Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh… Những lễ hội này gây nên nhiều tranh cãi về việc nên duy trì hay xóa bỏ, nếu duy trì lễ hội thì phải làm gì để bảo đảm ý nghĩa, giá trị nhân văn vốn có.

 

Sau những phản hồi của dư luận, lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh đã được điều chỉnh.

Giám sát khâu tổ chức, rõ trách nhiệm cá nhân

Tổ chức lễ hội văn minh, hạn chế tối đa hình ảnh bạo lực, phản cảm là yêu cầu mà Bộ VH-TT&DL đưa ra trước mùa lễ hội năm 2017. Hưởng ứng thông điệp này, Ban tổ chức nhiều lễ hội đã tuyên bố xóa bỏ các tục lệ đâm trâu, treo cổ trâu... Nhiều lễ hội khác cũng chọn cách thực hành tín ngưỡng văn minh hơn, bảo đảm nghi thức truyền thống mà không gây bức xúc trong dư luận. 

Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, công tác tổ chức lễ hội chưa được thực hiện tốt, yếu tố thương mại được đặt lên trên giá trị tinh thần, ý nghĩa nhân văn; công tác bảo đảm trật tự, an toàn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn dẫn đến nhiều hệ lụy, sự cố tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 là một ví dụ. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng cần tiếp tục có những động thái quyết liệt hơn nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội, ngăn chặn sự biến tướng, loại bỏ yếu tố phản cảm và nguy cơ gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người tham gia.

Sau sự cố nói trên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: Trước mắt, ngành Văn hóa sẽ tham vấn chuyên gia và cộng đồng về việc có nên tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu hay không; nếu tiếp tục tổ chức thì cần có biện pháp gì để ngăn chặn những sự cố tương tự. Nhìn rộng ra, với công tác tổ chức lễ hội nói chung, vấn đề bảo đảm an toàn cho người tham gia phải được đặt lên hàng đầu; nếu phát hiện nguy cơ tiềm ẩn thì không tổ chức nữa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chủ quản cần rà soát lại toàn bộ hoạt động lễ hội trên cả nước, có biện pháp đủ mạnh để chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, làm mai một bản sắc, ý nghĩa của lễ hội truyền thống. Cơ quan quản lý văn hóa cũng nên sớm có giải pháp giám sát khâu tổ chức lễ hội một cách chặt chẽ, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, lễ hội cần được đưa về đúng quy mô, không gian tổ chức truyền thống. Chúng ta phải xóa bỏ những hoạt động núp bóng hoạt động ý nghĩa này để trục lợi, có như vậy thì lễ hội mới phát huy được giá trị văn hóa, nhân văn vốn có, không xảy ra những sự cố đau lòng như đã thấy ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017.

Nguyên Hà (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top