Gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá

Cần được quan tâm sớm nhất có thể

09:15 - Thứ Năm, 06/07/2017 Lượt xem: 5919 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh người Phù Lá sống chủ yếu ở 2 huyện: Tủa Chùa và Tuần Giáo (bản Kép, bản Túc, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa có trên 20 hộ, hơn 100 khẩu; bản Khua Chá, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, có 15 hộ, 89 khẩu); ngoài ra có một số hộ sống rải rác ở các huyện khác... Họ sống thành từng nhóm trong các bản người Mông hoặc người Thái, mỗi nhóm từ 15 - 20 hộ. Vì số lượng ít lại sống đan xen giữa các dân tộc khác nên văn hóa người Phù Lá ở Điện Biên đang dần bị mai một và đồng hóa.

 

Trang phục truyền thống của phụ nữ Phù Lá ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo.

Để tìm hiểu về đời sống, văn hóa của người Phù Lá chúng tôi đã đến bản Khua Chá, xã Phình Sáng huyện Tuần Giáo; điều đầu tiên khiến tôi thấy lạ là đàn ông Phù Lá hiện không còn ai mặc trang phục truyền thống, mà họ mặc trang phục của dân tộc Kinh hoặc Mông. Theo giới thiệu của chị Thào Thùy Linh, cán bộ văn hóa xã Phình Sáng, chúng tôi tìm đến nhà bà Hạng Thị Sáng - một trong số ít những người Phù Lá cao tuổi còn biết khá rõ về văn hóa dân tộc mình. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ 3 gian lợp prô xi măng đã ngả màu theo thời gian, bà Sáng thở dài, tâm sự: Văn hóa của người Phù Lá đang mất dần từng ngày. Đơn giản như về trang phục, xưa kia, thường ngày nam giới mặc áo xẻ ngực. Áo được may từ 6 mảnh vải, cổ thấp, không cài cúc, nẹp ngực viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn khá điệu đà. Với phụ nữ, có sự phân biệt đôi chút; gái chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu, đội khăn vuông đen hoặc nhuộm chàm, bốn góc và giữa có đính hạt cườm. Phụ nữ Phù Lá thường mặc áo ngắn 5 thân, tay dài, cổ mỏng, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí. Cổ áo vuông và có nhiều hoa văn trang trí, kết hợp nhiều màu sắc khiến cho áo phụ nữ Phù Lá khó lẫn với các dân tộc khác. Váy của phụ nữ Phù Lá có màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, vàng. Đầu vấn khăn hoặc đội mũ thêu hoa văn theo lối chữ nhất... Nhưng hiện nay, trong bản hầu như không còn ai dệt những bộ trang phục truyền thống của dân tộc, đặc biệt là trang phục nam giới, bởi làm hoàn chỉnh một bộ váy hoặc quần áo cũng phải mất khá nhiều thời gian (nhanh cũng 2 - 3 ngày, thậm chí cả tuần) và thường rất hiếm nguyên liệu. Cả bản không thể tìm được một bộ trang phục nam giới đẹp, đúng kiểu truyền thống; số trang phục nữ thì đếm trên đầu ngón tay. Như tôi có 2 bộ trang phục truyền thống cũng chỉ để mặc những dịp quan trọng hoặc cho chị em trong bản mượn khi đi họp ở xã...

Người Phù Lá cũng có những nghi lễ quan trọng trong năm, như: Cúng thần rừng, tết tháng Bảy, đặt tên con... nhưng đến nay mai một hoàn toàn, chẳng còn ai làm vì không nhớ nghi thức và cách làm. Người Phù Lá cũng có nhà kiểu truyền thống của dân tộc, là nhà sàn và nhà trình tường. Nhà trình tường đất chắc chắn, 2 hồi để trống, để 1 cửa ra vào ở chính giữa. Còn nhà sàn thì làm cửa ra vào và cầu thang lên xuống ở đầu hồi... ngoài ra còn làm nhà phụ để ngô, thóc hoặc tránh hỏa hoạn. Nhưng vì sống giao thoa lâu ngày lên đã ảnh hưởng theo kiến trúc của người Mông và Thái.

 Không chỉ mai một lễ hội, cưới hỏi, ma chay mà ngay cả tiếng nói riêng dân tộc Phù Lá cũng đang có nguy cơ mai một. Những người biết tiếng Phù Lá giờ chỉ có người lớn, người già chứ trẻ con bây giờ đa số biết tiếng Mông. Là dân tộc ít người, sống đan xen cùng dân tộc Mông nên việc kết hôn giữa 2 dân tộc khó tránh khỏi. Điều này, dẫn đến tình trạng đồng hóa dân tộc. Trước kia các dòng họ chính của người Phù Lá là: Nhìu, Lồ, Lý, Sê Pạ, Hạng... bây giờ dùng chung họ của dân tộc Thái và dân tộc Mông như: Lò, Giàng, Sùng... Trên thực tế, hiện nay, dân tộc Phù Lá ở Điện Biên chỉ còn lại những người cao tuổi, biết tiếng của dân tộc mình. Những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp chỉ còn trong trí nhớ của các già làng mà thôi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Bản thân người Phù Lá chưa ý thức việc cần phải gìn giữ văn hóa truyền thống (thế hệ trẻ, ngại mặc trang phục truyền thống, không thích bài hát, điệu múa, âm nhạc của dân tộc mình...); sự bùng nổ công nghệ thông tin hiện đại, quá trình giao lưu văn hóa diễn ra quá nhanh, nhiều sản phẩm văn hóa từ khắp nơi tràn vào khiến lớp trẻ dễ dàng tiếp thu, nhưng lại thiếu khả năng chọn lọc... Và một nguyên nhân quan trọng đó là, sự quan tâm của các cơ quan chức năng về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc chưa thật sự sâu sát, đồng bộ. Bên cạnh đó, nơi người Phù Lá đang sinh sống nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung còn rất nhiều khó khăn. Điểm này khiến bà con dễ bị kẻ xấu lôi kéo, mắc phải các tệ nạn xã hội... Theo thống kê của cơ quan chức năng thì người Phù Lá ở bản Khua Chá, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo có 15 hộ với 89 khẩu thì có tới 14 hộ nghèo và 9 người nghiện hút...

Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá tại Điện Biên cần được đặc biệt quan tâm và quan tâm sớm nhất có thể trước khi việc gìn giữ bảo tồn trở lên khó khăn hơn, tốn kém hơn...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top