Bạn bản

09:16 - Thứ Năm, 06/07/2017 Lượt xem: 5784 In bài viết
ĐBP - Mấy chục năm ở Điện Biên, bạn bè nhiều, nhưng bạn ở các bản làng vùng sâu vùng xa thì luôn làm tôi nhớ. Họ mộc mạc, hào phóng, hiếu khách, như cây cỏ, trời đất thôn quê. Khách đến, dù lạ hay quen vẫn tiếp đón như nhau, nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc. Mâm cơm chỉ con gà bé, bát canh cải, chai rượu nhỏ, vậy mà câu chuyện giữa chủ và khách thật đậm đà. Chủ nói: “Có cái gì thì dùng cái đó”; khách cảm ơn, hỏi thăm gia đình làng bản. Rồi, khi men rượu lên cao, khách xin số điện thoại, hứa sẽ về thăm, dặn khi nào ra phố nhớ đến nhà em chơi... Lúc chia tay, thể nào khách cũng “phải” nhận quà - mấy bắp ngô, vài quả trứng, hay bát gạo nếp nương... những thứ nhà làm được. Chủ bảo, mang về đón cháu. Khách lắc đầu, xua tay từ chối... rồi nhận, rồi cảm ơn và cảm động.

... Tôi nhớ lần vào Mường Phăng chơi. Chuyến chơi rất ngẫu hứng, chỉ là trong cuộc cà phê sáng, nhóm bạn kêu buồn buồn, ta đi đâu đó đi. Mấy địa danh, xa có gần có, được nêu ra. Cuối cùng tôi chốt lại, đi bản ở Mường Phăng, lí lẽ là thăm “rừng Đại tướng” cũng đã nhiều, lần này chúng ta ‘thâm nhập” bản cho biết hết vùng đất lịch sử.

Chúng tôi vào bản Đông Mệt, đến nhà ông Đăm... cũng lại ngẫu hứng. Ông Đăm tôi chỉ biết qua vài lần anh bạn làm y tế huyện Điện Biên nói chuyện. Mặt mũi, nhà cửa thế nào, tính cách người ấy ra sao... thì chưa gì hết.

Sự ngại ngần của tôi tan ngay lúc lên nhà. Khách một đoàn, chào to, đưa quà hai gói bánh và nói: “chúng cháu ở phố vào thăm gia đình”. Chủ cứ lẳng lặng pha nước, một lúc mới trầm trầm, bảo - mấy hôm nay nhà gặt mùa con cháu ra đồng hết đến trưa mới về chơi được. Khách ngắm ngôi nhà, có tivi, tủ lạnh và thóc tầng tầng bao xếp một gian... thấy mừng, nghĩ ở bản, tài sản được vậy là khá giả.

Đôi bên hỏi thăm sức khỏe, gia đình; một lúc thì khách xin phép đi thăm bản. Thấy toàn nhà sàn to, xe máy, trâu, lợn, ngan, gà đông đúc. Gần trưa khách quay về nhà, đã thấy ba mâm lá chuối sắp xong dưới sàn. Thịt lợn, thịt ngan thơm nức. Chủ mời các cháu xuống uống rượu với gia đình. Tôi xoa xoa tay, ngại thực sự vì lia mắt thấy số người đoàn mình đông quá, hẳn hai mâm; còn phía nhà chủ - gia đình, mấy người gặt giúp có một mâm.

Không khí bữa rượu lên nhanh. Chuyện đi gặt, chuyện vụ này thu hơn vụ trước, chuyện trông rừng, bắt cá suối... râm ran. Các chén chúc dọc ngang xiên chéo, đủ các “lý” khiến ai cũng phải cạn để được bắt tay, nhận “sức khỏe nhiều nớ”.

Lúc nâng chén “tổng kết” chia tay, tôi nói - Bọn cháu rất cảm ơn bác và gia đình. Lần đầu tiên, người lạ đến mà được đón tiếp như họ hàng ruột thịt, tình này chắc chỉ ở bản mới có. Dịp nào bác, các em ra thành phố, cháu trân trọng mời đến nhà cháu chơi... số nhà... phố... cứ a lô là có xe đón ngay. Xuống hết cầu thang, xe vừa nổ máy thì cô con gái ông Đăm chạy từ trên đồi xuống, vẻ mặt hớt hải - em gửi quà cho các anh. Cửa xe mở, chúng tôi không có lí gì từ chối. Ông Đăm bảo, mắc coọc của nhà đấy, bố cho các con mang về đón cháu.

Dọc đường chúng tôi ai cũng như ai đều bày tỏ sự mến phục chủ nhà. Họ chỉ là nông dân, khách lạ, chả nhờ vả gì... thế mà tiếp đãi nồng hậu, đầu cuối. “Dịp nào chúng ta sẽ vào bản trả nợ cuộc này”, “Nhất định là như thế rồi”...

Vậy mà thời gian trôi nhanh. Có lần đang đi trên đường, ông Đăm gọi điện ra thăm tôi. Không lưu số, tôi phải hỏi ai đấy... ai đấy; ông nói to - bác Đăm đây, cháu khỏe không...

Thời gian cứ trôi, lâu lâu chúng tôi vẫn “đi bụi” vào bản, nhưng là bản khác, cho mới lạ hấp dẫn. Ông Đăm, rồi cô Thương, anh Pánh, bạn Phanh... cũng dần quên. Có đêm rượu say ở bản X, bản Y, tôi bật nhắc đến người bản cũ - ngợi ca chủ thì ít, thể hiện mình “dễ gần” thì nhiều.

Bao người ở bản chắc vẫn nhớ chúng tôi, tình cảm kiểu núi rừng nương ruộng một khi đã gặp nhau chén rượu bắt tay thì ai mà quên được. Còn chúng tôi - “Ôi bản xa về thị thành bốc lửa/ cháy rụi bao lời nước chảy xuôi”.

Nguyễn Sông Thanh
Bình luận
Back To Top