Tình đồng đội

09:06 - Thứ Năm, 13/07/2017 Lượt xem: 5041 In bài viết
ĐBP - Cô giáo Hạnh điếng người khi nghe tin chồng mình có bồ và con riêng. Chị sững sờ, ù cả hai tai không tin đó là sự thật. Hơn hai mươi năm chung sống với nhau ngỡ tưởng hiểu hết chồng mình, ai ngờ...? Ai cũng bảo gia đình chị hạnh phúc. Chồng là nhà báo, vợ giáo viên, hai con, một trai một gái, kinh tế gia đình không giàu cũng chẳng nghèo, một căn hộ hơn sáu chục mét vuông ở giữa cái xóm đang từng ngày, từng giờ chuyển mình lên thành phố này... còn mơ gì hơn thế nữa? Thế mà…

Hạnh yêu Đô, chồng chị, từ thuở cấp 3. Hai đứa học cùng một lớp. Đang học dở lớp 10 thì năm 1972 Đô xung phong nhập ngũ. Hạnh ở nhà tiếp tục học. Thi tốt nghiệp phổ thông xong, Hạnh học tiếp chương trình 10+2 và trở thành cô giáo. Khi Đô vào Nam chiến đấu, Hạnh vẫn thuỷ chung chờ đợi. Mãi sau ngày giải phóng miền Nam, Đô mới trở về. Anh chuyển ngành làm ở tòa báo tỉnh. Đến 1980, họ chính thức làm lễ cưới. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ thật ngọt ngào. 

 

Ký họa của: Hoàng Đình Tài

Ngày ngày chị lên lớp, anh đến cơ quan. Cuộc sống thời bao cấp tuy có nhiều khó khăn nhưng không khí gia đình chị luôn ấm áp, vui vẻ, nhất là từ khi bé Phúc ra đời. Đô thật sự là một người chồng đầy trách nhiệm, hết mực thương vợ, yêu con. Lương của hai người cộng thêm phần phụ cấp thương tật của anh tuy ít ỏi nhưng cũng đủ sống. Ngoài giờ lên lớp, Hạnh còn chạy chợ, nuôi thêm con lợn, con gà. Những năm 80, đời sống giáo viên thật khó khăn. Nhiều người không chịu được đã bỏ nghề. Thương vợ vất vả, Đô cặm cụi đêm hôm viết bài. Đô đã viết được nhiều bài báo thật sâu sắc. Thế rồi cơ chế thay đổi, cuộc sống của họ dễ chịu dần. Đô xông xáo với các bài phóng sự, điều tra. Ngòi bút sắc bén của anh đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến đấu chống tiêu cực. Chính vì vậy nhiều lúc họ gặp không ít những phiền toái. Hạnh đã góp ý với Đô viết sao cho được lòng tất cả mọi người, nhất là các sếp. Nghề viết là phải lách. Người ta ai chả thích khen, ai chả dị ứng với những lời chê trách. Cho nên khen một tí, chê một tí sao cho dung hoà là được. Đô kịch liệt phản đối. Theo anh, nghề báo phải có chính kiến, phản ánh trung thực cuộc sống, phát hiện vấn đề và phải có tính chiến đấu. Thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai dám đấu tranh.

Không chỉ thể hiện trên những bài viết, trong cuộc sống ngày thường, Đô thực sự là một người chồng, người cha đầy trách nhiệm. Ngoài giờ ở cơ quan, anh tranh thủ giúp vợ cơm nước, chăm sóc con cái. Trong mấy mươi năm họ chưa nặng lời với nhau một lần nào. Tình cảm vợ chồng không hề bị phai nhạt mà ngày càng nồng thắm. Thế mà...

Đã hơn bảy giờ tối vẫn chưa thấy chồng về. Hạnh đứng ngồi sốt ruột. Chị điện đến cơ quan Đô và một số bạn bè của anh thì đều được trả lời là không có anh ở đó. Gần một tuần nay anh thường về muộn thế này. Chị không thể bình tĩnh hơn được nữa. Lòng dạ chị bồn chồn. Đứa con gái chị ăn cơm trước đã ngồi vào bàn học. Nhìn mâm cơm nguội ngắt chờ chồng lòng chị tái tê.

Đang sốt ruột như thế thì Hải, em chị làm nghề xe ôm đến. Hải đã được chị nói qua chuyện Đô ngoại tình từ lâu nhưng Hải không tin. Một mặt, cậu động viên chị không được tin lời đồn đại; mặt khác, Hải bí mật xác minh cái tin đó. Chiều nay, cậu vừa dò được chỗ ở của cô gái kia. Hải cũng ngỡ ngàng. Từ chỗ kính phục anh rể mình đến chỗ Hải đã xem thường Đô. Cậu thông báo tin đó cho chị. Hạnh không thể kìm mình được nữa. Chị bảo Hải đưa mình đến chỗ đó ngay.

Vòng vo một lúc khá lâu, hai người đã đến một cái xóm nhỏ phía bờ sông. Cái xóm này dân ở đây gọi là xóm liều. Toàn những kẻ tứ chiếng ở đâu về đây tá túc. Nghiện hút, mại dâm ở đây đã làm nhức nhối cả một vùng. Đêm xuống. Nơi này tối om. Xe dừng lại trước một căn nhà lá lụp xụp. Hải dựng xe, tắt máy từ xa. Hạnh hồi hộp rón rén tiến lại gần ngôi nhà. Tim chị đập thình thịch. Từ bé đến giờ có bao giờ chị gặp hoàn cảnh thế này đâu. Một cô giáo chân yếu tay mềm, chỉ biết có học trò, bảng đen, phấn trắng, chưa phải đối mặt với những khúc mắc của cuộc đời, chưa bao giờ cãi nhau hoặc to tiếng với ai cả nên chị run hồi hộp là phải.

Căn nhà lá thật tồi tàn. Xung quanh vách đất lụp xụp. Bức tường đằng trước là những kiêu gạch bích lên để lọt những lỗ sáng ánh đèn từ bên trong hắt ra khá rõ. Hạnh nhẹ chân áp sát bức tường gạch. Chị ghé mắt nhìn qua một lỗ nhỏ có ánh sáng lọt ra. Trong nhà, Đô và một người đàn bà đang bế con nhỏ ngồi trên một chiếc giường tre. Chiếc đèn dầu trên bàn ở gian giữa toả ra một thứ ánh sáng đỏ quạch. Chị nhìn khá rõ Đô và người đàn bà nọ. Lòng chị sôi lên. Không thể lầm lẫn được nữa rồi. Trời ơi, mọi đồn đại xưa nay hoá ra đã là một sự thật phũ phàng! Chị chỉ muốn đạp tung cánh cửa mà lao vào vạch mặt kẻ bội tình, mà cào cấu người đàn bà đã quyến rũ, rủ rê chồng chị. Nhưng rồi chị đã kịp trấn tĩnh lại. Dù sao thì vẫn chẳng có gì để khép tội Đô. Hơn 8 giờ tối anh đang ở trong một ngôi nhà của một mẹ con nào đó giữa ánh sáng đèn, chẳng có hành động gì mờ ám cả, sao lại hồ đồ quy kết tội lỗi cho anh.          

“Thôi anh về đi kẻo chị ở nhà lại mong. Cu nó đã ngủ ngon rồi”. Tiếng người đàn bà vang lên. Hạnh ở ngoài lặng lẽ theo dõi. Đô lại gần đứa trẻ. Anh nhìn chăm chú vào gương mặt của nó. “Thế mà lúc nãy làm bác và mẹ cháu hết cả hồn”. “Không có anh hôm nay thì em chẳng biết làm gì. May quá, anh đến thật đúng lúc. Mấy ngày nay nó sốt cao và quấy khóc quá. Thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Em đang tính cho nó đi bệnh viện. Cảm ơn anh nhiều lắm”.

Người đàn bà khẽ khàng nói và nhìn Đô với ánh mắt đầy biết ơn. Hạnh lặng lẽ chăm chú theo dõi tiếp cuộc thoại giữa hai người. Chị cảm thấy có điều gì khác lạ trong quan hệ của chồng chị với người đàn bà nọ.

“Ơn với huệ? Vân nói hay nhỉ? Những ngày tháng ở Trường Sơn có thấy Vân khách sáo thế bao giờ đâu? Đồng đội giúp nhau có gì mà phải ơn với huệ?”. Tiếng chồng chị lại vang lên. “Chả ơn lại không ư? Anh đã cho em một đứa con. Không có anh thì biết bao giờ em mới được làm mẹ”.

Hạnh ở ngoài nghe đến đó thì tai ù lên, mắt chị hoa đi. Bóng hai người trong căn nhà nọ như nhảy múa trước mắt chị. Chị gần như quỵ xuống. Hạnh chưa biết xử lý thế nào thì chị lại nghe tiếng người đàn bà nọ nói trong làn nưóc mắt: “Chiến tranh đã cướp mất Hoàng người yêu của em, lấy mất đi của em cái quyền làm mẹ. Cái chất độc da cam đáng nguyền rủa ấy đã làm cho em không còn khả năng sinh nở. Là một thương binh như anh, em trở về với đời thường đã vượt lên bao khó khăn của cuộc sống vật chất để mà sống. Em thèm một cuộc sống bình thường như bao người khác lắm chứ. Có chồng con, có một mái ấm gia đình để mà nương tựa. Thế mà một ước muốn nho nhỏ ấy cũng không được. Em cứ sống một mình với những kỷ niệm ở Trường Sơn. Tuổi càng cao càng mong muốn có một đứa con để mà vui cửa vui nhà, để mà nương tựa. Thế mà...”.

Người đàn bà nói đến đây thì nức nở khóc. Đô khẽ an ủi: “Thôi mà Vân. Số phận vậy biết làm sao được. Thì có ai bỏ rơi Vân đâu. Đoàn thể, đồng đội vẫn ở bên Vân đó”. “Vẫn ở bên em nhưng có ai cho em một đứa con không? Mãi đến hôm gặp anh, anh là nhà báo quen biết rộng, đã xin giúp cháu cho em. Những tưởng nuôi nó dễ dàng ai ngờ lại ốm sài liên tục. Những hôm thui thủi một mình bên con, nó sốt, nó khóc khản cả hơi, em tủi thân quá. Thế mà còn có những kẻ đặt điều nói xấu quan hệ giữa anh và em. Chỉ có mình anh là dám vượt lên những điều tiếng đó để chăm sóc cho mẹ con em. Anh khổ với em nhiều quá”. “Nào có ai nói gì đâu mà Vân cứ cả nghĩ. Ngày ở Trường Sơn đối mặt với bom đạn, với cái chết còn chẳng sợ nữa là”. “Vâng. Đúng thế. Nhưng bây giờ nhiều kẻ quên hết những năm tháng đó rồi anh ạ”. “Vân đừng nói thế. Tại em hiểu chưa hết đấy thôi. Hãy coi anh như một người anh trai, một người đồng đội đúng nghĩa. Anh sẽ giới thiệu em với vợ anh. Vợ anh là một cô giáo. Cô ấy rất vị tha và nhân nghĩa. Được tin anh tìm lại được đồng đội xưa ở Trường Sơn chắc chắn cô ấy sẽ vui nhiều”.

Hạnh ở ngoài nghe hết câu chuyện của hai người. Chị như thấy chính Vân đang nói với chị. Và trước mắt chị, Đô, người chồng của chị thật đáng yêu. Thế mà suýt nữa thì chị đánh mất niềm tin của anh, đánh mất hạnh phúc của cả gia đình chị. Nghe đến đây, Hạnh vội nhón chân trở ra. Thấy chị, Hải lên tiếng: “Sao lâu thế? Có tình hình gì không?”. “Không. Chẳng có việc gì cả. Chỉ đồn đại láo thôi”.

Hai người lên xe nhằm hướng ánh đèn điện trở về. Ngồi sau xe Hải, thỉnh thoảng Hạnh lại mỉm cười một mình. Trời đêm đầy sao nhấp nháy như cũng vui lây cùng chị.

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Bình luận
Back To Top