Truyện ngắn

Chí trai thời cứu nước

09:17 - Thứ Năm, 20/07/2017 Lượt xem: 5399 In bài viết

ĐBP - Như vậy là ông Lạc phố tôi vừa được dân phố trìu mến đặt cho cái tên nghe rất mùi: “Thi sĩ phố”. Tất nhiên ông không nhận, cứ lắc đầu quầy quậy. Theo ông, thi sĩ là bác học, là cao sang lắm, gắn kết cả cuộc đời với văn chương thơ phú. Thi sĩ thường dành cho những thi nhân nổi tiếng, có máu mặt trên văn đàn. Còn ông, từ khi tập tọe làm thơ chưa hề có tác phẩm nào được in cho ra tấm ra miếng, trừ hai bài lục bát, mỗi bài có 6 câu được đăng tại địa phương cách đây lâu lắm. Cuối đời, ông lại được dân phố tôn vinh là “Thi sĩ” rồi thêm vào đó là chữ “Phố”. Lúc thư nhàn, ngồi ngâm nga chén rượu, ông gật gật cái đầu bạc: “Mà thi sĩ nghe cũng vui tai đáo để đấy chứ nhỉ?”. Dù sao ông Lạc cũng đã có những đóng góp nào đó về văn thơ, nên mới được tôn vinh như thế chứ! Xét đến cùng thì ông Lạc cũng có thế mạnh hơn người là được sinh ra và khôn lớn ở một vùng quê có truyền thống văn hóa, văn nghệ, tục ngữ, ca dao. Ông Đấu (bố đẻ của ông Lạc), quá nửa đời người cầm cày theo trâu nhưng lại rất mê ca dao, tục ngữ. Ra đồng bắt được mấy con cua, cụ đọc ngay câu: “Con cua tám cẳng hai càng...”.

Mùa hè năm ấy ở làng Nội quê ông nắng nóng như đổ lửa. Người đi làm đồng phải khoác áo tơi tết bằng lá cọ mà vẫn hâm hấp nóng, nhễ nhại mồ hôi. Ngày nắng đêm nóng, thanh niên trai tráng và mấy ông tuổi cao khó ngủ phải kéo nhau ra đình nằm trên các phiến đá trước cửa, tranh thủ chợp mắt vài giờ để sang hôm sau còn có sức đi làm. Năm đó, làng Nội lại được mùa lúa chiêm, nhà nào nhà ấy chật ních những thóc lúa rơm rạ. Nhà chật sân hẹp rất ngột ngạt, đàn bà con gái không dám ngủ hè đình thì sau mỗi đỏ trục lúa lại rủ nhau chạy ù ra bờ ao, trút hết quần áo, vấn tóc lên đầu xuống nước ngâm mình lấy vài phút. Nước ao bèo mát như cái máy lạnh thời hiện đại làm cho các bà, các chị tỉnh táo, mau chóng khỏe khoắn trở lại. Lên bờ mặc quần áo xong, họ lại quay về bắt tay vào trục lúa đến hết thời gian lao động, ngày cũng như đêm. Còn sức là còn phải làm, phải thu vén gọn gàng nhanh chóng cho đến lúc hạt thóc nằm trong bồ mới ăn ngon ngủ yên. Trên sàn nhà ông Đấu (bố đẻ của ông Lạc), một đám người đang trục lúa nhờ, vì nhà ông ở giữa xóm lại có cái sân gạch khá rộng.

- Sân nhà tôi rộng, bà con cứ đem lúa đến mà trục thâu đêm suốt sáng cũng không sao. Phải làm nhanh nhanh phòng xa trời đổ mưa bất chợt thì hỏng ráo.

Nói xong, ông Đấu lững thững đi về phía đình làng. Trên các phiến đá trước cửa, kẻ ngồi người nằm tán chuyện tầm phào như họp chợ. Chốc lát lại có cơn gió nồm thổi về mát dịu. Trong đám trai làng, mấy người ngủ say ngáy khò khò. Giấc ngủ lúc này đang như liều thuốc bổ làm họ lại sức. Ông Đấu nhập cuộc với mấy ông già vừa nằm vừa kể chuyện Thánh Gióng nhổ gốc tre đánh giặc Ân. Ông Đấu vừa nhập cuộc đã có tiếng hỏi:

- Thế nào, ấp ủ nhau đến bây giờ bà Khuyên mới cho ông ra đây hử? Gớm nóng bỏ xừ thế này mà vẫn...

Ông Đấu cười hì hì rồi bảo:

- Cái bà Khuyên nhà tôi như người bị tịt rồi, còn gì nữa mà ấp với ủ. Các ông xem đấy, hơn mười năm nay có chửa đẻ gì nữa đâu.

Dân làng bảo bà Khuyên là gái mắn đẻ, chả thế mà trong vòng gần sáu năm cho ra lò ba thằng con trai. Ông Đấu mừng rơn, gặp ai ông cũng muốn khoe họ Đỗ nhà ông là họ đa đinh. Ông sắp xếp đặt tên các con gần gũi với bố để họ hàng và dân làng dễ gọi, dễ nhớ. Không hoa mỹ như thành phố cứ theo chân quê mà đặt. Ba con trai ông Đấu đứa nào cũng chóng lớn, chăm chỉ vào loại nhất nhì trong làng. Công việc đồng áng, ông Đấu và bà Khuyên đỡ vất vả từ ngày các con khôn lớn. Ông Đấu có thời giờ nhàn rỗi đi đây đi đó ngao du bạn bè. Ra khỏi lũy tre làng, ông thấy có nhiều chuyện lạ. Chuyện hay nghe vui tai, chuyện dở thấy tấm tức trong bụng. Với ông, có nhiều người khen nhưng không ít kẻ chê, trong đó có cả hàm xoi mói. Họ bảo nhà ông là “Tam nam bất phú”. Những lời đường mật tán tỉnh nghe cứ như rót vào tai. Cuối cùng ông Đấu cũng tin. “Tam nam bất phú” có nghĩa là sau này ba thằng con ông sẽ không ăn nên làm ra, sẽ nghèo khổ, vất vả suốt đời.

Vì thế, kế sách là phải hết lòng chiều chuộng, động viên và Khuyên cố gắng đẻ lấy một đứa con gái nữa, vì bà vẫn ở lứa tuổi còn đẻ được. Thế nhưng cuối cùng bà Khuyên không thể cho ra đứa con thứ tư, chưa biết trai hay gái? Tối hôm ấy, gà đã gáy sang canh hai, ông Đấu vẫn đấm ngực thình thịch, bởi lúc chiều lại có người nói nhà ông là “Tam nam bất phú”. Ông tức đến điên ruột, không có cách nào tìm được lời giải đáp. Thế rồi sau cùng ông nhất quyết đi dọn đường tìm hoa. Việc đó với ông không khó lắm, dễ như ong đi tìm hoa hút mật. Hơn nữa thân hình ông còn vạm vỡ lắm, cơ bắp còn săn chắc, tuổi đời mới đầu năm đít hai. Cái vốn sống và sự hiểu biết nhất là về tục ngữ ca dao vào loại kha khá. Có thể hình dung ra ông, ông còn như lưỡi cưa sắc bén cưa vào cây nào cũng có thể đổ.

... Công việc đồng áng cuốn hút mọi người vào kế sinh nhai, không mấy người để ý đến thời gian trôi đi rất nhanh. Thấm thoát cái Thêm (con gái ông Đấu) đã gần ba tuổi, nói sõi, đi nhanh. Lúc đó, ông Đấu mới chính thức công khai với họ mạc làng xóm: cái Thêm, Đỗ Thị Thêm, chính thức là con ông. Lời ra tiếng vào, kể cả những điều phê phán coi như tội lỗi ông nhận tất tần tật, miễn sao tránh được cái tiếng “Tam nam bất phú” là sướng lắm. Ông chọn ngày tốt và thuyết phục và Khuyên vợ ông mang chút lễ mọn sang làng Ngải để dàn xếp đón bé Thêm về nuôi. Giờ đây thì ông mãn nguyện lắm rồi, vợ chồng ông đã có bốn đứa con, có trai có gái, có nếp có tẻ chững chạc đàng hoàng. Ông tuyên bố thẳng thừng: Ai còn nói nhà tôi là “Tam nam bất phú” thì đừng có trách. Trong số ba người con trai ông Đấu, chỉ có người con thứ hai Đỗ Như Lạc được cắp sách tới trường, được học hành có nề nếp khi đến tuổi đi học. Ai nấy đều khen Lạc học vào loại sáng dạ. Học hết lớp 5 cũ đã thiên hướng về thơ, thích đọc thơ, nghe thơ. Buổi phát thanh “Tiếng thơ” tối chủ nhật trên đài tiếng nói Việt Nam là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Quyển sách có tờ nào in thơ, Lạc thường tìm đọc, sưu tầm ghi lại những câu thơ hay, bài thơ hay về nhà đọc lại để nhập tâm. Quyển sổ nhỏ ghi thơ luôn có ở trong túi. Hết giờ học rủ mấy bạn cùng yêu thơ ra chỗ vắng để đọc, với cái giọng âm ấm mềm mại dễ vào tai lắm. Sinh hoạt lớp lần nào cũng có tiếng đề nghị Lạc lên đọc thơ. Lạc hơi đỏ mặt đứng lên lấy từ trong túi ra quyển sổ nhỏ trong đó có ghi nhiều bài thơ tự chọn lọc rồi đọc hoặc ngâm bài nào hay nhất, hấp dẫn nhất. Cả lớp vỗ tay, lại khen ngợi “thằng này có năng khiếu thơ đấy”. Được nhiều bạn khen, có lúc Lạc nghĩ: “Lớn lên có thể mình sẽ theo con đường thơ phú xem sao, biết đâu đấy, có công mài sắt?”...

Chiến tranh là tàn khốc, là chết chóc chia xa, nhưng ở làng quê vẫn có những giây phút yên bình thanh thản. Vừa đánh giặc vừa ca hát, vừa sản xuất vừa đọc sách, ngâm thơ. Và đây nữa, mùa hè vào ban đêm vẫn tiếng sáo diều ngâm nga trên không trung, những đêm hát chèo, hát đúm trên sân đình làng. Những buổi ca hát hẹn hò của tuổi trẻ dưới đêm trăng. Sự sinh tồn phát triển cứ theo quy luật muôn thủa, không sức mạnh nào cản nổi. Sự tàn khốc cứ như con số nhân tăng lên gấp bội khi chiến tranh sắp kết thúc, tiền tuyến tiếp tục kêu gọi đáp ứng sức người, sức của cho ngày toàn thắng. Hậu phương nô nức chi viện cho tiền tuyến, hàng trăm trai tráng làng Nội tạm rời tay cày tay cuốc, cây bút quyển sách, tạm biệt quê hương, mái trường lên đường cầm súng đánh giặc, trong đó có anh học trò Đỗ Như Lạc 18 tuổi. Hành trang không thiếu một số quyển sổ nhỏ ghi những bài thơ yêu thích nhất. Niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt chữ điền, cái miệng rộng, hàm răng đều. Với chí trai thời cứu nước, Lạc cùng đồng đội hành quân vào chiến trường những năm máu lửa, cả dân tộc vùng lên đánh giặc gìn giữ nền độc lập tự do của Tổ quốc thân yêu…

Nguyễn Anh Quốc
Bình luận
Back To Top