Điện ảnh phát triển lệch pha

16:45 - Thứ Năm, 20/07/2017 Lượt xem: 5669 In bài viết
Trong khi thị phần phim chiếu rạp khu vực miền Nam chiếm gần như tuyệt đối về số lượng thì lĩnh vực phim truyền hình khu vực phía Bắc lại chiếm ưu thế và gây được nhiều tiếng vang hơn. Sự phát triển lệch pha này đã và đang ảnh hưởng không ít đến thị trường chung.

Nhà làm phim tư nhân tập trung phía Nam

Tính từ đầu 2017 đến nay, phim điện ảnh do các nhà làm phim phía Bắc sản xuất ra rạp duy nhất có Cha cõng con. Những năm trước đây, số lượng cũng không nhiều, với một vài đại diện ít ỏi như: Người trở về, Cuộc đời của Yến... Thực tế này xuất phát từ việc nhà nước “bao cấp” làm phim, chính sách dành cho phim đặt hàng chưa thông suốt. Trong khi đó, các nhà làm phim tư nhân hầu hết tập trung tại thị trường phía Nam. Sắp tới, tình hình cũng không cải thiện được là bao, số dự án đã công bố chỉ thấy Thành phố ngủ gật (đạo diễn Lương Đình Dũng), Lời nguyền gia tộc (đạo diễn Vương Thái Huyền) mang bóng dáng các nhà làm phim phía Bắc. Không quá lời khi ví von về hai đầu thị trường: một đầu sục sôi như lửa, một đầu lạnh như băng. Nói về thực trạng trên, theo đạo diễn Lương Đình Dũng: “Do thị trường điện ảnh phía Bắc có ít nhà sản xuất, nhà đầu tư quan tâm đến điện ảnh. Thêm vào đó, cũng phải thừa nhận các đạo diễn phía Nam nhạy với thị trường hơn”.

 

Cha cõng con, đại diện hiếm hoi của dòng phim điện ảnh phía Bắc.

Trong khi đó, ở lĩnh vực phim truyền hình, tuy không có sự chênh lệch về số lượng nhưng tầm ảnh hưởng và sức hút trên mạng xã hội thời gian gần đây cho thấy đã có một sự khác biệt lớn. Những Người phán xử; Sống chung với mẹ chồng; Tuổi thanh xuân; Zippo, mù tạt và em... là bằng chứng điển hình. Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Vietcomfilm: “Hai bộ phim gây được tiếng vang trong thời gian vừa qua là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng nổi bật vì kịch bản hay của nước ngoài được Việt hóa tốt, cũng như có sự đầu tư lớn từ đơn vị sản xuất, nội dung phim chạm được vào sự quan tâm của đại đa số khán giả”. Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyền hình TPHCM - TFS, cho biết, các phim gây bão mạng đều thể hiện tính chuyên nghiệp, có đầu tư tài chính cao, hướng đến đối tượng khán giả cụ thể và cách thức phát hành, PR bài bản.

Riêng bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, cho rằng, nhận định trên không hoàn toàn chính xác, vì nhu cầu và thị hiếu khán giả ở mỗi miền khác nhau. “Nếu phim phía Bắc mang nhiều yếu tố chính luận, cập nhật đời sống thì phim phía Nam hướng đến sự bình dân, giải trí nhiều hơn. Nhiều phim phía Nam có chất lượng tốt, lượng người xem (rating) cao và ổn định, chỉ có điều không tạo nên hiệu ứng mạnh như các phim phía Bắc thời gian qua. Theo tôi, mức độ chênh lệch về rating, chất lượng là không nhiều”.

Khán giả chịu thiệt

Sự lệch pha nói trên dẫn đến hệ quả tất yếu là cả nhà sản xuất, đạo diễn và khán giả đều là người chịu thiệt. “Nó sẽ tạo ra khoảng cách về thị trường và gây thiệt lớn cho các nhà làm phim phía Bắc nói riêng. Do đó, số lượng khán giả không tăng nhanh được”, đạo diễn Lương Đình Dũng nhấn mạnh. Bà Vũ Thị Bích Liên còn đưa ra dẫn chứng: “Bộ phim Xóm trọ 3D của chúng tôi hiện đạt doanh thu 20 tỷ đồng (tính đến ngày 11-7) nhưng thị trường phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra thu được chưa đầy 3 tỷ đồng. Bất kỳ nhà làm phim nào cũng muốn có nguồn thu ổn định và cân đối từ hai thị trường chứ không thể chênh lệch quá nhiều như hiện nay”.

Câu hỏi về cân đối thị trường và chất lượng các bộ phim cần có lời giải thỏa đáng. Theo bà Bảo Trâm: “Không chỉ phim truyền hình phía Nam, mà cả phía Bắc, chúng ta cũng cần nhìn nhận và học hỏi từ thành công của những bộ phim vừa qua, lấy đó làm chuẩn mực để phát triển, từ kịch bản, diễn viên, chi phí đầu tư đến kế hoạch truyền thông, hậu trường, câu chuyện tương tác với khán giả xem đài... Đặc biệt, không thể bỏ qua mạng xã hội”. Đạo diễn Đỗ Thanh Thải, Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam - VFC, nhấn mạnh, sản xuất phim truyền hình phải hướng đến sự tự chủ, có sự cân bằng về đề tài và quan trọng nhất vẫn là chất lượng. “Một sản phẩm kém chất lượng sẽ không thể giữ chân khán giả”, ông nói. 

Riêng đối với điện ảnh, nói như đạo diễn Lương Đình Dũng, để khuyến khích sự cân bằng, trong tương lai cần phải có nhiều nhà đầu tư hơn. Bà Bích Liên thì quan tâm nhiều hơn đến yếu tố cung - cầu của khán giả ở cả hai thị trường, “quan trọng nhất là chúng phải gặp nhau”, bà nói: “Nếu lượng người xem tốt, chúng tôi sẽ cân đối ở các dự án sau để tìm cách mở rộng thị trường”.

Dù đang có sự phát triển chưa thật sự cân bằng, nhưng ý kiến của bà Bảo Trâm được xem khá thấu tình, đạt lý: “Tôi nghĩ ở đây không có sự phân biệt về phim phía Nam hay phía Bắc, chúng ta cứ xem sự mới mẻ và thành công của những bộ phim nói trên là một đòn bẩy, một sự khích lệ rất lớn cho các nhà sản xuất”.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top