An toàn trong lao động nghệ thuật: Sự quan tâm cần thiết

15:06 - Thứ Sáu, 21/07/2017 Lượt xem: 6356 In bài viết
Nghệ thuật là lĩnh vực lao động đặc thù, đem lại cho đời sống những giây phút thăng hoa cảm xúc. Để có được điều đó, mỗi nghệ sĩ phải luyện tập miệt mài trong điều kiện chưa hẳn là phù hợp, vì vậy, không ít tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Bộ VH-TT&DL đang xây dựng thông tư quy định một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động nhằm bảo đảm an toàn cho những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật.

“Sinh nghề, tử nghiệp”

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ VH-TT&DL, số lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thể dục thể thao có khoảng 32 nghìn người, chiếm 1,68% tổng số lao động trong cả nước. Trong đó, số người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật (sân khấu, xiếc, múa, hát, trình diễn thời trang…) có khoảng 10 nghìn; số hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú) là 600 người và số lao động trong lĩnh vực mỹ thuật là 2.600 người.

 

Xiếc là môn nghệ thuật có nhiều rủi ro trong các hoạt động biểu diễn.

Con số này tuy không lớn nhưng công việc của họ đòi hỏi phải có năng khiếu, có sự phát triển phù hợp với nghề, thậm chí cần được đào tạo, bồi dưỡng và tham gia biểu diễn, trình diễn từ rất sớm, có khi dưới độ tuổi lao động.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, diễn viên, huấn luyện viên xiếc thường xuyên đối mặt với nguy cơ tai nạn, kể cả trong luyện tập và biểu diễn. Số lượng nghệ sĩ bỏ nghề vì tai nạn, bị thú tấn công bất ngờ không ít. Hẳn nhiều người còn nhớ NSƯT Ngô Thị Tuyết Hoàn với cú ngã trong một lần luyện tập vào 6 năm trước, khiến chị phải ngồi xe lăn suốt đời.

Xiếc và múa là hai môn nghệ thuật cần luyện tập từ sớm, có khi từ dưới 10 tuổi. Luật An toàn, Vệ sinh lao động và Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11-6-2013 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng lao động dưới 15 tuổi, nhưng việc sử dụng lao động quá nhỏ tuổi lại là chuyện khác.

NSƯT Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Sân khấu là loại hình đem lại giây phút thăng hoa cho khán giả. Chỉ cần sự cố nhỏ như một chiếc đèn cháy, một tiếng nổ ở đâu đó, một chiếc ghế khán giả bị sập hay bục bệ diễn bị lệch… là giấc mơ ấy có thể tan biến”. Nhà hát Tuổi trẻ từng có diễn viên đang mang thai, bước hụt trên sân khấu và bị trụy thai. 

Theo NSƯT Chí Trung, do đặc thù nghề nghiệp nên lãnh đạo nhà hát luôn chú trọng việc bảo đảm an toàn cho nghệ sĩ, diễn viên và cán bộ. Khi các đoàn đi lưu diễn xa, lái xe được quán triệt giữ an toàn tối đa trên đường, diễn viên luôn trong tầm kiểm soát, không để bị lợi dụng… NSƯT Chí Trung cho rằng, quan trọng nhất vẫn là mỗi nghệ sĩ phải luyện tập kỹ và trang bị kỹ năng tự bảo vệ.

Cùng quan điểm đó, TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam cho biết, nhà trường luôn đặt sự an toàn cho học sinh lên hàng đầu. Ngoài các thiết bị luyện tập thường xuyên được kiểm tra, giáo viên có trách nhiệm kiểm soát mức độ nguy hiểm, trợ giúp để tránh tai nạn cho học sinh. Nhưng trong thực tế, năm nào nhà trường cũng có 7-8 học sinh bị chấn thương.

Phòng tránh rủi ro, tiếp sức sáng tạo

Quy định hiện hành về an toàn lao động trong lĩnh vực nghệ thuật và thể dục thể thao có trong Điều 34, Nghị định số 39/2016/ NĐ-CP của Chính phủ ngày 15-5-2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, Vệ sinh lao động. Dựa trên quy định này, Bộ VH-TT&DL đã ban hành một số chính sách riêng cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, nhiều quy định mang tính chuyên ngành, tiêu chuẩn, định mức về sử dụng lao động chưa cụ thể nên có thể dẫn đến sự vi phạm trong sử dụng lao động, hạn chế khả năng sáng tạo của nghệ sĩ. 

Việc Bộ VH-TT&DL xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định chung trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Theo NSND Tạ Duy Ánh, tổ biên soạn thông tư nên tổ chức hội thảo, trao đổi chuyên môn giữa những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và chuyên gia y tế, lắng nghe những câu chuyện nghề để có thể đưa ra hướng dẫn phù hợp, khả thi.

Dự thảo thông tư quy định một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao được đưa ra lấy ý kiến gồm 11 điều. Trong đó có quy định rõ nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là kết hợp hài hòa giữa bảo đảm an toàn với hoạt động sáng tạo, không gây hạn chế hay cấm đoán hoạt động sáng tạo. Dự thảo thông tư cũng đưa ra các yêu cầu cơ bản của nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (thời gian, số giờ tập luyện, nguyên tắc an toàn, nguyên tắc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, nguy hại…) để gắn trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy trình hoạt động phù hợp với từng loại hình nghệ thuật cụ thể. 

Dự thảo thông tư cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm công tác y tế, khám sức khỏe đột xuất, cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp. Đặc biệt, thông tư sẽ có quy định về việc sử dụng lao động dưới 13 tuổi, như phải có người hướng dẫn, theo dõi liên tục trong quá trình làm việc của trẻ…

Thông tư quy định một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao dự kiến được ban hành vào cuối năm 2017.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top