Đất nước - Con người

Người góp phần làm nên chiến thắng trận đầu

09:32 - Thứ Năm, 03/08/2017 Lượt xem: 5298 In bài viết
ĐBP - Nhân Ngày truyền thống Đánh thắng trận đầu (5/8/1964 - 5/8/2017), tìm hiểu lịch sử Trung đoàn 280 và đồng đội cùng tham gia trận đánh ngày 5/8/1964 chúng tôi được biết liệt sĩ Phan Đăng Cát là người có công lớn trong chiến thắng trận đầu. Liệt sĩ sinh ngày 8/4/1941 tại thôn Trung Mỹ, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là con trai cả trong một gia đình có 7 chị em; năm 1961 nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn Pháo phòng không 280, trở thành Trung sĩ rồi khẩu đội trưởng khẩu đội 8, Trung đội 2, Đại đội 138 pháo trung cao.

 
Năm 1963, Phan Đăng Cát vừa tròn 23 tuổi cưới vợ là người cùng xã. Chưa được 1 tuần sau đám cưới Phan Đăng Cát phải trở lại đơn vị. Lúc bây giờ có nhiều dấu hiệu dự báo không quân Mỹ sẽ đánh phá miền Bắc. Đơn vị Phan Đăng Cát có nhiệm vụ bảo vệ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, phải thường xuyên trực chiến nên từ đó Phan Đăng Cát không có điều kiện về thăm gia đình. Đến ngày 5/8/1964 Phan Đăng Cát được đơn vị cho về nghỉ phép. Trưa hôm đó, sau khi ăn xong bữa cơm cùng anh em đơn vị, nhận giấy nghỉ phép và tiêu chuẩn quà phép, gói ghém ba lô, đang chuẩn bị rời đơn vị về quê thì tiếng còi báo động vang lên. Một tốp máy bay địch tấn công vào thành phố Vinh với các mục tiêu: Kho xăng Hưng Hòa, cảng Bến Thủy và các trận địa pháo phòng không. Phan Đăng Cát bỏ ba lô, lao ra trận địa, chiến đấu cùng anh em đại đội đánh trả quyết liệt lũ cướp trời. Trước khả năng máy bay địch sẽ mở đợt oanh kích mới, Phan Đăng Cát đã xin phép ở lại không đi phép nữa, chia quà phép cho anh em liên hoan rồi ra trực tiếp chỉ huy khẩu đội chiến đấu cùng đại đội.

Đúng như dự đoán, 16 giờ 30 , máy bay địch đánh phá khu vực Vinh - Bến Thủy lần thứ hai. Trận địa Đại đội 138 bị trúng gần 100 quả rốc két, anh em pháo thủ thương vong khá nhiều. Tuy vậy, các anh vẫn kiên trì bám trận địa, bình tĩnh đánh trả. Riêng Phan Đăng Cát, với vai trò là khẩu đội trưởng, với lá cờ chỉ huy trên tay, mắt dõi theo từng chiếc máy bay địch để hạ quyết tâm chính xác bắn đúng thời cơ. Hai lần bị thương do mảnh rốc két anh tự băng bó vết thương. Mặc dù đứng không vững nhưng Phan Đăng Cát nén đau động viên chỉ huy đồng đội bình tĩnh tiếp tục chiến đấu. Lần bị thương thứ ba, quả róc két nổ cạnh công sự, một mảnh găm vào bụng anh vẫn dõng dạc hô lớn: “Tiếp tục chiến đấu để bảo vệ quê hương Bác, quyết đánh đến cùng”. Do vết thương quá nặng, máu ra nhiều nên Phan Đăng Cát đã anh dũng hy sinh ngay trên trận địa của quê hương Bác Hồ khi trên tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy. Lúc đó Phan Đăng Cát mới 24 tuổi đời, 3 tuổi quân. Lá cờ Phan Đăng Cát cầm chỉ huy trong trận đánh ngày 5/8/1964 hiện đang được lưu giữ trang trọng trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam như một chứng tích oai hùng của trận đấu đánh thắng không quân Mỹ. Trong Bảo tàng của Quân chủng Phòng không - Không quân dành hẳn một ô trưng bày các di vật của liệt sĩ Phan Đăng Cát như: Chứng minh thư Quân đội, ba lô, tư trang cá nhân và giấy nghỉ phép mà anh được về nghỉ đúng vào ngày diễn ra trận đánh ngày 5/8/1964. Khẩu đội 8, Trung đội 2, Đại đội 138 và một số đại đội của Trung đoàn 280 trong trận chiến đấu đó đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ góp phần cùng chiến thắng chung của quân dân miền Bắc hạ 8 chiếc trong ngày đầu tiên đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công bằng không quân vào miền Bắc nước ta.

Tháng 12/1964 xét thành tích của liệt sĩ Phan Đăng Cát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh truy tặng Huân chiến công hạng nhất cho liệt sĩ Phan Đăng Cát.

T.K (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top