Thật giả lẫn lộn, ai bảo vệ tác phẩm chân chính?

10:23 - Thứ Tư, 09/08/2017 Lượt xem: 5652 In bài viết

Sau gần 13 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm về văn học, nghệ thuật, cơ quan quản lý khẳng định hành lang pháp lý trong lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Thế nhưng, vi phạm bản quyền vẫn khiến các chủ sở hữu tác phẩm, người có quyền liên quan bức xúc. Thậm chí, nhiều vụ việc thật giả không phân định được. 

Thật giả lẫn lộn, ai bảo vệ tác phẩm chân chính?

Mới đây, nhà đấu giá Chọns tại Hà Nội vấp phải sự cố khá nghiêm trọng vì trong số tác phẩm chuẩn bị được đưa lên sàn đấu giá có tác phẩm “Phố cũ” của họa sĩ Bùi Xuân Phái bị nghi ngờ là tranh giả.

Lý do là năm 2006, hãng đấu giá nổi tiếng Sothebys (Singapore) đã bán tác phẩm “Phố cũ” có cùng nội dung, cùng tác giả trên với giá 11.443 USD và năm 2014, Christies (Hong Kong) đã bán bức tranh này với giá 12.804 USD.

“Phố cũ” được Chọns công bố hoàn toàn giống với bức tranh đã được 2 hãng đấu giá uy tín và nổi tiếng thế giới thực hiện giao dịch trước đó. Tuy nhiên, nhà đấu giá Chọns khẳng định sẽ vẫn tiếp tục đưa “Phố cũ” lên sàn đấu giá tại Việt Nam.

 

Một buổi bán đấu giá tranh tại Hà Nội.

Lý do là đơn vị này tin vào hội đồng thẩm định, tin vào nguồn gốc, thân nhân của người sở hữu bức tranh và tin tưởng rằng người mua tranh giá trị cao sẽ không dễ để bản thân họ nhầm lẫn. Kết quả, bức tranh “Phố cũ” của Chọns đã được mua với giá trên 12.000 USD.

Thực tế, trước sự cố của nhà đấu giá Chọns khoảng 1 năm, “làng” tranh Việt từng có 1 vụ tai tiếng thuộc dạng “vô tiền khoáng hậu” khi phần lớn tranh trong triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bị cho là tranh giả. Hội đồng thẩm định tại Bảo tàng sau đó cũng khẳng định, 15 trong số 17 tác phẩm trưng bày có dấu hiệu giả mạo.

Ngược lại, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung – người mua số tác phẩm này đưa về Việt Nam thì khẳng định, đây là tranh thật với lý do số tranh này đã được chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á thuộc hãng Christies là ông Jean Francois Hubert thẩm định.

Chuyên gia này có đầy đủ hồ sơ gồm các văn bản, giấy chứng nhận của Christies về số tác phẩm trên… Sau nhiều ồn ào, đến thời điểm hiện tại, câu chuyện tranh thật tranh giả này vẫn chưa được phân định.

Trao đổi quanh câu chuyện tranh thật tranh giả tại Việt Nam, ông Trần Quốc Hùng, người đại diện và chịu trách nhiệm về mặt thẩm định của Chọns cho biết, vấn nạn tranh giả đang khiến tranh Việt “mất điểm” trên thế giới.

Tranh Việt có giá thành thấp vì có giai đoạn tranh Việt được yêu thích, họa sĩ mong muốn kiếm tiền nhanh nên lặp đi lặp lại mình trong sáng tạo, thậm chí có người còn tự nhân bản tranh của chính mình để bán.

Tranh của lớp họa sĩ Đông Dương cũng bị chép lại rồi đưa ra thị trường. Người họa sĩ kiếm được tiền ngay lúc ấy nhưng hệ lụy của hoạt động này thì khó đo đếm được. Cụ thể và rõ ràng nhất chính là việc các nhà sưu tập nước ngoài luôn nhìn vào thị trường Việt Nam với “đôi mắt đầy phòng bị”.

Để góp phần giải quyết vấn đề tranh thật tranh giả, họa sĩ và nguời sưu tập đang đặt nhiều hy vọng vào Trung tâm Giám định. Theo kế hoạch dự kiến, Trung tâm này sẽ thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Vi Kiến Thành thì khẳng định, hiện tại, ý tưởng này vẫn chưa thể thành hiện thực. Bên cạnh các vấn đề bất cập về đội ngũ nhân lực thì đầu tư khoa học công nghệ phù hợp vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, một trọng tài đủ tin cậy để phân định rạch ròi tranh thật, tranh giả vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Cùng liên kết chống vi phạm bản quyền

Thực tế, vi phạm bản quyền không chỉ khiến người hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật bức xúc. NSND Thanh Hoa, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) cho biết, những ca khúc từng làm nên tên tuổi của chị: Làng lúa làng hoa, Tàu anh qua núi…. vẫn thường xuyên phát ở khắp mọi nơi nhưng chưa bao giờ chị được đơn vị sử dụng nào đặt vấn đề chi trả cho công sức lao động sáng tạo của mình.

Trừ các đơn vị tổ chức biểu diễn trả thù lao cho nghệ sĩ ngay sau chương trình, phần lớn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm dưới hình thức khác đều không trả đồng nào cho nghệ sĩ biểu diễn. Để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ biểu diễn, APPA đang xúc tiến thành lập trung tâm bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn riêng.

Với lĩnh vực điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam đã có tổ chức, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực điện ảnh. Các tác giả âm nhạc cũng có tổ chức đại diện tập thể quyền là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Với các tác giả văn học đã có Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam... Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các trung tâm này có thực sự như mong muốn hay không lại là câu chuyện dài...

Để góp phần giải quyết vấn đề này, Cục Bản quyền tác giả đã, đang triển khai xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng về Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006 và Luật sửa  đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đại diện nhiều trung tâm đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cũng cho biết đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết tốt hơn, rõ ràng hơn trong quá trình thu chi tiền tác quyền.

Với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), ngoài hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực hiện có, trung tâm này đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời quốc tế để củng cố kiến thức, phương thức và đầu tư khoa học công nghệ nhằm minh bạch hơn, kiểm soát tốt hơn việc sử dụng tác phẩm âm nhạc trong cộng đồng.

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top