Trầm bổng cùng 100 năm âm nhạc Việt Nam

15:58 - Thứ Sáu, 18/08/2017 Lượt xem: 9215 In bài viết
Âm nhạc Việt Nam 100 năm qua được đánh giá một thời kỳ sôi nổi và đặc biệt hòa cùng không khí của đất nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Với mong muốn tái hiện chặng đường đẹp ấy trên sân khấu, Nhà hát Tuổi trẻ và Đông Đô show thực hiện dự án “100 năm âm nhạc Việt Nam”, bắt đầu từ cuối tháng 8 này.

Một thế kỷ tân nhạc

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là 100 năm qua mà nhiều chuyên gia đồng tình gọi chung - tân nhạc. Âm nhạc Việt Nam bước vào thế kỷ XX đã có những khác biệt, mới, nhất là việc những người viết nhạc đã ký âm những giai điệu rung cảm thành bản nhạc. GS.TS Trần Quang Hải cho rằng, nhạc mới hay tân nhạc, hoặc nhạc cải cách là thể nhạc lấy nhạc ngữ phương Tây làm nền tảng, dùng thang âm thất cung - do-ré-mi-fa-sol-la-si-do, hòa âm phối khí bằng nhạc khí phương Tây…

 

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh chia sẻ về dự án.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, mùa thu năm 1938 là một dấu mốc quan trọng của âm nhạc nước nhà khi những bản nhạc Việt Nam đầu tiên đã in trên Báo Ngày nay. Tân nhạc xuất hiện sau phong trào thơ mới và dòng văn học lãng mạn nhưng với ưu thế bay bổng, du dương, âm nhạc nhanh chóng trở thành phương tiện nghệ thuật để tác giả gửi gắm tâm tư và khán giả được cổ vũ tinh thần qua lời ca, tiếng hát, giai điệu.

Theo dòng chảy thời gian cùng những biến cố lịch sử, âm nhạc Việt Nam có những thay đổi về khuynh hướng sáng tác, hình thành những thế hệ nhạc sĩ đóng góp tích cực trong từng giai đoạn, để lại dấu ấn đến hôm nay. Giai đoạn đầu có các nhạc sĩ Lê Thương, Hoàng Quý, Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao… với những ca khúc trữ tình, sâu lắng. Giai đoạn kháng chiến ghi dấu những tác phẩm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Tý, Hồ Bắc… hình thành nên dòng nhạc cách mạng, cổ vũ chiến đấu, đóng góp vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Song song với dòng nhạc cách mạng, ở miền Nam, các nhạc sĩ Lam Phương, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Y Vân, Trúc Phương, Đức Huy… có các tác phẩm trữ tình đáng chú ý. Một số nhạc sĩ nổi lên ở phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Trịnh Công Sơn… 

Những năm tháng đất nước hòa bình, có một lớp nhạc sĩ trưởng thành với phong cách riêng: Trầm lắng, sâu sắc là Phó Đức Phương, Hoàng Tạo; sôi nổi và nhạy bén là Nguyễn Cường, Trần Tiến; sang trọng và tình cảm là Phú Quang, Dương Thụ; nhịp nhàng, uyển chuyển là Trương Ngọc Ninh, An Thuyên… Thế hệ nối tiếp có các nhạc sĩ đến nay vẫn còn sung sức sáng tác như Quốc Trung, Quốc Bảo, Huy Tuấn, Anh Quân, Đức Trí, Hồ Hoài Anh, Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Lưu Hà An, Lê Minh Sơn… đưa âm nhạc Việt Nam bước vào thế kỷ mới tự tin và nhiều màu vẻ.

Tái hiện trên sân khấu

Đó là những điểm nhấn của âm nhạc Việt Nam gần một thế kỷ qua thể hiện trên những trang viết, cuốn sách. Nhưng đã là âm nhạc, không gì thấm thía, rung cảm hơn bằng sự vang lên qua giai điệu và giọng hát. Còn nhớ năm 1994, cuộc trình diễn “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL (trước đây là Bộ Văn hóa Thông tin) và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với 4 đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội để lại dấu ấn trong làng nhạc Việt. Những nhạc sĩ chứng kiến thời kỳ ấy kể lại rằng, họ đã rất xúc động khi khán giả đứng chật cả lối đi, ken dày ra tận cổng nhà hát để được thưởng thức chương trình.

Thì bây giờ, câu chuyện về một thế kỷ âm nhạc sôi nổi của đất nước sẽ được tái hiện trên sân khấu qua chuỗi chương trình "100 năm âm nhạc Việt Nam". Dẫu rằng, hiện nay có không ít đêm nhạc quy mô, lộng lẫy được tổ chức, nhưng ê kíp thực hiện dự án này cho thấy sự khác biệt khi vừa muốn tổng kết, nhìn lại một chặng đường lịch sử âm nhạc, vừa muốn tạo nên một địa chỉ định kỳ cho người yêu nhạc Việt trong hai năm tới.

"100 năm âm nhạc Việt Nam" sẽ được kể qua 24 chương trình nối tiếp, mỗi tháng một số, tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh cho biết, mỗi chương trình được sắp xếp theo chủ đề khác nhau, có thể là tác giả, có thể là tác phẩm có chung khuynh hướng hoặc đề tài. Nhưng các chương trình sẽ được kết nối với nhau như một câu chuyện dài kỳ để nhắc nhở công chúng về những giá trị, những “viên gạch” mà từng nhạc sĩ, từng tác phẩm vun đắp thành nền âm nhạc giàu xúc cảm trong đời sống. Mỗi chương trình sẽ mời các ca sĩ “ngôi sao” bên cạnh các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ. NSND Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ là người dẫn dắt, kết nối các câu chuyện trong chuỗi chương trình “100 năm âm nhạc Việt Nam”.

Chương trình đầu tiên sẽ được tổ chức vào 20h ngày 25-8, với chủ đề “Đêm nhạc Lam Phương - Cho em quên tuổi ngọc”, có sự góp mặt của các ca sĩ Mạnh Đình, Ánh Tuyết, Kiên Trung, Tôn Sơn và hai ca sĩ “nhí” Kim Chi, Minh Khôi. Theo đạo diễn, các đêm tiếp theo sẽ tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top