Chắp cánh cho nghệ thuật truyền thống

10:42 - Thứ Hai, 28/08/2017 Lượt xem: 5307 In bài viết
Thiếu sân khấu biểu diễn, điều kiện tập luyện tạm bợ, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu… là tác nhân cản trở sức sáng tạo, sự thăng hoa của người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật truyền thống. Rào cản này có kỳ vọng sớm được gỡ bỏ nhờ Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, với nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp và trang thiết bị hoạt động cho các rạp biểu diễn nghệ thuật tại địa phương, chắp cánh cho nghệ thuật truyền thống.

Mong an cư để lạc nghiệp

Hàng chục năm nay, những người làm nghệ thuật tại Nhà hát Cải lương Việt Nam không chỉ phải đối mặt với những thách thức từ việc dốc sức rèn nghề, thu hút khán giả, đào tạo diễn viên trẻ… mà còn phải nỗ lực khắc phục khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, địa điểm tập luyện, biểu diễn.

 

Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương nhiều năm vẫn phải thuê sân khấu để biểu diễn bởi cơ sở vật chất không bảo đảm.

Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSƯT Nguyễn Xuân Vinh cho biết: Hơn 60 năm nay, chúng tôi vẫn chưa có nhà hát mà phải đi thuê nhiều nơi như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Chèo, rạp Hồng Hà… Điều này không chỉ tăng sức nặng cho kinh phí duy trì hoạt động của nhà hát mà còn ảnh hưởng tới khả năng sáng tạo, sự thăng hoa của diễn viên. Có nhiều vở diễn, dù được dàn dựng công phu, bối cảnh thiết kế tinh xảo, đẹp mắt, nhưng nếu muốn bảo đảm điều kiện công diễn như vậy sẽ rất khó với nhiều sân khấu thuê, chưa kể công vận chuyển cũng rất tốn kém. Thiếu địa điểm tập luyện cũng khiến các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam gặp khó, NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát cho hay: “Chúng tôi chỉ có một phòng tập luyện nhỏ không đáp ứng đủ kích thước một sân khấu khiến nhiều chương trình không dựng nổi phòng cảnh lên để chạy vở…”.

Điều kiện làm việc thiếu thốn của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng là thực trạng chung kéo dài nhiều năm, gây nên nhiều cảnh “dở khóc, dở cười” cho không ít đơn vị nghệ thuật truyền thống trên cả nước. Chưa có thống kê chính thức nhưng theo ước tính từ Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), cả nước hiện có hàng chục nhà hát truyền thống đang phải tự xoay xở trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, không đáp ứng được những yêu cầu đổi mới về cạnh tranh, thu hút khán giả. 

Có thể kể đến Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen phải thường xuyên tận dụng văn phòng đại diện làm nơi tập luyện, chạy chương trình đồng thời cũng là kho chứa đạo cụ; Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội phải lưu diễn nhiều năm bằng sân khấu lưu động; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vẫn phải thuê tạm địa điểm biểu diễn do công trình hiện có không bảo đảm… Đại diện nhiều nhà hát cho hay: Tình trạng thiếu hụt sân khấu, rạp hát đáp ứng yêu cầu không chỉ khiến đơn vị gặp khó trong tổ chức biểu diễn mà còn không thể mạnh tay đầu tư thực hiện những chương trình quy mô, có chiều sâu và sức lan tỏa rộng khắp. Vô hình trung điều này làm giảm cơ hội hưởng thụ các chương trình dàn dựng công phu, chất lượng của khán giả. Chưa kể, điều kiện hoạt động nghệ thuật nghèo nàn, tạm bợ còn khiến không ít nghệ sĩ trẻ nản chí với nghệ thuật truyền thống, chuyển hướng sang các hoạt động biểu diễn hiện đại, hút khách hơn mà trong thực tế đã có nhiều ví dụ.

Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Hoàng Quỳnh Mai khẳng định: Khán giả có những yêu cầu về thưởng thức nghệ thuật ngày một cao và người nghệ sĩ cũng cần có một “thánh đường nghệ thuật” đúng nghĩa để cống hiến hết mình. 

Tiếp lửa cho nghệ thuật truyền thống

Trước thực tế này, ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 2016-2020 với nhiều phần việc cụ thể, trong đó có nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp và trang thiết bị hoạt động cho các rạp biểu diễn nghệ thuật tại địa phương gồm: Hỗ trợ xây dựng 3 công trình văn hóa, nâng cấp 20 rạp truyền thống tại địa phương; hỗ trợ 60 lượt trang thiết bị hoạt động cho các đoàn nghệ thuật truyền thống… với tổng kinh phí gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời trong thời điểm những thiết chế văn hóa cần thiết hỗ trợ cho nghệ thuật truyền thống phát triển đang thiếu hụt; trang thiết bị ngày càng lạc hậu, xuống cấp.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực văn hóa kiến nghị để Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 2016-2020 phát huy tối đa hiệu quả, các ban, ngành liên quan cần xác định được đơn vị trọng tâm, cần thiết để ưu tiên đầu tư trước, mức độ, cách thức đầu tư phù hợp, bảo đảm công trình, hạng mục hoạt động hiệu quả, lâu dài, tránh tình trạng nơi đầu tư lớn không khai thác hết tính năng “nơi ăn đong từng bữa” hoặc phải “đắp chiếu”, còn đơn vị nghệ thuật vẫn tiếp tục đi diễn nhờ. Nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Bùi Xuân Tiến cho biết: Để tránh tình trạng nêu trên, điều kiện tiên quyết là xác định thực trạng thiếu, thừa cơ sở vật chất của các đơn vị để điều chỉnh cho sát với thực tế nhu cầu và mục đích sử dụng. Khi tiến hành thiết kế, các đơn vị liên quan cần tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ, diễn viên vì họ là người rõ hơn ai hết điều kiện, yêu cầu phù hợp cho loại hình, hoạt động biểu diễn của mình.

Chất lượng xây dựng cũng là điều nhiều nhà hát quan tâm khi trong thực tế đã có không ít công trình: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Chèo Kim Mã… được đầu tư hoành tráng nhưng chất lượng không tương xứng. Nhiều chuyên gia kiến nghị: Cần có đội ngũ thiết kế công trình chuyên cho lĩnh vực biểu diễn, đặc biệt là thiết kế sân khấu, âm thanh, hạng mục có giá trị quyết định tới hiệu quả hoạt động của nhà hát, đồng thời cần tăng cường giám sát đơn vị thi công cũng như có các chế tài xử phạt đối với những công trình xây dựng không bảo đảm.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top