TP. Điện Biên Phủ

Từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng

09:05 - Thứ Tư, 13/09/2017 Lượt xem: 6476 In bài viết
ĐBP - Nhà văn hóa (NVH) cộng đồng là một thiết chế văn hóa quan trọng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Thời gian qua, hệ thống NVH cộng đồng đã và đang được TP. Điện Biên Phủ quan tâm đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ còn 76/164 tổ dân phố, bản chưa có NVH cộng đồng; trong khi một số NVH cộng đồng khác đã xuống cấp, hoặc quy mô nhỏ hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt, học tập của người dân trong tổ dân phố. Các phường có tỷ lệ tổ dân phố, bản có NVH cộng đồng thấp, là: Mường Thanh (37%), Tân Thanh (44%), Nam Thanh (52%). Trước thực trạng trên, TP. Điện Biên Phủ đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Trước hết, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể, UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về ý nghĩa của việc phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Qua đó, nhân dân hiểu, đồng thuận và tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng và sử dụng hiệu quả các NVH. Trong 2 năm (2015 - 2016), thành phố có 18 NVH cộng đồng được xây dựng mới với tổng kinh phí 20,97 tỷ đồng. Trong đó, 10 NVH do nguồn vốn Tái định cư Thủy điện Sơn La đầu tư xây dựng tại phường Noong Bua; 8 nhà văn hóa do ngân sách thành phố và nhân dân đóng góp xây dựng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, đến nay 9/9 xã, phường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có NVH; khoảng 50% tổ dân phố, bản có NVH cộng đồng. Các nhà NVH cộng đồng tổ dân phố, bản cơ bản đáp ứng được nhu cầu hội họp, phổ biến, học tập các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật... của cộng đồng dân cư. Nhà văn hóa cộng đồng còn là nơi luyện tập, biểu diễn, thi đấu của các nhóm, đội, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao quần chúng. Bởi vậy, khi NVH tổ dân phố, bản được xây dựng ngày càng nhiều thì phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở các thôn, bản cũng phát triển mạnh hơn, thể hiện qua số lượng các câu lạc bộ ngày càng tăng. Tại các NVH cộng đồng trên địa bàn thành phố hiện có trên 200 đội văn nghệ quần chúng duy trì hoạt động, góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ được trao truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau, bảo đảm tính kế thừa tinh hoa văn hóa các dân tộc. Bà Nguyễn Thị Thơm, tổ dân phố 4, phường Noong Bua, cho biết: Nhiều năm qua, NVH đã trở thành điểm hội họp quen thuộc của người dân trong tổ dân phố. Mỗi lần họp phố hay sinh hoạt chi bộ, tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề; luyện tập, biểu diễn văn nghệ… đều được tổ chức ở đây. Nhờ đó, không chỉ gia đình tôi mà các hộ khác trên địa bàn được nâng cao hiểu biết mọi mặt, nhất là về xây dựng đời sống văn hóa ở gia đình, khu dân cư; tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế... để từng bước chất lượng cuộc sống.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top