Truyện ngắn

Hạnh phúc tuổi già

09:35 - Thứ Năm, 14/09/2017 Lượt xem: 4375 In bài viết
ĐBP - Sau chiến thắng Hòa Bình, cuối năm 1953 từ nơi đóng quân Trịnh Văn Hoàng cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên chiến trường Ðiện Biên Phủ, anh được biên chế vào đại đội pháo binh 75mm. Hoàng phấn khởi, tự hào lắm; anh tự hứa với lòng mình nhất định sẽ chiến đấu dũng cảm, cùng đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc.

Không ngờ đó mới chỉ là ước mơ, Hoàng không có tên trong danh sách pháo thủ mà được bổ sung làm tổ trưởng tổ nuôi quân. Hàng ngày cũng khoét núi đào hầm, nhưng chỉ để tạo ra cái bếp đun không khói ở xa trận địa. Ngày hai bữa nấu cơm xong mỗi người trong tổ lại cõng những bao tải đầy trong có cơm nắm, cá khô nướng, mắm kem... lên trận địa phân chia cho các pháo thủ. Tối hôm ấy, sinh hoạt đại đội, máu thơ trong người lại nổi lên, Hoàng đọc mấy câu lục bát, tạm nói là loại thơ sốt dẻo với hàm ý không được vinh dự trực tiếp chiến đấu như các pháo thủ:

“Pháo thủ chiến đấu đào hầm,

Còn tôi đào bếp Hoàng Cầm cũng oai...”

Kết thúc bài thơ tiếng vỗ tay nổi lên đôm đốp. Hay, thơ anh nuôi thế mà hay. Ông chính trị viên đại đội vỗ vai Hoàng, bảo: “Thơ ngắn gọn, mộc mạc lại sát với nhiệm vụ chính trị, có sức cổ vũ mạnh mẽ”. Ông bắt tay anh, cười rất vui rồi móc túi ra bao thuốc lá tặng tác giả.

... Trên thượng nguồn sông Ðà sấm vang rền, mây đen ùn ùn kéo về, trận địa trong đêm tạm lắng xuống. Về lán trú quân, Hoàng bóc ngay bao thuốc chia cho tổ anh nuôi mỗi người một điếu. Sau đó dán kín, lấy giấy báo gói cẩn thận cho vào túi áo. Trưa hôm sau đem cơm lên trận địa Hoàng lại chia thuốc lá cho các pháo thủ, coi như một phần thưởng quý lắm. Lúc này được bắn một điếu thuốc lào, hít một hơi thuốc lá còn hơn... liều thuốc bổ. Cuộc đối đầu bằng bom đạn, máu và lửa qua 56 ngày đêm kết thúc, trên chiến trường chỉ còn lại những xác máy bay, xe tăng, đại bác địch, những căn hầm đổ nát, những chiến hào bị đạn pháo ta băm nát từng đoạn. Ðoàn tù binh cầm cờ trắng kéo dài hàng cây số, toàn bộ tướng tá bộ tham mưu Pháp được dẫn giải về nơi bí mật nào đó để lấy cung.

Những bao tải cơm nắm, cá khô, mắm kem của tổ anh nuôi Trịnh Văn Hoàng góp phần không nhỏ làm nên đại thắng Ðiện Biên Phủ ngày ấy. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân ngũ, Hoàng chuyển ngành, đi học Sư phạm cấp I mấy năm và hơn mười năm sau anh trở thành thầy hiệu phó của một trường tiểu học vùng lòng chảo Mường Thanh. Cảm hứng về thơ mai một dần, hiếm hoi lắm anh mới làm vài câu thơ vườn động viên học sinh trong các buổi sinh hoạt lớp. Gắn bó với sự nghiệp “trồng người” hơn mười năm nữa thì thầy giáo Trịnh Văn Hoàng phải nghỉ hưu sớm vì bệnh sốt rét rừng, sức khỏe giảm sút và vết thương ở đầu gối chân bên phải khiến anh đi lại hết sức khó khăn.

... Lương hưu lúc đó chỉ đủ mua gạo, phải bươn chải, lo toan trăm thứ mới đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Tuy nhiên vận may lại đến, đó là lúc anh Trịnh Văn Hoàng ngày nào giờ là một người cao tuổi, có nhiều thời gian để sống thanh thản hơn, thư giãn giao lưu với bạn văn chương hơn... Máu nghệ sĩ lại thôi thúc bừng bừng như lửa cháy. Ðêm đêm, ông ngồi nhâm nhi chén rượu ngâm mật ong để tìm tòi quá khứ, lấy lại cảm xúc với thơ. Trong cái túi lưu giữ các kỷ vật, vẫn còn nguyên vẹn ba quyển sổ tay ghi chép hơn một trăm bài thơ ông yêu thích từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Gần năm mươi năm qua rồi, nét chữ mềm mại, nắm nót và màu mực tím vẫn còn tươi. Ðây là vật quý hơn các vật quý trong đời còn lưu giữ được. Lúc vui ông hứng chí bảo với các con: Khi nào ông chết, con cháu khâm niệm thì phải nhớ bỏ các quyển sổ ghi thơ vào quan tài để làm bạn đồng hành cùng với ông đi đến một thế giới xa xăm nào đó. Không cần biết ở nơi ấy có thịnh hành thơ? Ðêm khuya ông lại ngồi với ngọn đèn, sáng tác được mấy chục bài thơ phần nhiều theo thể lục bát. Những bài thơ ông tâm đắc nhất đã gửi cho các tòa soạn trong tỉnh, trong đó một số bài được in. Thế là ông đã có mặt trên “văn đàn” bên cạnh tên tuổi của các nhà thơ đã ít nhiều thành danh trong tỉnh.

Khoản nhuận bút đầu tiên ông Hoàng coi đây là bông hoa thơm đầu mùa, mỗi người thưởng thức một tí mới hay! Hơn hai trăm ngàn được ông mua hết bánh, kẹo, chè, thuốc. Tối hôm ấy họp tổ dân phố bàn về giải phóng mặt bằng, người đến dự đông lắm. Ông trưởng phố hai tay nâng một gói to bọc giấy đỏ và trịnh trọng nói rằng: “Ðây là quà tặng của nhà thơ Trịnh Văn Hoàng vừa mua được bằng tiền nhuận bút thơ”. Chỉ mấy lời giản dị thế thôi mà tác giả Trịnh Văn Hoàng rung động đến tận đáy con tim. Mọi người gần như đồng thanh đề nghị nhà thơ Trịnh Văn Hoàng trình bày cho bà con nghe mấy bài thơ do ông sáng tác, trước khi cuộc họp phố bước vào phần nội dung chính. Công bằng mà nói thì ông Hoàng cũng có chút năng khiếu làm thơ. Ðến với cuộc họp là ông nắm bắt ngay nội dung và có ngay bài thơ sát thực để tuyên truyền cổ động, như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, không lấn chiếm vỉa hè làm chỗ bán hàng... Tại một đám hiếu nghèo được tổ dân phố giúp đỡ lo liệu, ông Hoàng cũng có ngay bài lục bát nội dung mời tang chủ nhận tiền phúng viếng và thay mặt tang chủ cảm ơn bà con xóm phố đã đến phân ưu. Rồi với cái giọng thuốc lá đá thuốc lào, ông vừa đọc vừa ngâm, nghe ra cũng lâm ly, thống thiết lắm.

Bẵng đi một thời gian, trong các cuộc họp phố vắng bóng ông Hoàng. Mọi người thấy buồn, thấy nhớ, có cảm giác hình như cuộc họp thiếu cái gì đó thì phải. Ngay cả ngày hội tòng quân tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng vắng hẳn tiếng thơ của thi nhân họ Trịnh. Mãi đến hơn một tháng sau, trưởng phố mới chính thức thông báo: Ông Hoàng bị đau dạ dày phải vào viện điều trị, bệnh không nặng nhưng do tuổi cao nên sức yếu lắm! Vậy là, hôm sau và những hôm sau nữa, từng nhóm bà con trong phố góp tiền mua hoa quả, đường sữa vào bệnh viện thăm ông. Nói dại, ông Hoàng có mệnh hệ gì thì cả phố sẽ buồn, sẽ nhớ, sẽ thương ông nhiều lắm! Qua gần một tháng điều trị ông Hoàng mới được ra viện, sức còn yếu, da xanh như tàu lá. Nhưng ngay cuộc họp tối hôm đó bàn về xây dựng phố văn hóa, ông Hoàng đã có mặt. Mọi người vây quanh hỏi han bệnh tình, khuyên ông cố gắng giữ gìn sức khỏe. Ðám thanh niên công kênh ông lên, nói: “Bố đi viện gần một tháng chúng con buồn như mất người yêu vậy. Hôm nay bố lại đọc thơ đi, bài thơ nào của bố chúng con cũng thuộc mấy câu đấy!”...

Chiều qua ông Hoàng nhận giấy mời đi dự tọa đàm nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tổ chức. Ông định bụng sẽ ngâm một bài thơ tình của Nguyễn Bính và đọc một hoặc hai bài thơ do ông sáng tác nội dung về ngày 8/3. Chương trình tọa đàm dành 30 phút văn nghệ chào mừng, gồm những tiết mục “cây nhà lá vườn” do chính các bà, các chị, các cô trong phường thể hiện. Bà chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường giới thiệu và mời tác giả Trịnh Văn Hoàng lên góp vui. Sau ngày ra viện, các loại dinh dưỡng, thuốc bổ ngấm dần vào cơ thể, da dẻ ông hồng hào hơn lên. Với nụ cười trên khóe mắt chân chim, ông Hoàng bước ra sân khấu trong bộ trang phục cựu chiến binh, nổi bật nhất là chiếc “cà vạt” màu đỏ có băng cài óng ánh. Trừ một số đại biểu lãnh đạo phường là nam giới, còn lại khán phòng hầu hết là nữ, họ đang đợi chờ điều gì đó thật hào hứng, thật vui tươi. Tiếng vỗ tay rào rào động viên khích lệ, kinh nghiệm ngâm thơ của ông thật tinh tế, tất cả tập trung vào câu kết làm người nghe thấm thía đến tận đáy lòng. Bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường ôm một bó hoa lên tặng và bắt tay ông thật chặt, trong bó hoa còn cài thêm cái phong bì. Lại vỗ tay, lại thầm thì ngợi khen. Ông Hoàng đứng thừ người một lúc, chợt nghĩ sao mà văn thơ lại có sức truyền cảm, thu hút tâm hồn người ta đến thế?...

Phía dưới trong hàng khán giả, bà Bình vợ ông chắc là có phần hãnh diện vì chồng. Sau cuộc tọa đàm, về nhà bà Bình như hoạt bát hơn lên. Chả ai hỏi gì nhưng bà cứ khơi khơi như thể “tự khai” ra. Bà bảo, vợ chồng gần nửa thế kỷ đầu gối tay ấp, nay nghe ông ấy ngâm thơ qua chất giọng biết sức khỏe ông ấy đang dần bình phục chứ chưa đến nỗi nào. Hồi tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trong các cuộc thi vật ông Hoàng thường vô địch đại đội, có lần còn được thay mặt đại đội đi thi đấu ở cấp tiểu đoàn. Nhưng các cụ nhà mình đã bảo “mỗi năm một tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi”, hơn tám mươi tuổi rồi sức khỏe là quý lắm. Còn có cuộc sống lạc quan như ông Hoàng hiện giờ chính là hạnh phúc trời cho - Hạnh phúc của tuổi già!...

Nguyễn Anh Quốc
Bình luận
Back To Top