Số hóa các tư liệu di sản Hát Xoan

16:21 - Thứ Ba, 19/09/2017 Lượt xem: 6422 In bài viết
Làm thế nào để bảo tồn các di sản văn hóa và quảng bá rộng rãi tới cộng đồng luôn là câu hỏi lớn đối với những người làm công tác quản lý. Và một trong những giải pháp thích hợp nhất trong điều kiện hiện tại chính là tư liệu hóa, số hóa di sản.

Số hóa di sản văn hóa không phải là việc làm mới đối với nhiều nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng, đến nay các phương án số hóa mới bước đầu được các đơn vị triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của dân tộc.

 

Biểu diễn Hát Xoan.

Là di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận nhưng Hát Xoan Phú Thọ vẫn đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bởi vậy, việc đề ra những giải pháp cụ thể để sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan Phú Thọ nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị di sản văn hóa; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng nằm trong chương trình hành động quốc gia. Đứng trước thực trạng đó, Bảo tàng Hùng Vương đã triển khai thực hiện dự án “Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan”.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, dự án đã hoàn thiện, các tư liệu hát xoan được đưa lên mạng tại địa chỉ http://baotanghungvuong.vn/hatxoan. Được tiến hành theo 4 bước: Tiến hành nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật về di sản Hát Xoan tại các cơ quan lưu trữ Trung ương và địa phương như: Viện Âm nhạc Việt Nam, Viện Văn hóa Việt Nam, Thư viện tỉnh, Bảo tàng Hùng Vương… Đến nay, Dự án đã sưu tầm được 5 bài bản hát xoan chữ Hán, chữ Nôm; 30 băng đĩa ghi hình, băng ghi âm, ghi hình điền dã trong thời gian lập hồ sơ hát xoan; 200 ảnh tư liệu hát xoan tại Hà Nội và những năm 70 của thế kỷ 20 và nhiều tư liệu quan trọng khác.

Dự án sưu tầm tư liệu, hiện vật tại gia đình các nghệ nhân ở 4 phường xoan gốc, thuộc xã Kim Đức, Phượng Lâu của thành phố Việt Trì, 23 câu lạc bộ hát xoan và dân ca Phú Thọ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Lương Nguyên, Cao Khắc Thùy, Tú Ngọc; nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài kỹ thuật số VTC, Báo Phú Thọ, Đài phát thanh-truyền hình Phú Thọ...

Sau khi tập hợp, các hiện vật và tư liệu sưu tầm được đưa vào bộ phận kho kiểm kê -bảo quản để phân loại, xử lý tư liệu, hiện vật. Các tư liệu sau khi đã biên soạn nội dung được nhập vào phần mềm quản lý tra cứu gồm địa điểm, không gian văn hóa, nghệ thuật trình diễn, bảo tồn và phát huy, nghệ nhân, người truyền dạy, lịch sử và phong tục, bài bản hát xoan, ảnh tư liệu, video, hiện vật, văn bản, tư liệu nghiên cứu.

Để việc số hóa di sản hát xoan đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Bảo tàng Hùng Vương và các nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra, sưu tầm, kiểm kê tư liệu di sản hát xoan trong và ngoài tỉnh; khảo sát, gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân cũng như các cộng đồng lưu giữ di sản văn hóa hát xoan; sao chép các tài liệu về văn hóa hát xoan bằng máy quay phim HD, DVCAM, máy ảnh kỹ thuật số, băng, đĩa ghi âm để lưu giữ tại các cơ quan Trung ương và địa phương như Viện âm nhạc Việt Nam, Bảo tàng Hùng Vương, Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; khai thác kiến thức, kỹ năng hát xoan của các nghệ nhân cùng với lý lịch cá nhân của họ để thu băng, quay phim, chụp hình...

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top