Xòe kiểu Nguyễn

09:27 - Thứ Năm, 21/09/2017 Lượt xem: 6986 In bài viết
ĐBP - “… Ngoài sàn múa xòe kia, tiếng thác sông Ðà vẫn xô đá ào ào. Và trong đêm tiệc, máu đồng trinh cứ rỏ theo bước đi của đôi chân khiêu vũ, cô gái xòe cứ giẫm lên máu mình mà múa, rồi máu tươi ấy khô dần một đống trên một cuộc đời đã biến thành cái đệm, lớp máu đêm sau đóng vẩy lên lớp máu đêm trước, và cứ thế, cứ thế...”

Ðọc lại những dòng này, tôi lại thổn thức, có cái gì đó nặng như âm khí đang vật vã theo dòng thời gian, tiếng thác sông Ðà, để rồi bất chợt ào lên bầu trời ban trắng…  Ðó, có thể đó là oan hồn của những cô gái xòe từ 60, 70 năm trước dồn tụ. Người nhìn thấy, cảm thấy, bắt lấy nó, xoay bốn chiều nước mắt… không ai có thể khác được Nguyễn Tuân trong tùy bút “Xòe”.

Nguyễn Tuân là một trong số những nhà văn viết nhiều về Tây Bắc. Nói về Tây Bắc ngày xưa, không ai không xúc động về cái chế độ áp bức bóc lột có tính trung cổ của bọn thực dân phong kiến đối với nhân dân lao động các dân tộc Thái, Mèo… Tô Hoài đã viết Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Miền Tây…. Ông phát hiện tội ác vô cùng dã man của những thống lý Pá Tra, A Sử… đối với những con người lao động chất phác, đáng yêu như Mỵ, A Phủ… Họ phải sống lầm lũi trong tăm tối, trong lao động khổ sai, trong cùm xích và dưới những trận mưa roi vọt của bọn chúa đất.

“Xòe” của Nguyễn Tuân cũng viết về Tây Bắc ngày xưa và cũng nhằm thể hiện một chủ đề - Lập bản án về chế độ áp bức bóc lột dã man của bọn thực dân phong kiến đối với nhân dân lao động. Nhưng nếu Tô Hoài tố khổ cho anh trai cày A Phủ, cho cô Mỵ làm nương làm rẫy, xe vải dệt sợi thì Nguyễn Tuân tố cáo tội ác của bọn thống trị đối với những cô gái xòe. Ðây chính là một phương diện của phong cách Nguyễn Tuân, đối tượng và cái  nhìn của mình luôn nghiêng về phương diện tài hoa nghệ sỹ.

Xòe, các cô gái xòe thực tế đều  rất đẹp. Vào Nguyễn, sức hút của cái đẹp lên gấp bội phần, bởi nhà văn luôn đẩy con người, sự vật về thái cực của nó. Ðẹp thì đẹp đến mê hồn, như con sông Ðà (trong Người lái đò sông Ðà) - “Sông Ðà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu chân tóc chân mây bung nở những hoa ban, hoa gạo tháng ba và mù khói Mèo đốt nương xuân”. Dữ dội thì đến khủng khiếp…

Con gái Thái vốn đẹp, cái đẹp do thiên nhiên, lao động ban tặng. Các cô gái xòe là đẹp nhất. Nguyễn, bắt đầu từ cái gốc nền Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu), lâu đài thơ ca văn học Thái, đẹp nhưng buồn đau, để thấy ngay - Tập truyện thơ giăng màn ra biết bao nhiêu là áng mây buồn mây sầu. Cái đẹp của dân vũ hòa quyện núi rừng, bản mường, nương rẫy, con suối, nhà sàn… không còn nét hồn nhiên nữa.

Cái đẹp của con gái, của xòe ấy dưới chế độ cũ lại trở thành một cái oan khiên tai vạ. “Trước khi Tây Bắc được giải phóng thì xòe chưa hẳn là và không thể nào là một niềm hoan lạc chân túy trong xã hội Thái”.

Theo mạch những đau thương, tai ương mà xòe “mang lại”, Nguyễn Tuân có những trang nước mắt.

Ðây là nỗi đau của bà mẹ có con xòe giỏi… “Chao ôi, có ai thích xòe đã nghe thấy cái tiếng thở dài ấy của bà mẹ Thái, nó buồn hơn cả cái tiếng vật mình của cối nước giã gạo đêm”. Và đây là cái tết của những cô gái xòe: “Cái tết của cô gái xòe ở nhà chúa đất Tây Bắc sao mà nó dài quá. Tiệc rượu phải hầu đứng, chỉ được uống không được ăn, máu dồn xuống chân, buồn thương mà phải cười, nước mắt cay nồng mùi men, chân múa tay múa mà lòng cô xòe, đội xòe để ở những đâu đâu”.

Nguyễn Tuân đã thấy rằng - Xòe như một thứ tô nghệ thuật, một hình thức phu phen tạp dịch.

Ðã là chúa đất, là đại địa chủ miền núi, là chạo phen đin, là chạo phen căm thì đều có đội xòe riêng, làm vua làm quan to thì nhiều đội, làm quan nhỏ thì một đội.

Làm thân con gái đội xòe, bố mẹ coi như mất con, bản thân các cô, mười phần chết chín, chỉ còn cái hình nhân lên xuống, nhịp chân, vòng tay vô hồn.

Cận cảnh trong “Xòe”, ấy là chốn địa ngục trần gian Ðèo Văn Long. Nguyễn Tuân viết: Ở nhà xòe Ðèo Văn Long, cô gái xòe đêm lạnh chỉ quấn một cái chăn, đúng cái chăn đế quốc ngày xưa vẫn phát cho tù, nhưng đã có nhiều đêm có tiệc rượu nhảy, cô xòe đội xòe Ðèo Văn Long đã bị cưỡng bức biến thành một cái đệm sống để cho quan khách nhà họ Ðèo nằm lên. Sau khi cả bố con nhà nó đã tranh nhau mà đè lên, thì nghệ thuật xòe đã thành một cái nệm lót từ tay Ðèo Văn Long đưa đến cho các quan tướng bù nhìn. Người đọc thấm nỗi khổ thân xác cụ thể của các cô gái xòe, căm phẫn cái tàn ác của chế độ Ðèo Văn Long… để rồi quanh mãi cái vòng xoáy “Nghệ thuật” và “Cái nệm lót”. Ðau xót đến tận cùng, cái đẹp nghệ thuật của dân gian, của cộng đồng biến thành thứ đồ chơi. Ðau hơn khi cùng Nguyễn cứ chậm chậm đi vào ngõ ngách xòe. Những cô gái xòe cụ thể, những cô gái xòe biểu tượng tất cả để khắc cốt ghi tâm, tội ác của thực dân, phong kiến tay sai.

Thời gian đã xanh lên những hố bom, những thương đau thành truyện cổ tích. Xòe lại chộn rộn bản mường, huyện tỉnh những dịp lễ lạt, kỷ niệm... Xòe trở về nguyên nét đẹp, nghệ thuật đích thực. Quanh vòng xòe Thái, trong tay ấm bàn tay, người già kể chuyện xòe xưa, người trẻ nhìn nhau yêu thương có lửa, du khách gần lại kết nối tình thân. Quanh tùy bút “Xòe” cùng Nguyễn Tuân, ta lại càng thêm yêu quí loại hình nghệ thuật dân gian chỉ có ở xứ Thái này.

(Ðọc lại “Xòe” của Nguyễn Tuân)

Du An
Bình luận
Back To Top