Đưa dấu ấn văn hóa vào từng động tác múa

16:07 - Thứ Hai, 02/10/2017 Lượt xem: 6855 In bài viết
Liên hoan Múa quốc tế năm 2017 được tổ chức thành công với nhiều dấu ấn, bài học kinh nghiệm để lại cho những người làm nghề trong tiếp cận, vận dụng những kỹ thuật mới kết hợp với yếu tố truyền thống, văn hóa.

Liên hoan Múa quốc tế 2017 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vừa tổ chức tại Ninh Bình đã để lại nhiều ấn tượng với công chúng và những người làm nghề. 

 

Tiết mục Nấm báo Mưa của Trường cao đẳng múa Việt Nam đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Múa quốc tế 2017.

So với lần đầu tiên tổ chức tại Thừa Thiên Huế năm 2014, Liên hoan Múa Quốc tế 2017 quy tụ đông đảo các đơn vị múa hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự với hơn 500 nghệ sĩ đến 15 quốc gia.

Gần 100 tác phẩm múa được biểu diễn với nhiều phong cách nghệ thuật múa như múa dân gian dân tộc, múa dân gian đương đại, múa cổ điển châu Âu, múa hiện đại... đã vẽ lên một bức tranh múa nhiều màu sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa từng quốc gia.

NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan nhận định: Dù khác biệt về tiếng nói, nhưng qua ngôn ngữ múa ở từng tác phẩm, công chúng đã được thưởng thức những giá trị nghệ thuật múa của quốc gia ASEAN như Indonesia, Myanmar, Malaysia, Phillippines, Singapore, Campuchia hay các quốc gia xa xôi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Colombia và Nga.

Mỗi tác phẩm là sự kết hợp giữa âm nhạc và kỹ thuật múa điêu luyện, được sắp đặt trong một chỉnh thể hài hòa. Qua đó thể hiện đặc điểm, tính chất của từng thể loại múa khác nhau, chứa đựng xu hướng thẩm mỹ đương đại. Và phản ánh năng lực sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong lựa chọn ý tưởng, đề tài, nội dung.

“Qua Liên hoan, chúng tôi nhận thấy khả năng vận dụng chất liệu múa dân gian dân tộc để cấu tạo, xây dựng và phát triển ngôn ngữ múa trong mỗi tác phẩm. Đó là dấu hiệu tích cực về sự biến đổi của nghệ thuật múa trong xây dựng ngôn ngữ múa dân tộc kết hợp hiện đại. Các biên đạo luôn trân trọng các giá trị ngôn ngữ múa truyền thống của dân tộc làm cơ sở để phát huy trong hơi thở thời đại ngày nay”, NSND Phạm Anh Phương chia sẻ.

Tham dự Liên hoan, nước chủ nhà Việt Nam góp mặt với 9 đoàn nghệ thuật múa của các tỉnh, thành phố, đoàn múa của các nhà hát Trung ương, các trường văn hóa-nghệ thuật và một số đoàn múa tư nhân. Liên hoan ghi nhận sự phát triển về đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo, chất lượng nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao của các đoàn nghệ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, một liên hoan nghệ thuật mang tầm quốc tế, nhưng chủ yếu chỉ có sự tham gia của những đơn vị nghệ thuật ở khu vực miền núi phía bắc và khối đào tạo mà thiếu đi những đơn vị múa đầu ngành như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc… Điều này sẽ khó mang lại cái nhìn toàn cảnh về diện mạo múa Việt Nam và không phô diễn hết những tinh hoa nghệ thuật múa nước nhà tới bạn bè thế giới.

Thêm vào đó, Liên hoan lại vắng bóng những hoạt động bên lề như các cuộc trao đổi kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm sáng tạo, ngôn ngữ múa truyền thống của nghệ thuật múa các nước. NSND Phạm Anh Phương mong muốn các liên hoan tiếp theo có thêm những cuộc thảo luận theo chủ đề giữa các nhóm sáng tạo, nhóm nghệ sĩ biểu diễn.

Nhận xét về chuyên môn, biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng: Điểm chung của các đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan lần này là vận dụng yếu tố dân gian, dân tộc truyền thống trong tiết mục dự thi để tạo điểm nhấn bản sắc. Một số tiết mục của các đoàn như Philippines, Trung Quốc hay Hàn Quốc, có thể nhận thấy ngay dấu ấn văn hóa quốc gia trong từng động tác múa. Chất dân gian, dân tộc được các đoàn giữ lại gần như nguyên bản, cho nên chỉ cần bước ra sân khấu, có thể biết ngay họ đến từ quốc gia nào.

Trong khi đó, mặc dù vẫn thể hiện được sự khéo léo, tinh tế trong từng động tác thể hiện, nhưng dường như yếu tố dân gian, dân tộc của các tiết mục múa Việt Nam bị biến tấu quá nhiều, dẫn đến tính truyền thống bị lu mờ. Liên hoan lần này cũng là dịp để rút ra những bài học khi đưa nghệ thuật múa Việt đến với các sân chơi quốc tế. Đó là bên cạnh việc tiếp cận, vận dụng những kỹ thuật mới, yếu tố truyền thống cần được đẩy mạnh hơn nữa, có vậy múa Việt Nam mới khẳng định tốt hơn vị thế của mình trên hành trình hội nhập.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top