Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Còn nhiều việc phải làm

08:38 - Thứ Tư, 11/10/2017 Lượt xem: 4802 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDÐKXDÐSVH) trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân… Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, phong trào vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong thời gian tới…

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phong trào TDÐKXDÐSVH tỉnh, trong những năm qua, BCÐ đã tham mưu, ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, công văn triển khai, thực hiện phong trào trên địa bàn và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, nếu như năm 2011 toàn tỉnh có 59.113/104.114 gia đình văn hóa (đạt 56,8%) thì đến năm 2016 có 69.055/119.614 gia đình văn hóa (đạt 58%). Cũng đến năm 2016, toàn tỉnh có 963/1.813 thôn, bản, tổ dân phố đạt văn hóa (đạt 53%); 1.129/1.303 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (86,6%); 3.970/4.315 đám cưới thực hiện nếp sống văn minh. Ðến nay, toàn tỉnh có 4/116 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 3,4%); 4/14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 28,6%)... Những kết quả đó có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của tỉnh, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

 

Ðội văn nghệ bản Him Lam 2, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Ảnh: Sầm Phúc

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào TDÐKXDÐSVH, do đồng chí Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn, Ban chỉ đạo phong trào tỉnh đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong thời gian tới. Một vấn đề có thể dễ dàng nhận thấy là phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, các khu vực. Tại một số địa phương các nội dung phong trào chưa được triển khai đầy đủ, chưa sâu sát hoặc mới chỉ dừng lại ở việc phát động và ban hành văn bản điều hành; nhận thức của một số cán bộ, nhân dân còn hạn chế ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai phong trào tại cơ sở. Như tại huyện Mường Chà, Ban chỉ đạo phong trào ở một số xã chưa phát huy vai trò, trách nhiệm đối với phong trào dẫn đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia còn hạn chế; công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên còn chậm. Không chỉ vậy, cán bộ văn hóa ở một số xã chưa chú trọng công tác tham mưu, triển khai thực hiện, chế độ thông tin, báo cáo chưa kịp thời, gây khó khăn đến việc tổng hợp số liệu ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phong trào. Cùng với đó là việc bình xét công nhận gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ. Bản văn hóa phải đạt từ 90 điểm trở lên, nhưng trong thực tế tại huyện Mường Nhé rất khó có bản đạt được số điểm này vì không đảm bảo đủ các tiêu chí; có bản tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ người có việc làm, thu nhập ổn định thấp... Một số bản văn hóa chưa có tổ vệ sinh thường xuyên thu gom rác thải, tỷ lệ hộ có 3 công trình hợp vệ sinh (nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh) chưa cao hơn mức bình quân chung. Tình trạng thả rông gia súc, môi trường bản chưa đảm bảo vệ sinh... vẫn còn khá phổ biến; nhiều tiêu chí nhỏ khác không đạt như chuẩn như quy định.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 7/10 nhà văn hóa huyện, 47/130 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn đạt 36,2%, 400/1.813 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đạt 22,06%... Có thể thấy số lượng các công trình văn hóa còn hạn chế, chưa đạt tới tỷ lệ 50% nên mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa - thể thao cho người dân cơ sở. Cùng với đó là đời sống còn nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu dẫn đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có chuyển biến nhưng chưa triệt để; hiện tượng tảo hôn, không đăng ký kết hôn trước khi cưới vẫn còn tồn tại... Kinh phí cấp cho hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào các cấp còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động.

Một số quy định trong các Thông tư quy định quy trình, thủ tục bình xét các danh hiệu văn hóa trong phong trào TDÐKXDÐSVH của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa phù hợp với điều kiện thực tế, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể như tại khoản c, mục 1, Ðiều 7, Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL quy định thời gian giải quyết thủ tục hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”... là 5 ngày kết từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên thực tế đối với các xã thuộc huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các xã, bản và trung tâm huyện xa, số lượng thôn bản nhiều, vì vậy thời gian quá ít để tiến hành thẩm định công nhận dẫn đến hiện nay đa số các xã thực hiện vẫn chưa đúng quy định.

Có thể thấy, phong trào TDÐKXDÐSVH triển khai trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả tích cực nhưng cùng với đó còn nhiều những hạn chế, khó khăn. Ðể khắc phục những hạn chế đó, đưa phong trào thực sự đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm, trong đó điều quan trọng nhất không chỉ sự cố gắng nỗ lực của Ban chỉ đạo phong trào mà còn phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top