Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Vẻ đẹp người phụ nữ trong thơ Tố Hữu

10:01 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 11752 In bài viết
ĐBP - Người phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng dạt dào và xuyên suốt trong thơ Tố Hữu. Viết về người phụ nữ, nhà thơ vừa nhằm tuyên truyền, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân; vừa tái hiện những năm tháng kháng chiến gian lao mà hào hùng, vẻ vang của dân tộc và ca ngợi những phẩm chất cao đẹp cũng như khắc ghi công lao to lớn của người phụ nữ đối với cách mạng, với đất nước.

Người phụ nữ trong thơ Tố Hữu vẫn mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao quý như nhân hậu, đảm đang, giàu lòng yêu nước; đồng thời tâm hồn họ còn được thổi vào luồng gió của thời đại, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lý tưởng cộng sản. Người mẹ trong bài thơ Bà má Hậu Giang là một hình mẫu khá tiêu biểu cho người phụ nữ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp với sự hội tụ của nhiều phẩm chất đáng quý: nhẫn nại, dũng cảm, gan góc…

Lưỡi gươm lạnh toát kề hông

“Các con ơi, má quyết không khai nào!”

Sức đâu như ngọn sóng trào

Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây…

“ Tao già không sức cầm dao

Giết bay, có các con tao trăm vùng…

Cũng giống như Bà má Hậu Giang, bài thơ Mẹ Tơm đã gợi lại những năm tháng khó khăn, gian khổ của cách mạng vào thời kỳ đầu. Nổi bật lên giữa cái nền u ám của chế độ thực dân ấy là hình ảnh đẹp đẽ, đầy lạc quan của mẹ Tơm - một người mẹ nghèo, cực khổ nhưng có một lòng nồng nàn yêu nước:

Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật

Buồng mẹ - buồng tim giấu chúng con

Mỗi khi chó sủa… làng bên động

Bóng mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn

Hình ảnh so sánh rất gợi hình, gợi cảm Buồng mẹ - buồng tim đã thể hiện tình cảm hết lòng vì cách mạng, vì Ðảng của người mẹ nghèo. Từ Buồng mẹ - buồng tim ấy, có biết bao người con ưu tú của Ðảng đã trưởng thành, ra đi hoạt động cách mạng. Và trong những tháng ngày gian khổ đó, đã có không biết bao nhiêu mẹ Tơm ở trên khắp đất nước này đã dũng cảm, kiên cường, hết lòng bảo vệ Ðảng, bảo vệ cách mạng. Tất cả những người phụ nữ ấy đều hết sức bình dị và đều có “trái tim như ngọc sáng ngời”.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp, bên cạnh hình tượng nổi bật là anh Vệ quốc thì trong thơ Tố Hữu thời kỳ này vẫn luôn có sự xuất hiện hình ảnh những người phụ nữ. Họ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, ở nhiều vùng quê và tham gia kháng chiến với những công việc khác nhau. Bài thơ Phá đường diễn tả không khí kháng chiến thật sôi nổi của chị em phụ nữ trong việc đi phá đường, ngăn chặn bước chân quân xâm lược. Nhịp thơ nhanh, giọng thơ khoẻ khoắn, vui tươi thể hiện tinh thần phấn khởi, khẩn trương của người đi kháng chiến.

Lắng sâu hơn là những vần thơ ca ngợi các bà mẹ, bà bầm, bà bủ… Trong bài thơ Bầm ơi là người mẹ nghèo, lam lũ nhưng yêu nước, thương bộ đội. Các mẹ đã nuôi dưỡng các anh Vệ quốc bằng tất cả tình thương yêu, bằng niềm tin tuyệt đối vào Ðảng, vào cuộc kháng chiến.

Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, toàn Ðảng, toàn quân và dân ta đã có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt. Chính vì vậy, khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta càng có cơ sở để tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Niềm tin đó phần nào được thể hiện trong sự lạc quan pha chút hồn nhiên của một người mẹ hoạt động ở một trong những chiến trường ác liệt nhất.

Hình ảnh nữ anh hùng Trần Thị Lý không chỉ tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, nhân dân Việt Nam mà còn đại diện cho nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Và nhân dân trên toàn thế giới đã nhận ra “hình ảnh chân thực” cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, cũng như nhận ra sức mạnh của nhân dân Việt Nam qua bài thơ Bức ảnh.

O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

Ra thế, to gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phải mày râu

Nhà thơ xây dựng hàng loạt hình ảnh tương phản nhằm làm nổi bật hình ảnh đẹp đẽ của nữ du kích, đồng thời lý giải nguyên nhân khiến dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ xâm lược: đó là sức mạnh của lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước nồng nàn…

Bằng những bài thơ chân thực và xúc động, Tố Hữu đã góp phần mình cùng những nhà thơ khác, khắc họa bức chân dung người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” (Hồ Chí Minh). Những phẩm chất truyền thống quý báu đó vẫn được người phụ nữ gìn giữ và phát huy trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trần Văn Lợi
Bình luận
Back To Top