Truyện ngắn

Con nhà giàu

09:22 - Thứ Năm, 26/10/2017 Lượt xem: 3869 In bài viết
ĐBP - Ở cái xứ này, một ngôi nhà cấp bốn có phòng ăn phòng ngủ thôi đã là giàu lắm rồi huống gì cái nhà to đùng những ba tầng, suốt ngày xe hơi đi ra đi vào như nhà thằng Nguyên. Cái xứ cheo leo trên núi, nhà với nhà gần thì cách nhau cái vườn, xa thì cách nhau tới cả cánh đồng, dân cư thưa thớt, người với người chào nhau bằng tiếng cười, bận rộn kiếm kế sinh nhai, duy chỉ có lũ trẻ là rảnh rỗi, suốt ngày bay nhảy. Từ ngày người ở phố kéo về hàng xe tải, chở theo đống gạch đá, rào nguyên cả một khu đất bằng ba bốn cái nhà ở đây cộng lại, dân nơi đây vẫn hay tụm năm tụm ba bàn tán. Thằng Ðăng rót nước cho ba nó rồi ngồi trên cái phản to nghe người lớn nói chuyện:

- Thấy cái khu đất đầu xóm được rào lại chưa? Nghe đâu có anh cán bộ nào ở tỉnh về mua đất xây nhà ẩn dật

- Anh nói hay. Tôi lại nghe mấy anh dưới xuôi bớ nhau là có nhà con buôn nào đó lên đây trốn nợ. Có trốn nợ mới mò lên mảnh đất khỉ ho cò gáy này chứ. Giàu có đáo để lên đây làm gì.

Nhìn mấy chú mấy bác cãi nhau vì chuyện ngôi nhà nào đó trong xóm Ðăng cũng lấy làm tò mò. Nhưng cậu chắc mẩm mình và mấy nhóc sẽ được bộn tiền vì mới chài được anh đốc cho đi khuân gạch kiếm ít ngàn đi chợ. Gạch thì mỗi ngày mang lên một nhiều hơn, ngôi nhà ngày càng to hơn, như một dinh thự ở cái xóm nghèo, và đến độ năm tháng sau thì ngôi nhà xây xong, cái tin đồn ở xóm tưởng đã tắt nay được rộ lên lần nữa. Những đứa nhỏ như Ðăng bu kín cánh cổng cao dễ gấp đôi ba của chúng nhìn thằng nhóc thắt nơ trên cổ tầm tuổi chúng bước ra từ chiếc xe hơi hạng sang đỗ trong sân. Những đứa trẻ sung sướng từ bé định ra quy luật là cuộc sống sống trong nhung lụa. Chúng bước xuống từ những chiếc xe hạng sang nhìn những đứa nhỏ kéo xe bằng đôi mắt khinh khi như cách ba mẹ chúng nhìn những gã phu lái những chiếc xe lam cọc cạch. Những đứa trẻ con nhà giàu chúng trắng còn hơn sữa, ai vô tâm để chúng thấy những đứa trẻ lao động làn da đen nhẻm nhọc nhằn vì nắng. Thằng nhóc ấy tên là Nguyên. Cái nhà giàu đó về nhà và chẳng giao tiếp với một ai, suốt ngày đóng cửa im ỉm. Thi thoảng cái xe hơi lại đi ra đi vào hoặc chị giúp việc xuống tận xuôi đi chợ vì nhất quyết không mua đồ ăn dân núi. Có đôi lúc Ðăng cùng đám nhỏ đi chơi nhìn qua cái cổng cao thấy bên cửa sổ có Nguyên đang ngồi, trông nó hết sức buồn khi chỉ có một mình nhưng ngay khi bắt gặp ánh mắt thương cảm của Ðăng, nó vội cụp mắt xuống kéo rèm lại, Ðăng cũng quay đi chẳng thèm để ý.

Ông Hách mới về làng mà người ta đã không ưa. Chẳng ai biết ông chủ nhà giàu ấy tên gì, nhưng vì bản tính hách dịch nên người ta gọi là ông Hách. Dân quê hay đùm bọc nhau, thiếu thốn chia sẻ bát cơm bát canh, ngày ấy bố thằng Khôi đánh liều qua nhà mượn ít gạo, ông đã cho chó trong nhà ra rượt ù té, còn đứng chống nạnh quát tháo:

- Dân quê chúng mày, ông không giao tiếp. Ðừng có bén mảng tới nhà ông.

Từ đó không một ai trong xóm qua lại với gia đình ông, chẳng ai dám mà cũng chẳng ai muốn xóm nhỏ tiếp tục sống như không có cái nhà to đùng che cả mặt trời ấy tồn tại.

- Mày ăn dâu rừng không?

Ðang ngồi ngắm trăng bên cửa sổ thì thằng Nguyên bị tiếng ai gọi làm giật mình. Nó lập tức quay phắt lại rồi rướn người nhìn qua khe cửa, một thằng bé cũng độ 12 như nó, thằng Ðăng, đang chìa trên tay những quả dâu rừng còn mọng nước. Nó hốt hoảng:

- Mày là ai?... Sao mày vào đây được?

- Tao là Ðăng, đại ca ở đây. Hồi chiều tao thấy mày ngồi buồn, tối tao tới chơi với mày nè.

- Ai... ai cần. Tao không chơi với dân quê.

- Ôi dời, đúng là ông Hách con. Không chơi thì thôi. Ðây, tao để lại, ăn đi.

Cái bóng nhỏ bé ấy thoắt một cái đã nhảy qua bức tường cao đồ sộ nhà thằng Nguyên. Nó ngẩn ngơ một hồi rồi nhìn mớ dâu mọng nước màu sẫm ấy, nhón tay lấy một cái bỏ ngay vào mồm. Vừa nhai một phát nó đã vội phun ra:

- Ðúng là dâu quê. Chua chả ăn được.

Nó tiếp tục nhón tay lấy trái khác ăn rồi cười khì. Nhà thằng Nguyên không có ai từ sáng sớm tới tận trưa nên thời gian đó thằng Ðăng hay rủ đám trẻ trong xóm qua rủ thằng Nguyên chơi. Ban đầu, nó chảnh, không chịu, đám trẻ cũng không vừa, sao phải năn nỉ người thành phố? Thằng Ðăng hết chịu nổi, đành quay đầu:

- Con cái học theo cha mẹ cách đối xử với người. Mày như thế tụi tao không thuận. Ða số thắng thiểu số. Mày ưng thì tới suối, tụi tao đợi.

Cả đám nhóc chạy như bay ra suối, thằng Nguyên lưỡng lự rồi cũng chạy theo, nó miễn cưỡng:

- Cứ coi như… hôm nay… tao chơi với dân quê. Hôm nay thôi.

Nhưng nó cũng hòa nhập rất nhanh, chơi với đám nhỏ hết xoắn tại đám sung chát đến khi hái những trái vả rừng. Tụi nhóc cười giả lả khi nó đưa trái vả vào miệng rồi ngay lập tức phun phì phì vì quá chát, lúc bấy giờ thằng Mâm mới moi ra một nhúm muối hột, nó lấy cái khúc cây giã nhỏ ra, tiện tay với lấy mấy quả ớt trộn vào giã nhuyễn, cả bọn bu lại lấy vả chấm ăn cay xè mà ngon đáo để. Lúc bấy, Ðăng mới nhìn Nguyên rồi bảo:

- Ăn đi mày, ăn cho sướng bây giờ rồi thể nào tối cũng bị tào tháo rượt.

Những tưởng việc vui chơi hòa nhập của Nguyên sẽ kéo dài thật lâu nhưng cuối cùng việc này cũng bị ông Hách phát hiện. Ông không nói không rằng chỉ bắt Nguyên quỳ trước bàn thờ tổ tiên, cái bàn thờ hoành tráng như muốn nhắc nguồn cội của Nguyên vậy. Tụi nhóc trong xóm ngày nào cũng chờ Nguyên tới nhưng đằng đẵng không thấy cho tới một tháng trôi qua. Làng có biến, các hộ dân không tha phương cầu thực thì cũng vay mượn khắp nơi kiếm sống qua ngày, nhà thằng Ðăng cũng như bao hộ dân khác tới nhà Nguyên vay ít gạo. Ông Hách ngồi đó, bệ vệ như vốn, nhìn những người dân bằng con mắt thiếu thiện cảm. Thằng Nguyên đứng cạnh, không nói tiếng nào, thi thoảng nó ngước lên nhìn tụi thằng Ðăng với ánh mắt có lỗi. Bỗng, ông Hách nhìn sang Nguyên:

- Con nghĩ ba làm đúng không? Nhà chúng ta cũng đâu có dư gạo con nhỉ? Cũng thiếu thốn đủ bề, thiếu ăn thiếu mặc đó chớ.

Nguyên nhìn tụi thằng Ðăng, nhìn những người dân trong làng nhìn nó chăm chăm, nó cúi đầu lí nhí:

- Dạ… ba... làm… đúng ạ.

Dân trong làng kéo nhau ra về. Thằng Ðăng đứng nhìn thằng Nguyên một lúc thật lâu rồi lắc đầu quay đi. Trong mắt nó như đánh rơi điều gì đó ở lại đây, điều gì đó có thể là tình bạn. Ðược vài tháng sau, nhà Nguyên dọn đi, cả xóm cũng bặt tin Nguyên từ đó, ngôi nhà to trở thành nhà hoang, mà dù có đẹp cách mấy người trong xóm cũng xem như không hề tồn tại.

Ðăng đã ba mươi nhưng công việc vẫn còn lận đận. Một tay lên phố lo cho cả gia đình, nhà cậu chuyển đi hết lần này tới lần khác, kiếm kế sinh nhai, không biết đã kinh qua bao nhiêu nghề. Nay chuyển sang kinh doanh, có ít vốn khấm khá trở thành ông chủ, thì biến ập tới, công ty cần một khoản tiền để vực dậy, nó không quá lớn nhưng với những người đang cần tiền nó trở thành cả một gia tài. Không biết xoay xở ở đâu thì có một công ty chịu hỗ trợ vốn và trở thành đối tác, tuyệt nhiên không tiết lộ người giúp đỡ là ai. Hai năm trôi qua, Ðăng vẫn luôn đi tìm hiểu người bí mật giúp mình là ai nhưng không được, cho tới một ngày anh tình cờ gặp lại, là Nguyên. Khi Nguyên ba mươi cậu đã là giám đốc của công ty gia đình. Cái gia đình giàu có cha truyền con nối trở thành quy luật. Nguyên cũng có quay lại làng quê năm xưa nhưng phần lớn gia đình đã dọn đi, nhà thằng Ðăng cũng chỉ còn xơ xác những cái cột, Nguyên có dò la tìm hiểu nhưng cũng không gặp được, lời xin lỗi năm nào vẫn nghẹn đắng trong môi nói không thành tiếng. Rồi duyên cớ thế nào cậu lại nghe người ta nói về Ðăng, ban đầu cũng ngờ ngợ nhưng rồi nhận ra, và âm thầm giúp đỡ.

- Là mày đấy phải không, Nguyên? Là mày đã giúp tao ư?

Nguyên cười khề khà, giờ thì hai cậu bé con ngày nào đã trưởng thành, đều đã đủ sức gánh vác một gia đình, đủ để quyết định được mọi thứ, can đảm làm theo suy nghĩ của mình.

- Là tao, cuối cùng cũng đã giúp mày được rồi.

Ðăng hơi ngớ người ra rồi chợt hiểu, hai thằng bạn vỗ vai nhau, chỉ chực ôm nhau giữa trời đầy nắng. “Ra là mày đã luôn nằm lòng vì không giúp được tao suốt từng ấy năm qua?”

Lê Hứa Huyền Trân
Bình luận
Back To Top