Đến với bài thơ hay

Bài thơ phản ánh một mỹ tục người Mông

09:33 - Thứ Năm, 26/10/2017 Lượt xem: 9595 In bài viết
ĐBP - Trong chúng ta, chắc không ai không biết tập quán cướp vợ lâu đời và độc đáo của dân tộc Mông. Trai gái lớn lên, tìm hiểu, yêu nhau rồi thành vợ thành chồng là quy luật tất nhiên của xã hội, nhưng hình thức lấy vợ bằng cách “cướp” thì quả là chỉ dân tộc Mông mới có. Bài thơ “Ta cùng yêu nhau” dưới đây không chỉ bày tỏ niềm hân hoan, kiêu hãnh của chàng trai đi “cướp” người yêu mà còn phản ánh được phong tục cưới xin truyền thống của người Mông trên vùng núi cao xa xôi.

Lẽ thường, diễn đạt đủ ý trong một dòng thơ 4 chữ (tứ tự) là khó lắm. Thế mà, bài thơ viết theo thể 4 chữ trên đây không những diễn đạt đủ ý mà lại rất trong sáng, mạch lạc. Câu thơ nào cũng dung dị, trong sáng và dễ hiểu. Cả khổ thơ đầu 14 dòng, người con trai tưởng như chỉ “quan trọng” mỗi lí do: Bàn chuyện cướp em về, nhưng thực ra anh đã “tranh thủ” thổ lộ được hết nỗi niềm khao khát của mình với người yêu. Những là “muốn tìm”, “muốn gọi”, muốn đánh đàn môi nhắn nhủ, muốn “đến nương làm quen”... nhưng điều mong muốn nào cũng gặp “trục trặc” khách quan hoặc chủ quan. Vậy nên bây giờ có cơ hội gặp nhau, anh phải tranh thủ vào đề ngay “Gặp em bàn chuyện / Anh cướp em về”. Nếu 2 câu trên không phải là thơ, không phải là lời của chàng trai Mông nói với người yêu thì... nghe cứ như chuyện cướp bóc của một băng đảng. Nhưng ở đây lại là thơ và hơn thế, những dòng thơ ấy hồn nhiên, phóng túng biết bao.

Cái dí dỏm, đáng yêu ở chỗ đã “cướp em” lại còn “gặp em” để “bàn chuyện”. “Cướp” có nghĩa là phải giành giật một cách chủ động, phải bí mật bất ngờ, thậm chí phải liều lĩnh... Thế mà ở đây người đi cướp “bàn chuyện” cướp với người bị cướp rất công khai, rất... thông mưu với nhau. Và hãy xem 2 kẻ si tình phối hợp ăn ý vô cùng: Kẻ đi cướp thì “Anh hẹn ngày kia”, còn người bị cướp thì: “Em gật đầu khẽ”. Thông đồng cho người khác “cướp mình”, cô gái thế có lạ lùng không? Có lẽ hay nhất vẫn là khổ thơ giữa, “kẻ cướp” chỉ hẹn đúng 1 câu mà người “được cướp” đã như mở cờ trong bụng, sẵn sàng “đồng loã” vô điều kiện; nào là gật đầu, nào là “giấu cha giấu mẹ”, nào là “mặc váy hoa”, “mắt ướt”, nào là “chạy ra đầu bản, miệng vờ hô hoán”...

Tại sao phải “vờ hô hoán”? Bởi phong tục là thế. Trai đến tuổi lấy vợ có quyền đi cướp người mình yêu cũng là lúc gái đã tới tuổi gả chồng. Nhưng cô gái và cha mẹ nào cũng rất sợ bị những chàng trai không xứng đáng đến cướp. Nếu gặp phải chàng trai mà mình không ưng, cô gái Mông có quyền hô hoán kêu cứu. Khi đó bố mẹ cô và mọi người sẽ nổi trống, cồng, chiêng báo động và chạy ra trợ giúp. Trong “vụ cướp” này cũng có hô hoán nhưng thực ra chỉ là hô... giả vờ thôi (vì chẳng nhẽ lại không hô), bởi bố mẹ cô gái và dân làng thừa biết là 2 người yêu nhau. Vì thế, cuộc “cướp dâu” diễn ra thật suôn sẻ, êm ru, đúng với “kịch bản” và không hề bị... an ninh bản can thiệp.

Theo chúng tôi, thú vị nhất và cũng “có hậu” nhất là hình ảnh kẻ “bị cướp” có sự chuẩn bị chỉn chu, cho một cuộc chia tay với cha mẹ: Cô mặc đẹp và trước lúc ngoan ngoãn đi theo “tên cướp đáng yêu của lòng em”, đôi mắt hoen lệ khi ngoái nhìn ngôi nhà mà ở đó mình đã lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm yêu dấu thuở ấu thơ. Làm xong cái thói quen rất bản năng đó, cô chạy ra tận đầu bản để người ta cướp mình được nhanh chóng, thuận tiện. Kết thúc bài thơ là một đoạn hát ca đồng điệu, cho thấy niềm sung sướng “tâm đầu ý hợp” của đôi trai gái, trước cuộc sống chung bắt đầu từ mùa gặt này...

“Ðàn môi gảy lên

Cho em ca hát

Vừa đúng mùa gặt

Em càng thêm xinh”.

Phong tục cướp vợ của người Mông thật ý vị và độc đáo. Nó sẽ càng đẹp hơn, thiêng liêng hơn đối với những cặp trai gái thật sự yêu nhau, khao khát được làm chồng làm vợ của nhau. Và bài thơ “Ta cùng yêu nhau” đã phản ánh được điều đó, đã lột tả được không chỉ nét văn hóa mà còn tính nhân văn; từng dòng từng chữ đạt đến độ trong sáng và bình dị, đúng như truyền thống thơ ca dân gian của đồng bào Mông nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung...

Ta cùng yêu nhau

(Thơ dân tộc Mông)

Anh muốn tìm đến

Lại sợ mẹ cha

Muốn gọi em ra

Nhưng em nhiều việc

Đàn môi bé tiếng

Sợ không lọt phên

Nhỡ em ngủ quên

Thì ai nghe hộ?

Gảy to sợ lộ

Bố mẹ đánh em

Đến nương làm quen

Đông người em thẹn

Gặp em bàn chuyện

Anh cướp em về

Anh hẹn ngày kia

Em gật đầu khẽ

Giấu cha, giấu mẹ

Em mặc váy hoa

Mắt ướt nhìn nhà

Chạy ra đầu bản

Miệng vờ hô hoán:

“Trai họ cướp tôi”

Nhìn em anh cười

Ta là sức mạnh

Trai làng kiêu hãnh

Đã cướp được em

Đàn môi gảy lên

Cho em ca hát

Vừa đúng mùa gặt

Em càng thêm xinh

Đôi mắt thêm tình

Lưỡi liềm thêm sắc

Anh đàn em hát

Ta cùng yêu nhau.

Nguyễn Thị Hạnh
Bình luận
Back To Top