Những “cây đại thụ” gìn giữ linh hồn dân tộc

09:35 - Thứ Năm, 02/11/2017 Lượt xem: 5260 In bài viết
ĐBP - Với địa bàn vùng cao sống quần cư theo cộng đồng dân tộc như Ðiện Biên, để những giá trị văn hóa tốt đẹp của các tộc người được gìn giữ, bảo vệ, truyền nối hiệu quả có vai trò rất quan trọng của các nghệ nhân. Ðặc biệt, tỉnh ta có 8 cá nhân tiêu biểu đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Họ được ví như là những “cây đại thụ” mang linh hồn dân tộc.

 

Nghệ nhân ưu tú Lường Thị May (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn phụ nữ cùng bản các điệu múa truyền thống dân tộc Lào.

Ai muốn tìm hiều về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lào tại Ðiện Biên, đặc biệt là nghệ thuật dân gian, có lẽ chỉ cần hỏi chuyện bà Lường Thị May (dân tộc Lào), bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên là đủ. Các bài dân ca, các điệu hát ru, mừng bản mừng mường, giao duyên, cưới hỏi, hát tế lễ… hay múa “Căm bản căm mường”, lăm vông, múa vui mùa vụ… và cả một số lễ hội, nghi thức dân gian, bà đều nắm rõ. Việc gìn giữ, trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc đối với bà May như một điều tự nhiên, như công việc thường ngày. Không “đao to búa lớn”, qua sinh hoạt đời thường, các hoạt động chung của bản và ngày lễ tết dân tộc, những bài ca, điệu múa truyền thống mà bà thể hiện, dàn dựng được người dân trong bản, đặc biệt là lớp trẻ tìm hiểu, tiếp thu. Từ đó, Na Sang dần trở thành cộng đồng dân tộc Lào nổi bật tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị cổ truyền. Trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh hay giao lưu khu vực, đội văn nghệ, nghi lễ dân gian của bản Na Sang được mời tham dự, trình diễn. Ðặc biệt, mới đây Tết té nước (Bun huột nặm) của đồng bào dân tộc Lào nơi đây được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và một trong những người “đầu tàu” gìn giữ, dẫn dắt các hoạt động trong lễ hội là bà May. Không chỉ nhiệt huyết với việc bảo tồn, bà May còn tích cực truyền dạy, dàn dựng các bài hát, múa cổ truyền cho nhiều người, ở nhiều địa bàn khác nhau có dân tộc Lào sinh sống. Bà Lường Thị May chia sẻ: “Tuy không mở lớp học đúng nghĩa nhưng tôi đã truyền dạy cho trên 100 người và sẽ tiếp tục đem những kiến thức văn hóa dân tộc mà tôi biết trao truyền cho thế hệ đi sau, đặc biệt là giới trẻ bằng những cách gần gũi nhất, đến khi nào tay run, chân không vững mới thôi, để nét đẹp dân tộc Lào còn được gìn giữ mãi mãi”.

Cùng là người yêu nét đẹp văn hóa truyền thống, câu chuyện truyền “lửa” của bà Lương Thị Ðại (dân tộc Thái), xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên lại rất khác. Bà Ðại tự nhận “bị” kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, kỳ thú của người Thái làm mê hoặc. Bà đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn rất nhiều tài liệu, tác phẩm và phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo tồn tiếng nói, chữ viết, các phong tục tập quán của dân tộc Thái. Hơn 50 năm, từ khi công tác ở Phòng Sưu tầm văn hóa của Ty Văn hóa Lai Châu (bà nghỉ hưu năm 1988) cho đến nay, bà Ðại đã tham gia lưu giữ hàng nghìn sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của người Thái, cho xuất bản gần 10 đầu sách về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái nổi tiếng, như: “Tang lễ người Thái”; “Tạo Sông Ca, nàng Si Cáy”,  “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái”… Với những cống hiến  đó, đầu năm 2017, bà được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng bà Ðại vẫn ấp ủ dự định trong thời gian tới “tiếp tục nghiên cứu những nét đặc sắc của ngành Thái trắng Mường Lay và sẽ viết đến khi nào không còn đủ sức khỏe. Ðồng thời, mong muốn sẽ có một bộ gõ hoàn chỉnh đúng tiếng Thái cổ cho các phần mềm soạn thảo trên máy vi tính để phục vụ tốt hơn cho công tác lưu trữ về sau”.

Trên đây chỉ là 2 trong những nghệ nhân ưu tú của Ðiện Biên, lại là những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng luôn tâm huyết, hết mình vì văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân khác cũng vậy, họ là người con của nhiều dân tộc khác nhau: Thái, Mông, Lào, Cống, Hà Nhì, đều đã lên chức ông, bà, đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vẫn miệt mài với công tác sưu tầm, truyền dạy, là những người truyền “lửa” yêu văn hóa, gìn giữ văn hóa cho cộng đồng. Bà Dương Thị Chung, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nhận định: “Những năm qua, chúng tôi được các nghệ nhân ưu tú hỗ trợ rất nhiều trong công tác chuyên môn. Không chỉ nắm giữ, trao truyền mà các nghệ nhân này còn góp sức cùng ngành văn hóa đánh giá, khảo sát thực trạng văn hóa truyền thống tại địa bàn để đưa ra những giải pháp gìn giữ, phát huy những di sản tốt đẹp đang tồn tại, hỗ trợ bảo tồn, phục dựng những di sản có nguy cơ mai một hoặc đã mai một”. Năm 2017, phòng Văn hóa - thông tin các huyện, thị, thành phố đã lựa chọn 41 người am hiểu văn hóa dân tộc, có nhiều cống hiến trong hoạt động văn hóa truyền thống tại địa phương để cấp tỉnh xét duyệt, đề xuất Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch công nhận nghệ nhân ưu tú. Danh hiệu này sẽ góp phần tạo động lực để các nghệ nhân thắp sáng ngọn lửa cống hiến cho văn hóa truyền thống dân tộc. Chưa biết Ðiện Biên sẽ có thêm bao nhiêu nghệ nhân ưu tú mới được công nhận nhưng mỗi con người nếu có tình yêu, sự say mê và tâm huyết với công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì đều đáng trân trọng, vinh danh dù có hay không danh hiệu ấy.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top