35 năm ra đời hợp xướng Dấu chân phía trước

Khắc họa hình ảnh Bác Hồ vào tâm khảm thế hệ trẻ

15:24 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 6010 In bài viết

Đến nay, sau 35 năm ra đời, bản hợp xướng Dấu chân phía trước của hai tác giả Phạm Minh Tuấn - Hồ Thi Ca đã khắc họa thành công hình ảnh Bác Hồ vào tâm khảm của các thế hệ sau 1975, là những thế hệ “chưa một lần gặp Bác”…

Bài thơ Dấu chân phía trước của nhà thơ Hồ Thi Ca ra đời vào năm 1981. Khoảng 1 năm sau thì xuất hiện bài hát Dấu chân phía trước của nhạc sĩ  Phạm Minh Tuấn phổ bài thơ trên. Đến nay, sau 35 năm ra đời, bản hợp xướng Dấu chân phía trước của hai tác giả Phạm Minh Tuấn - Hồ Thi Ca đã khắc họa thành công hình ảnh Bác Hồ vào tâm khảm của các thế hệ sau 1975, là những thế hệ “chưa một lần gặp Bác”…

Chúng tôi có dịp tiếp xúc nhà thơ Hồ Thi Ca vào những ngày giữa tháng 10-2017, khi ông vừa cùng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hoàn thành chuyến đi ghi hình ngoại cảnh tại Mũi Né, TP Phan Thiết cho bộ phim ca nhạc Dấu chân phía trước do Đài truyền hình TPHCM (HTV) thực hiện.

 

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và nhà thơ Hồ Thi Ca trong một chuyến đi thực tế sáng tác.

Nhà thơ Hồ Thi Ca nhớ lại: “Đầu năm 2005, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đến tòa soạn tặng tôi tập Ca khúc Phạm Minh Tuấn vừa được NXB Văn Nghệ TPHCM phát hành giới thiệu 113 bài hát, là “gia tài” gần cả đời sáng tác của anh, trong đó có bài hát Dấu chân phía trước phổ thơ tôi, in trang trọng suốt 4 trang sách nhạc khổ lớn. Nhìn mái tóc anh “muối” đã nhiều hơn “tiêu”, tôi giật mình nhớ lại mới ngày nào tôi vừa bước chân ra khỏi giảng đường đại học và sáng tác bài thơ Dấu chân phía trước, lúc Phạm Minh Tuấn phổ bài thơ này thành ca khúc thì anh cũng vừa tốt nghiệp Khoa sáng tác Nhạc Viện TP. Lúc đó Phạm Minh Tuấn và tôi chưa hề quen biết!”.

Những nốt nhạc của Phạm Minh Tuấn đã đồng cam cộng khổ cùng cuộc kháng chiến ở miền Nam. Những năm mới giải phóng, bài hát Qua sông của ông ngày đêm vang vọng trên sóng phát thanh, truyền hình. Điều đặc biệt là ông rất “mát tay” với các ca khúc phổ thơ như Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Khát vọng, Đất nước, Mùa xuân... Trong đó, Đất nước là một khúc tráng ca hát về Tổ quốc, ca ngợi những bà mẹ Việt Nam đau đáu hy sinh cho nước nhà… Tạ Hữu Yên được xếp vào hàng nhà thơ có kỷ lục với hơn 150 bài được các nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng với riêng bài thơ Đất nước của ông khi vào nhạc Phạm Minh Tuấn lập tức được cả nước hát với tần suất nhiều nhất! Khắp nơi đâu đâu cũng vang lên lời hát: Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ… 

Cái tài tình của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là ông luôn tìm ra cánh cửa rất ấn tượng để mở vào ca khúc của mình. Với Đất nước là hình ảnh thon thả giọt đàn bầu, còn với Dấu chân phía trước viết về hình tượng Bác Hồ thì ông không ngại mang câu thơ thứ… 30 trong bài thơ của Hồ Thi Ca lên làm câu ca mở đầu cho bài hát Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa…, tạo “cảm giác mạnh” khiến người nghe khó quên!

Nhà thơ Hồ Thi Ca nói về sự hợp tác thơ - nhạc hiếm có này: Anh Phạm Minh Tuấn luôn chăm chút cho tác phẩm của mình. Khoảng năm 1982, khi tôi công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, tôi được nhạc sĩ Tăng Minh Thành (lúc đó là biên tập viên âm nhạc, của đài - nay đã qua đời) cho biết ông vừa thu thanh một ca khúc mới của Phạm Minh Tuấn phổ thơ tôi. Đó cũng là lần đầu tôi được nghe Dấu chân phía trước, qua giọng ca Tuấn Phong. Sau khi ca khúc này được UBND TPHCM trao Giải đặc biệt trong một cuộc thi vào năm 1985, anh Phạm Minh Tuấn gặp tôi đề nghị cùng bỏ hết tiền giải thưởng dàn dựng, phối âm phối khí lại cho bài hát. Thời gian sau, tôi được nghe một Dấu chân phía trước mới toanh dưới hình thức hợp xướng thật hùng vĩ mà Cao Minh là giọng lĩnh xướng… Từ đó, Dấu chân phía trước tìm được chỗ đứng trong tim người nghe.

Chỉ với hai bài hát Đất nước và Dấu chân phía trước - chưa kể đến những Qua sông, Đường tàu mùa xuân, Rừng gọi, Mùa xuân từ những giếng dầu, Bài ca không quên, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho thấy cảm xúc sáng tác của ông luôn hướng đến tình cảm chung của dân tộc về Tổ quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh. 

Vì sao khi còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học, ông đã nghĩ đến hình tượng Bác Hồ khi Người ra đi tìm đường cứu nước?

Nhà thơ Hồ Thi Ca: Khi còn trẻ, người ta thường nghĩ đến những người đồng lứa. Tôi cũng thế, nhưng tôi lại hay nghĩ về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc khi Người còn trẻ. Năm ấy là năm 1981, vừa tốt nghiệp đại học, trong những ngày tháng chờ phân công công tác tôi đã nghĩ ngược về 70 năm trước. Năm 1911 anh Văn Ba (tức Bác Hồ) đã đến Sài Gòn và dấu chân Người đã in những bước lịch sử trên bến Nhà Rồng. Thú thật, nghĩ tới Người tại thời điểm Nhà Rồng, không chỉ vì tính lịch sử mà còn vì tôi, lúc đó, là một thanh niên mới hơn 20 nghĩ tới bậc vĩ nhân bước lên tàu đi xa khi mới 21 tuổi. 

Bài thơ Dấu chân phía trước ra đời trong bối cảnh như thế nào?

Sau những năm dài đất nước chiến tranh, tôi sung sướng hít thở không khí hòa bình, độc lập. Nhưng những năm kế sau 1975 thật nhọc nhằn của thời cấm vận, bao cấp. Chiến tranh Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc dồn dập… Những năm tháng ấy thầy trò chúng tôi chiến đấu trong giảng đường cũng cam go không kém ngoài mặt trận. Cơm độn khoai sắn, bo bo trường kỳ mà nghiên cứu văn chương. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, chỉ có niềm tin mới giúp con người đứng vững. Niềm tin ấy tôi tìm thấy ở người thanh niên Văn Ba 21 tuổi trên bến Nhà Rồng. Tôi không biết đích xác hình ảnh Người lúc đó ra sao, tự nhiên tôi nghĩ đến một chàng trai gầy gò, gương mặt ốm và xương với đôi mắt sáng quắc, cương nghị. Nhưng điều mà tôi “thấy” rõ nhất là dấu chân trăn trở của Người in hằn trên bến Nhà Rồng:

Dấu chân của dáng đứng lâu

Nặng hai vai là Tổ quốc

Chắc Người rưng rưng nước mắt

Trái tim căm giận bừng bừng

Bài thơ Dấu chân phía trước lần lượt hình thành một cách tự nhiên, không cố gắng tư duy, không dụng từ dụng ngôn, tôi muốn tất cả từ ngữ nói về Người đều thật giản dị, dễ hiểu ngay cả ở những câu thơ nói về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người:

Bác đã làm người đi trước

Khai rừng phá núi tay không

Cảm xúc của nhà thơ khi lần đầu nghe bài hát Dấu chân phía trước?

Tôi không nhớ chính xác, nhưng khoảng 1 năm sau khi bài thơ được đăng trên báo Văn Nghệ TPHCM thì tôi tình cờ được nghe bản hợp xướng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc bài thơ này và cũng lấy tựa đề Dấu chân phía trước. Nhạc sĩ đã chọn câu thơ Khi tôi còn là hạt bụi. Người đã lên tàu đi xa để bài hát được mở đầu một cách ấn tượng. Và tôi tin vào tính duy vật của “hạt bụi”, lý giải dễ hiểu thì: Người đặt chân lên bến Nhà Rồng 47 năm trước khi tôi sinh ra đời. Trong bài thơ, tôi cố gắng ghi lại tâm trạng thực của mình, là người thuộc thế hệ “chưa một lần gặp Bác”, và vì vậy mãi mãi sẽ là Khi tôi còn là hạt bụi. Người đã lên tàu đi xa! 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top