Đến với bài thơ hay

Những câu thơ mộc mạc, chân thành

09:58 - Thứ Năm, 23/11/2017 Lượt xem: 4301 In bài viết
ĐBP - Giữa cuộc sống xô bồ của thời mở cửa, cả giữa cái thật giả lẫn lộn của “thị trường” thơ không ai kiểm soát và không thể kiểm soát hiện nay, tập thơ “Từ đá vắt ra” của thi sĩ - bác sĩ Trần Sĩ Tuấn bỗng chiếm được cảm tình của dư luận bạn đọc. Tôi đọc một mạch 45 bài thơ, đọc một mạch để rồi ngẫm ngợi cũng... một mạch, về những “thông điệp” mà vị bác sĩ gửi gắm qua tâm hồn thi sĩ. Trong suốt 45 bài thơ chỉ có 4 câu lục - bát, còn lại là thơ tự do - tự do về câu chữ, về vần vè, về thanh điệu và vượt lên trên hết là tự do trong cách cảm, cách nghĩ, cách yêu và ngay cả trong cách đau nỗi đau nhân tình thế thái.

Với bài “Trong bệnh viện”, thoạt nghe cái tít ta tưởng anh sẽ đề cập những “chuyện thường ngày trong bệnh viện” như cách của một bài báo, về một ca ghép tuỷ, thay thận, mổ ruột thừa hay đại loại như thế. Nhưng không, cái bệnh viện mà Trần Sĩ Tuấn “đưa” chúng ta tới chỉ có hai bệnh nhân, một trong hai người đó lại đang lúc lâm chung. Chỉ với 4 câu thơ thể tứ tuyệt, Trần Sĩ Tuấn đã kéo được tư duy người đọc đi từ sự sống đến cái chết, từ buổi hồng hoang đến lúc lụi tàn, đi hết một kiếp người trong cõi nhân gian.

Với bài “Trước nỗi đau của mẹ”, ta thấy cái trách nhiệm “lương y từ mẫu” hiện lên rất rõ và rất đáng tin. Có nghĩa Trần Sĩ Tuấn không phạm phải sai lầm thường thấy là hô thật to, nói quá nhiều (thay vì chỉ cần hô bé thôi và nói ít thôi), về những điều mà ngành y tế gọi là “y đức”. Vào lúc đứa con trai đứt ruột đẻ ra đang hôn mê và “lát nữa thôi em sẽ đi rất khẽ”, bà mẹ đau khổ và tuyệt vọng chỉ còn biết nắm tay người thầy thuốc như nắm tay vị thần hộ mệnh. Sẽ là thật dễ dàng, thật tầm thường và sẽ không còn là Trần Sĩ Tuấn, nếu trả lời bà mẹ một cách vô cảm rằng đấy là căn bệnh hiểm nghèo mà y học hiện đại đành bất lực.

Và ở đây, trong nỗi đau đớn có sự cháy lên của lòng nhân bản, vị tha, khi ta hình dung đâu đó bóng dáng những thầy thuốc ân cần cúi xuống số phận người bệnh, chia sẻ và vỗ về, cảm thấy như mình có lỗi chừng nào còn khoác lên người tấm áo choàng trắng một màu thánh thiện... “Giữa hai ca cấp cứu” là một trong những bài thơ dài của tập. Với bài thơ này, cái tâm của người thầy thuốc được Trần Sĩ Tuấn đặt lên “bàn mổ” bằng một động tác dứt khoát. Ðể rồi qua ca “phẫu thuật” không cần dao kéo, ta hiểu tận căn nguyên của một loại “bệnh” đang là chuyện nhức nhối trong ngành y nói riêng, trong dư luận xã hội nói chung:

“Ở nơi đây

Cũng có chuyện buồn phiền

Khi đồng tiền lăn tròn trên lương tâm thầy thuốc

Nói mãi rồi cũng chán

Ðôi khi phải tự an ủi mình

Rằng kẻ xấu thì thời nào chả có”.

Ðúng là “kẻ xấu thì thời nào chả có” và ngành nào chả có, nhưng “kẻ xấu” trong ngành y thì thật tệ hại và đáng lên án, vì đối tượng bị họ “chơi xấu” chính là những người bệnh đang đau đớn và thậm chí, đang chờ chết. Bài thơ cuối cùng trong loạt bài mà Trần Sĩ Tuấn viết về ngành y, đó là bài “Ca mổ”. Bài thơ được mở đầu bằng khổ thơ hai câu, với 5 tính từ mang đặc trưng ngành y. Tuy thế, ngay cả bài thơ với tiêu đề rất... “thơ y tế” này, cũng chỉ là cái cớ để tác giả giãi bày nhân sinh quan của mình về cuộc sống. Sau khi thực hiện xong những vết dao “vừa lợi vừa hại”, con người bác sĩ tránh ra để nhường chỗ cho con người triết gia:

“Tất cả mọi người đều khác nhau

Chỉ giống nỗi đau và căn bệnh”.

Những bài thơ về ngành y nói riêng và cả tập thơ nói chung, cho thấy thơ Trần Sĩ Tuấn mạnh về cấu tứ, thâm trầm về lập ý, giản dị trong đặt đề, kiệm lời “một câu thôi cũng đủ”. Giữa thời buổi “chợ thơ” tấp nập kẻ bán nhưng vắng vẻ người mua thế này, nếu “một đời thơ một đời lận đận” mà có được một tập thơ đáng đọc với những câu thơ như “từ đá vắt ra”, thì cái sự “lận đận” ấy kể cũng có ý nghĩa và hoàn toàn không uổng chút nào!

Trần Văn Trung
Bình luận
Back To Top