Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Nhận thức của người dân đang đổi thay

09:52 - Thứ Năm, 07/12/2017 Lượt xem: 4357 In bài viết
ĐBP - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thời gian qua đã và đang được triển khai rộng khắp, gắn liền với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp, ngành, hệ thống chính trị. Từ phong trào, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự địa phương.

Trong chuyến công tác về xã Háng Lìa (huyện Ðiện Biên Ðông) những ngày đông giá rét, chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn bởi cuộc sống ấm no của bà con nơi đây. Những bao ngô, bao thóc đóng gọn gàng chất đầy ở góc nhà; “đầu cơ nghiệp” thì được người dân chăm sóc cẩn thận…  Anh Vàng A Dua, bản Háng Lìa A, chia sẻ: Vào những dịp lễ, tết, từ cụ già đến thanh niên nam nữ ai biết thổi khèn thì thổi khèn, ai biết hát thì ca hát. Dù vẫn còn khó khăn phía trước, nhưng chúng tôi tin vào những chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước sẽ giúp cuộc sống của người dân ngày càng đi lên. Cũng như bấy lâu, bà con nhân dân nơi đây luôn đoàn kết một lòng, không nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu, chịu khó làm ăn, thi đua lao động sản xuất, chung sức xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.

 

Người dân tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ, thể thao tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Thời gian qua, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ở xã Háng Lìa đã có sức lan toả mạnh mẽ, sâu rộng trong nhân dân. Ban Chỉ đạo phong trào của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung đến cán bộ, nhân dân thông qua các hội nghị chuyên đề và lồng ghép trong sinh hoạt thường kỳ, những ngày lễ lớn, trong các buổi họp dân… Trong đó, tập trung thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản, nhất là việc cưới, việc tang, lễ hội. Ðến nay, các đám tang đã được tổ chức đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại hoặc gây mất trật tự khu dân cư. Trong đám cưới, việc tổ chức cũng có nhiều tiến bộ vừa gọn nhẹ, tiết kiệm lại phù hợp với phong tục tập quán. Hàng năm, với việc tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư đã tạo cho mỗi người dân ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Cũng thông qua hoạt động của ngày hội, nhân dân nắm rõ hơn các tiêu chí, phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, có ý thức thực hiện quy ước, hương ước, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… từ đó tích cực, chủ động trong thực hiện cuộc vận động cũng như các phong trào khác. Ðến nay 10/10 bản ở Háng Lìa đã sửa đổi, bổ sung quy ước thôn bản; trên 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá…

Không chỉ xã Háng Lìa, hiện nay, người dân ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đang dần thay đổi nhận thức, tư duy trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Chính họ là những người trực tiếp góp phần bảo tồn, khôi phục, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian, xóa bỏ các hủ tục trong đời sống; chung sức, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới; có tinh trần, trách nhiệm với các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo.

 Nằm ngay trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, xã Tà Lèng có nhiều người dân tộc Mông sinh sống. Giờ đây, cùng với việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng được bà con đặc biệt quan tâm. Trong một lần đến xã Tà Lèng, chúng tôi gặp hình ảnh người dân bản Kê Nênh đang tập văn nghệ ở nhà văn hóa. Qua tìm hiểu, được biết đó là những điệu múa, lời ca đặc trưng của đồng bào Mông do cán bộ của Trung tâm Văn hóa thành phố truyền dạy cho đội văn nghệ bản để biểu diễn trong các dịp lễ, tết.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Các phong trào, như: Xây dựng “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội... được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Ðến nay, toàn tỉnh có 4/116 xã đạt “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 4/14 phường đạt “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thời gian qua đã được các cơ quan, đơn vị triển khai tích cực dưới nhiều hình thức; thường xuyên phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đồng thời tổ chức các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, như: Cuộc vận động ngày “Vì người nghèo”, phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”; bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu về văn hóa cũng như tinh thần của nhân dân.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top