Vẫn còn đó nét chợ phiên

14:47 - Thứ Ba, 26/12/2017 Lượt xem: 4750 In bài viết
ĐBP - Tủa Chùa – mảnh đất hội tụ 5 dân tộc anh em (Mông, Thái, Dao, Xạ Phang, Phù Lá), trong đó đồng bào Mông chiếm hơn 70%. Hội tụ nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng có mang tính chất vùng miền, Tủa Chùa lâu nay vẫn là địa chỉ hấp dẫn đối với mỗi người yêu và muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc. Và chợ phiên lại chính là nét chấm phá độc đáo làm nên những đặc trưng đó. Mặc dù cuộc sống phát triển, ngày càng nhiều hơn những thứ hội nhập, nhưng với mỗi người dân ở Tủa Chùa chợ phiên vẫn là ngày hội mỗi tuần.

Tủa Chùa hiện còn duy trì 3 phiên chợ, được phân bố đều ở 3 khu vực khác nhau của huyện. Thuận tiện nhất là chợ phiên tại trung tâm thị trấn nên đây là nơi thường thu hút khá đông người tham gia, đặc biệt là người vùng ngoài đến để tìm mua sản vật. Nằm cách trung tâm huyện chừng 40km, chợ phiên Tả Sìn Thàng lại là phiên chợ có lịch sử lâu đời và được duy trì từ thời Pháp thuộc đến nay. Đây là phiên chợ rất hấp dẫn với du khách, đặc biệt là đối với những bạn trẻ ưa phượt. Bởi để đến chợ, họ phải vượt qua chặng đường khá “mạo hiểm” với nhiều đoạn cua gấp khúc, một bên vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút. Song bù lại có khá nhiều cảnh đẹp hấp dẫn, mà điểm nhấn không thể thiếu là cánh đồng Chiếu Tính nằm dưới thung lũng, được ví như dòng chảy sắc màu độc đáo. Nằm ngay thung lũng trung tâm xã, chợ phiên Tả Sìn Thàng tụ họp người dân của 5 xã (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Lao Xả Phình, Trung Thu), với chủ yếu là 3 dân tộc: Mông, Thái, Xạ Phang. Ngược về phía nam và cách trung tâm huyện chừng 15km là nơi diễn ra chợ phiên Xá Nhè. Đây là phiên chợ hội tụ đủ sắc màu của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Phù Lá từ các xã: Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng và Mường Báng. Chợ mới chỉ được khôi phục lại vài năm gần đây, nhưng mọi hoạt động do người dân làm chủ nên vẫn mang đậm những nét văn hóa truyền thống dân tộc vùng miền.

 

 

Chủ yếu các mặt hàng được bày bán tại chợ phiên Tủa Chùa đều là nông sản, thực phẩm, nông cụ do bà con tự sản xuất.

Ông Mùa A Ký, Phó phòng Văn hóa huyện, đồng thời cũng là người con của Tủa Chùa tự hào cho biết: “Điểm khác biệt duy nhất của chợ phiên Tả Sìn Thàng và Xá Nhè với chợ phiên thị trấn đó là không ấn định ngày. Đây cũng là điểm khác biệt rõ nét với nhiều chợ phiên vùng Tây Bắc khác. Chợ họp theo hình thức lùi ngày, tức là nếu tuần này họp vào chủ nhật thì tuần sau sẽ là thứ 7, tuần kế tiếp họp vào thứ 6… Song dù thời gian họp ra sao, thì cách thức và các hoạt động diễn ra tại 3 phiên chợ ở Tủa Chùa đều nhất quán như nhau. Bao đời nay, chợ phiên không chỉ đơn thuần là nơi giao thương của bà con, mà đó thực sự là ngày hội. Bà con đi chợ là đi chơi, chính bởi vậy nơi đây thường thể hiện khá rõ nét văn hóa dân tộc vùng miền, thông qua trang phục truyền thống, cách nói chuyện, trao đổi, và cả cái cách người ta mua, bán hàng hóa. Đối với mỗi người khi đến thăm Tủa Chùa, không được tham gia một trong số những chợ phiên này thì thật sự là một thiếu sót đáng tiếc”.

Những ngày họp chợ, khắp các vùng như có hội. Ngay từ sáng sớm, từ mỗi ngôi nhà trong bản đã sáng đèn, bà con dậy để kịp chuẩn bị đồ xuống chợ. Khi trời còn mờ sương, trên các ngả đường vắt vẻo, những chàng trai, cô gái hối hả trong bộ trang phục dân tộc sặc sỡ đủ sắc màu cùng nhau xuống chợ. Vì xem chợ như là ngày hội, nên họ mang trên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Chính từ sự ý thức đó nên họ đã biến chợ phiên thành bức tranh sống động về sắc màu. Sự đa sắc của những chiếc váy xòe người Mông; chiếc khăn, áo ngũ sắc truyền thống của người Dao; những chiếc thắt lưng điệu đà, chiếc áo sặc sỡ và đôi giày khâu tay ấn tượng của người Xạ Phang… Từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục của mỗi người ở đây lại thể hiện những nét riêng của dân tộc mình, nhưng đều vô cùng tinh xảo và mang đậm dấu ấn vùng miền.

Ngoài số ít mặt hàng thương nghiệp đưa từ dưới xuôi lên phục vụ nhu cầu thiết yếu của bàn con, thì chợ phiên ở Tủa Chùa vẫn lưu giữ được nét đặc trưng riêng với chủ yếu là các mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Người ta mang đến chợ không phải thứ gì lớn lao, mà chỉ đơn giản là mớ rau, quả đỗ, con cá... do họ tự nuôi trồng, hay những nông cụ thiết yếu cho sản xuất: dao, cuốc, thuổng... Đặc biệt, ở chợ phiên Tủa Chùa hiện nay người ta vẫn còn bán nhiều mặt hàng gắn với nghề truyền thống của đồng bào, như: nén hương, giấy dó, rượu ngô, kẹo ngô... Điều này chứng tỏ, dù cuộc sống nhiều thay đổi, thì ở đâu đó trên mảnh đất này, nhiều gia đình vẫn gìn giữ và trân trọng nghề truyền thống cha ông để lại, và họ vẫn ý thức, tự hào với những món đồ truyền thống tự tay mình làm ra.

Điều khiến chợ phiên ở Tủa Chùa hấp dẫn nhiều người vùng ngoài tìm đến, đó là những sản vật đặc trưng riêng có, như: Gà xương đen, rượu mông pê, quả óc chó rừng, ốc núi đá, mật ong, nấm hương, đỗ đỏ... Tất cả đều do người dân trong vùng tự sản xuất, khai thác từ rừng. “Hiếm có chợ phiên nào ở mảnh đất Điện Biên có được nhiều sản vật độc đáo như Tủa Chùa. Thế nên hàng tuần dân buôn đặc sản đều đánh xe lên đó lấy hàng về bán, không có hàng thừa, chủ yếu các mặt hàng lấy đều có người đặt từ trước. Chỉ có giá là khó định trước, bởi cái hay ở các phiên chợ này là người dân rất thật, họ ít khi mặc cả, thích thì bán chứ không kỳ kèo bớt một thêm hai. Thế nên, có mặt hàng rất đắt, nhưng có mặt hàng lại... rẻ bất ngờ!” – chị Lê Thị Nụ, một thương lái chuyên đồ đặc sản Tây Bắc chia sẻ.

Các phiên chợ thường họp từ sớm, nhưng đông nhất lại là tầm 9 – 12 giờ trưa, người dân từ các ngả xa, gần đã tụ họp về đông đủ. Khi “cái bụng” đã đói, họ ngồi bên nhau, chỗ này chị em “túm năm tụm ba” bên hàng xôi 7 màu còn thơm nức, đôi tay thoăn thoắt với đường kim mũi chỉ; bên kia các chàng trai Mông chuếnh choáng bên can rượu mông pê thơm nồng; góc lại thấy dăm ba cụ già ngồi trao đổi với nhau về nghề rèn, nghề hương... Tất cả những mảnh ghép đơn giản ấy đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, sống động, xua tan đi sự mênh mông, hoang hoải của vùng đất núi đá khô cằn Tủa Chùa. Và chỉ đến khi mặt trời đã đứng bóng, các mặt hàng cũng vãn dần, họ mới rời chợ trong sự phấn khởi, nhưng đầy tiếc nuối. Từng tốp, từng tốp người vác gùi trên vai, men theo các con đường lại trở về với bản, với cuộc sống đời thường, cùng lao động, sản xuất để chờ đón và tiếp tục có lý do gặp lại nhau trong phiên chợ của tuần sau...

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top