10 sự kiện văn hóa, giải trí “gây bão” dư luận trong năm 2017

14:54 - Thứ Năm, 28/12/2017 Lượt xem: 4379 In bài viết
Năm 2017 sắp kết thúc, trong năm qua nhiều hoạt động văn hóa, giải trí có nhiều chuyển biến. Bên cạnh những hoạt động góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, còn có những hoạt động cho thấy những hạn chế trong công tác quản lý cũng như sự dễ dãi trong giới giải trí Việt. HNMO điểm lại 10 sự kiện, hoạt động “gây bão” dư luận trong năm 2017.

1. Ồn ào việc tạm dừng lưu hành ca khúc 

Khoảng tháng 3-2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) ra quyết định việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Cục NTBD cho rằng 5 sáng tác trên có nhiều dị bản, tên tác giả, ca từ chưa chính xác.

 

Việc Cục NTBD tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra những luồng dư luận trái chiều, nhiều ý kiến phản đối. Sự việc ồn ào kéo dài hơn một tháng, đến tháng 4-2015, Cục NTBD ra quyết định thu hồi lại quyết định tạm dừng 5 ca khúc nói trên. Sau đó, lãnh đạo Cục NTBD cũng có cuộc họp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về chuyên môn nghiệp vụ.

Cùng với việc ồn ào tạm dừng 5 ca khúc trước năm 1975, trong tháng 3-2017, việc lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Tiền Giang có công văn yêu cầu gỡ bỏ 354 bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành, phổ biến, trong đó có ca khúc "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến lời thơ nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. 

Việc này khiến dư luận “nổi giận” bởi ca khúc “Màu hoa đỏ” là một trong những bài hát cách mạng, đi cùng năm tháng đã được nhiều thế hệ nghe nhạc Việt Nam yêu thích. Theo lãnh đạo của Sở này, sở dĩ có việc tạm dừng lưu hành ca khúc “Màu hoa đỏ” là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung. Trước phản ứng của dư luận, Sở VH, TT&DL tỉnh Tiền Giang gấp rút ra văn bản thu hồi công văn cấm ca khúc "Màu hoa đỏ".

2. Còn tồn tại nhiều vướng mắc trong quản lý lễ hội

Mặc dù năm 2017 công tác quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến, khi nhiều lễ hội có yếu tố bạo lực, hiến sinh được kiểm soát chặt chẽ như hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội “chém lớn” làng Ném Thượng (Bắc Ninh), hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)… Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL thường xuyên khảo sát, thị sát các lễ hội “nóng” của các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những hình ảnh không đẹp trong lễ hội.

 

Việc quản lý lễ hội trong năm 2017 tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn để xảy ra sai sót.

Đơn cử, vụ việc một sư thầy phát lộc trong ngày khai hội Chùa Hương đã gây nên sự hỗn loạn của đám đông; hay tại vòng đấu loại của Lễ hội chọi trâu (Đồ Sơn) để xảy ra sự cố đáng tiếc khi trâu chọi húc hết chủ ngay tại sân đấu… Đây là những hiện tượng đáng buồn của mùa lễ hội năm 2017, cho thấy việc quản lý cần phải chặt chẽ hơn nữa. Bộ VH-TT&DL đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý lễ hội để trình Thủ tướng chính phủ.

3. Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Việc Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Nhà nước được tiến hành theo lộ trình đối với các đơn vị nghệ thuật phụ thuộc ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cách làm cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam lại khiến cho nhiều nghệ sĩ lo lắng, bất bình khi cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy đã đưa ra rất nhiều cam kết, trong đó có điều khoản đảm bảo việc làm, lương cho nghệ sĩ nhưng không thực hiện. 

 

Ồn ào của việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Thậm chí, nhiều nghệ sĩ còn lo lắng nhà đầu tư chiến lược sử dụng khu “đất vàng” của Hãng phim để phục vụ vào mục đích cho thuê, kinh doanh kiếm lời chứ không chú trọng vào việc làm phim.

Trước những lo lắng của các nghệ sĩ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát tại Hãng phim truyện Việt Nam và đề nghị cho thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá. Các Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN phải xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam, không được để tình trạng văn nghệ sĩ và cả nhân dân nghi ngờ. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, khu đất của Hãng phim truyện Việt Nam do UBND TP Hà Nội quản lý, không được sử dụng sai mục đích.

4. Giới mỹ thuật ồn ào “nạn” tranh giả

Năm qua, giới mỹ thuật Việt Nam khá “đau đầu” về những vụ cãi cọ, kiện tụng tranh giả. Đây có thể xem là “vấn nạn” đến nay chưa có được câu trả lời rõ ràng. Có thể điểm tên một số vụ “đạo tranh”, tranh giả nổi bật trong năm 2017. 

 

Bức tranh "Phố cũ" của họa sĩ Bùi Xuân Phái được cho là bị làm giả.

Tháng 8, giới chơi tranh phát hiện hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng trong tay một nhà sưu tập bị xóa chữ ký, mạo danh là tranh Phạm An Hải. Đầu tháng 9, bộ tranh sơn mài “An lạc” của họa sĩ Nguyễn Trường An bị tố đạo 90% ý tưởng tác phẩm khắc gỗ “A di đà Phật” của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân. Bức tranh “Phố cũ” của họa sĩ Bùi Xuân Phái khi được mang ra bán đấu giá với mức 12.500 USD cũng được gia đình họa sĩ xác nhận là tranh giả.

Theo giới mỹ thuật, vấn nạn tranh giả hiện nay dù đã được cảnh báo, lên án nhưng khi phát hiện rất khó có cơ sở để xác minh và kết luận người đúng, kẻ sai. Hiện nay tranh của hai bộ tứ mỹ thuật Việt Nam gồm: Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn và Nguyễn Sáng - Dương Bích Liên - Nguyễn Tư Nghiêm - Bùi Xuân Phái thường bị làm giả nhiều.

5. Sách bị thu hồi nhiều 

Năm nay, công tác xuất bản sách cũng gây chú ý khi có nhiều tác phẩm bị thu hồi do vi phạm bản quyền, nội dung không đảm bảo. Tháng 8-2017, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội ra quyết định số 293 về việc thu hồi và tiêu huỷ sách “Chim Việt Nam” của tác giả Võ Quý - Nguyễn Lân Hùng Sơn với lý do cuốn sách sử dụng nhiều tư liệu ảnh chưa xin phép về bản quyền.

 

Cuốn sách "Chim Việt Nam" bị thu hồi.

Tháng 9-2017, Cục Xuất bản lệnh “đình chỉ” tiểu thuyết “Mối chúa” của Đãng Khấu (tức Tạ Duy Anh) để kiểm định lại nội dung. Tháng 10, NXB Văn học đã yêu cầu Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng dừng phát hành cuốn sách “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thu hồi toàn bộ số sách ra thị trường vì có sai sót.

Gần đây nhất, ngày 26-12, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã quyết định thu hồi, tiêu hủy cuốn sách “Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc - tập III - nhà Minh, nhà Thanh”, chủ biên Cát Kiếm Hùng, người dịch Phong Đào, do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin liên kết với Công ty Văn hóa Minh Trí - Nhà sách Văn Lung xuất bản vì nội dung cuốn sách đã xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc.

6. Thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi 

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khiến báo giới tốn không ít giấy mực xung quanh vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại các phòng khách sạn. Mặc dù việc thu phí này hoàn toàn đúng với quy định pháp luật, phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và xu hướng quốc tế nhưng cách làm vội vã của VCPMC khi áp mức thu 25.000đ/tivi/năm tại các khách sạn đã gây nên những phản ứng trái chiều.

 

Việc thu phí tác quyền gây ồn ào dư luận.

Đồng thời, những lý giải về cách thu của Trung tâm này chưa thuyết phục được chủ các khách sạn và dư luận. Cuối cùng, Cục Bản quyền (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, VCPMC cần phải có sự thỏa thuận với các khách sạn để đưa ra được mức thu hợp lý thì mới có thể tiến hành thu phí hoạt động này.

7. Bùng nổ các cuộc thi Hoa hậu, “lùm xùm” Hoa hậu Đại dương

Năm 2017 được xem là năm của các cuộc thi nhan sắc tổ chức trong nước và quốc tế, trong đó đáng kể là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Nữ hoàng trang sức (tổ chức tại Việt Nam) và nhiều người đẹp Việt Nam tham gia các cuộc thi Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới…

 

Cuộc thi Hoa hậu Đại dương với "lùm xùm" hoa hậu có phẫu thuật thẩm mỹ.

Lùm xùm nhất trong năm 2017 trong khâu tổ chức là Hoa hậu Đại dương. Ngay trong đêm đăng quang, tân Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh khẳng định có phẫu thuật thẩm mỹ. BTC cuộc thi này sau đó cũng có nhiều cuộc làm việc với thanh tra quản lý văn hóa, các cơ quan báo chí thừa nhận sai sót trong khâu tổ chức và chịu nộp phạt với mức 6 triệu đồng.

8. Nghệ sĩ Việt tố nhau trên truyền hình

Năm qua, làng giải trí có nhiều vụ việc nghệ sĩ xúc phạm, kể xấu nhau trên sóng truyền hình. Điển hình của những ồn ào này là việc ca sĩ Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân trong một gameshow trên sóng truyền hình khiến dư luận bất bình. 

 

Nghệ sĩ Lê Giang với câu chuyện đẫm nước mắt trên sóng truyền hình.

Gần đây, trong chương trình “Sau ánh hào quang”, việc nghệ sĩ Lê Giang "tố" chồng cũ Duy Phương bạo hành để rồi sau đó là những cuộc “lời qua tiếng lại” của hai nghệ sĩ đã phần nào cho khán giả thấy mặt trái của những câu chuyện được chia sẻ trên sóng truyền hình. Việc tham gia, góp mặt trong những gameshow, chương trình giải trí trên truyền hình có thể giúp nghệ sĩ nổi tiếng hơn nhưng nó như “con dao hai lưỡi” có thể mang lại những tai tiếng không đáng có.

9. Bùng nổ việc tranh cãi nghệ thuật

Tranh cãi lớn nhất trong lĩnh vực âm nhạc giải trí năm qua là những quan điểm trái chiều về dòng nhạc bolero. Người khơi mào cho những tranh cãi không hồi kết này là ca sĩ Tùng Dương khi đưa ra nhận định mang tính cá nhân về dòng nhạc này. Ngay lập tức, một loạt nghệ sĩ trong Nam và ngoài Bắc đồng loạt chê trách Tùng Dương. Đến nay, những tranh cãi về sự yêu – thích đối với dòng nhạc này vẫn chưa kết thúc.

 

Tranh cãi dòng nhạc bolero.

Không chỉ tranh cãi về dòng nhạc, năm qua, làng giải trí liên tiếp gây ồn ào với những vụ việc nghệ sĩ thẳng thắn chê trình độ chuyên môn của nhau. Điển hình là việc Chi Pu bị chê là hát yếu; Đông Hùng chê Dương Hoàng Yến hát không có hồn khi thể hiện “Bão đêm” trong chương trình “Sao đại chiến”; Ngọc Anh chê nhạc của Only C... Những vụ việc này gây ồn ào dư luận nhưng sau đó cũng nhanh chóng “chìm xuồng” vì nhiều người cho rằng, đó có thể chỉ là “chiêu trò” mới của giới showbiz để gây chú ý công chúng.

10. Nghệ sĩ livetream công khai nợ nần

 

Nghệ sĩ khiến công chúng bất ngờ khi công khai chuyện nợ nần.

Năm 2017 có 2 vụ livestream gây chú ý công chúng khi lần đầu tiên, công chúng được trực diện nhìn thấy “thần tượng” trong một tâm trạng khác hoàn toàn với vẻ bên ngoài. Đó là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đông Hùng livestream công khai việc nợ nần của người thân và áp lực phải trả nợ. Qua câu chuyện của các nghệ sĩ, công chúng phần nào hiểu hơn cuộc sống sau tấm màn nhung của giới nghệ sĩ, đôi khi không “màu hồng” như họ vẫn tưởng tượng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top