Khôi phục văn hóa truyền thống

Nhiều nơi còn nặng về hình thức

09:41 - Thứ Năm, 04/01/2018 Lượt xem: 4328 In bài viết
ĐBP - Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Những năm qua, các cấp chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động cụ thể nhằm khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc. Tuy nhiên, ngoài những kết quả mang tính tích cực thì ở nhiều nơi, vẫn còn mang nặng hình thức, phong trào.

 

Một nghi lễ truyền thống trong Tết té nước của dân tộc Lào tại xã Na Sang (huyện Ðiện Biên).

Chúng tôi đã có dịp tham dự một số tết truyền thống của đồng bào các dân tộc Ðiện Biên, như: Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì (Hồ Sự Chà); Tết té nước (Bun huột nặm) của dân tộc Lào; Tết Hoa của dân tộc Cống (Mền loóng phạt ai); Tết Nào Pê Chầu, Lễ hội Dù Su của dân tộc Mông; Tết cổ truyền của dân tộc Si La… Qua đó có thể nhận thấy tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì ở Sín Thầu và Sen Thượng (Mường Nhé) được bảo tồn và duy trì khá hiệu quả, điều đó được thể hiện một cách tự nhiên, ngay cả khi không có chính quyền hoặc cơ quan quản lý văn hóa tổ chức. Ngoài ra, Lễ hội Dù Su của dân tộc Mông ở xã Tỏa Tình (Tuần Giáo) cũng được duy trì khá nghiêm ngặt vì nó được tổ chức đều đặn hàng năm và mang ý thức dòng họ. Song bên cạnh đó một số tết truyền thống hoặc ngày hội văn hóa mặc dù được chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa đứng ra tổ chức nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả, còn mang nặng hình thức. Ðơn cử như Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông ở xã Xuân Lao năm 2016, xã Nặm Lịch năm 2017 được UBND xã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Ảng tổ chức; hoặc Ngày hội giao lưu văn hóa dân tộc Mông năm 2017 do UBND huyện Ðiện Biên tổ chức tại xã Na Ư. Trong các sự kiện này, hầu như các hoạt động chính đều được tổ chức trên sân khấu với phông bạt xanh đỏ và hàng loạt các băng rôn, khẩu hiệu chứ không nằm trong không gian văn hóa vốn có của đồng bào dân tộc. Một số bài hát, điệu nhảy vốn không phải của dân tộc Mông cũng được thể hiện, thậm chí còn do những đội văn nghệ chuyên nghiệp biểu diễn. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian cũng chưa thực sự thu hút được người dân tham gia hoặc có thì chỉ là tham gia theo đội dự thi do ban tổ chức ấn định… Thêm một ví dụ nữa là Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên. Mặc dù đã được công nhận là Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng khi tham dự chúng tôi vẫn không cảm nhận được nhiều những giá trị mang tính truyền thống ở sự kiện này. Các hoạt động vẫn còn mang nặng tính “kịch bản” và phần khai mạc trên sân khấu chiếm khá nhiều thời gian. Một phần của nghi lễ và các trò trơi dân gian đã được tổ chức ngoài bãi đất, bên bờ suối đúng như lễ nghi truyền thống. Tuy nhiên trong nghi thức té nước cầu may lẽ ra người ta chỉ “vảy nước” vào người nhau để cầu may thì ở đây đã bị biến thể sang té nước bằng xô, chậu, thậm chí dùng cả máy bơm để phun nước vào bất kỳ ai qua đường.

Có thể thấy tình trạng chung của các sự kiện nói trên là phần khai mạc còn khá nặng về nghi thức, trong khi các giá trị văn hóa truyền thống lại chưa thực sự được chú trọng. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề này với một cán bộ quản lý văn hóa (xin được giấu tên) thì anh phân trần giải thích: “Các anh thông cảm, trong những sự kiện như thế này thường có lãnh đạo cấp trên đến dự nên các các phần nghi thức khai mạc trên sân khấu không thể thiếu được”. Và khi các nội dung được cho là quan trọng thể hiện trên sân khấu sẽ kéo theo việc phải có các hàng ghế cho lãnh đạo, cho khách mời và các vị bô lão trong bản, còn người dân thì chỉ đứng quan sát vòng ngoài… Ðó có thể được coi là lý do tại sao các sự kiện tương tự vẫn chưa được tổ chức một cách tự nhiên như vốn có từ xa xưa. Trong vai trò của phóng viên, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi tác nghiệp tại các sự kiện được tổ chức như vậy. Ðể lấy được những hình ảnh, thước phim “sạch”, không có phông xanh, bạt đỏ, băng rôn, khẩu hiệu (những thứ không thuộc về không gian truyền thống) để phản ánh tính dân tộc, tính truyền thống lại vô cùng khó khăn.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa trong việc tổ chức, khuyến khích cho người dân duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng thiết nghĩ, muốn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, hoặc cao hơn nữa là di sản văn hóa của dân tộc thì trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa và phải đặt người dân là trung tâm. Vì chỉ khi đó người dân mới chủ động tham gia và làm chủ các hoạt động văn hóa của chính họ. Khi mỗi người dân, mỗi tổ chức đều có ý thức, trách nhiệm thì việc bảo tồn giá trị truyền thống mới thực sự có ý nghĩa và đạt hiệu quả như mong muốn.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top