Chiếu bóng về bản

09:23 - Thứ Sáu, 05/01/2018 Lượt xem: 4799 In bài viết
ĐBP - Dẫu cho ngày nay công nghệ thông tin phát triển, sóng điện thoại, mạng internet đã đến được những bản làng khó khăn thì những thước phim của các đội chiếu bóng lưu động (CBLÐ) thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với người dân vùng cao. Những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa còn góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân…

Ðầu tháng 6/2017, Ðội CBLÐ số 1 huyện Tủa Chùa có buổi chiếu phim phục vụ người dân tại thôn Háng Tơ Mang, xã Mường Báng. Sau quãng đường hành quân vất vả, 3 giờ chiều đội mới có mặt tại bản làm công tác chuẩn bị phông máy chiếu. Thế nhưng những cơn gió vùng cao ào ào thổi làm việc cố định phông chiếu gặp nhiều khó khăn. Vài hạt mưa lác đác không khiến cái nắng hè dịu bớt mà còn khiến cho anh em trong đội thêm phần lo lắng… May sao thời tiết vẫn khéo chiều lòng người khi gần chiều gió lặng bớt, mưa cũng ngừng rơi. 5 giờ chiều các cháu trong bản khiêng ghế nhận chỗ ngồi, háo hức chờ xem phim. Anh Trần Thế Ðại, Ðội phó Ðội CBLÐ số 1, cho biết: Nói là một bản nhưng các hộ ở cách xa nhau, tìm được điểm chiếu trung tâm, rộng rãi, để các hộ đều có thể về xem phim thì anh em trong đội phải khảo sát lựa chọn hết sức kỹ lưỡng. Thường các buổi chiếu bà con đến xem đông lắm. Ở đây thì phim được lồng tiếng Mông, cán bộ cũng phải tuyên truyền bằng tiếng Mông; nội dung chiếu phải được lựa chọn phù hợp với tập quán, tiếng nói, nhiều nội dung nhưng không quá dài mới thu hút được người xem.

 

Ðội chiếu bóng lưu động số 1 chuẩn bị trước giờ chiếu.

Phục vụ người xem đã khó, để đến được với người xem lại là cả một hành trình gian nan. Anh Ðặng Văn Hải, Ðội trưởng Ðội CBLÐ số 4 (huyện Ðiện Biên), người nhiều năm gắn bó với vùng cao, chia sẻ: Việc đi lại là vấn đề muôn thủa của những tỉnh miền núi khó khăn về hạ tầng giao thông. Mùa mưa đường khó đi, mỗi người lại phải “gánh” thêm không ít thiết bị máy móc, rồi có những khi trời mưa phải nhanh chóng di chuyển thiết bị tránh hỏng hóc. Ðến bản nào có điện còn đỡ, nơi chưa có điện lưới quốc gia ánh sáng chủ yếu từ những chiếc đèn pin treo đầu hoặc của chiếc điện thoại di động mới có thể giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Khó khăn là vậy, nhưng đến nơi nào chúng tôi cũng nhận được sự chân thành, nhiệt tình, hiếu khách của người dân. Tình cảm đó đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi phục vụ tốt hơn khán giả vùng sâu, vùng xa.

Bà Dương Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh, cho biết: Với quan điểm lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính, các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là địa chỉ phục vụ, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, động viên anh em 8 đội CBLÐ tại các huyện chủ động bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận; tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp chính quyền, nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Vượt qua những khó khăn về giao thông, thời tiết, bình quân mỗi đội CBLÐ phục vụ 180 buổi/năm với nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới, thuyết minh bằng 2 thứ tiếng dân tộc Thái, Mông, chiếu trên màn hình rộng. Cách thức tuyên truyền trước mỗi buổi chiếu đều được lựa chọn phù hợp với truyền thống tập quán các dân tộc. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, phòng chống các loại tội phạm, ma túy, bạo lực gia đình, an toàn giao thông, hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình…

Có thể thấy rằng, mỗi thước phim, mỗi thể loại tư liệu đội CBLÐ mang đến cho khán giả giúp đồng bào các dân tộc thêm niềm tin vào Ðảng, chính quyền, vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top