Truyện ngắn

Lan rừng về phố

09:26 - Thứ Năm, 11/01/2018 Lượt xem: 5097 In bài viết
ĐBP - Trí là người rất thích chơi lan. Có khi anh quan tâm đến lan hơn cả bạn gái của mình. Nghe đồn ở xứ L.T, có một làng hoa mà nơi ấy rất nổi tiếng về lan. Thế là anh khăn gói tìm đến để mong gặp những giống lan lạ, quý hiếm, hay chí ít cũng kết giao được với một vài nghệ nhân hoặc tay chơi lan đồng điệu! Lan, cây kiểng, các loài hoa có khi cũng như con người - nghĩa là có sắc, có hương, có thần, có khí! Nhiều khi ta thấy những cánh hoa thật đẹp, nhưng hình như phảng phất, u ẩn một nỗi niềm gì đó, riêng tư và xa vắng… Khó cắt nghĩa lắm, chỉ có thể đồng cảm mà thôi!

 

Minh họa của: Minh Phúc

- Thưa bác, đây là Bạch Diệp Lan?

- Chú em khá đấy…

- Còn đây là Hoàng Mai Lan…

- Ðúng vậy.

- Dạ thưa đây có phải là Lục Yến Lan không ạ?

- Lần này chú sai rồi. Mà sai cũng phải! Ðây là một loài lan chưa có tên! Tôi đã tra cứu nhiều sách vở và có mời một vài bậc thầy về lan… Họ cũng chịu thua không biết! Mà cũng phải thôi, trên thế giới có đến hai mươi lăm ngàn loài lan! Ðây là một loài lan rừng… thường trước khi có được những tên đẹp, sang trọng, các loài lan đều có nguồn gốc hoang dã, mang từ rừng núi về…

Chủ nhân đeo kính trắng, mái tóc trắng phau và cả cái áo ves-ton cũ cũng trắng màu bàng bạc. Ông ngắm nghía, chăm chút mấy chậu lan mà Trí đoán lầm là Lục Yến Lan - Những nhành hoa khẳng khiu có đốt như rễ cỏ tranh, từ những mắc ở nhánh tẻ nở ra những đoá lan năm cánh như hoa mai màu trắng muốt, mỏng manh như lụa, điểm nhụy xanh phơn phớt. “Ðẹp thuần khiết, nhưng mong manh quá!” - Trí nhủ thầm.

Trí theo gót ông Bằng - chủ nhân “Huê Lan Viên” vào nhà theo một lối đi có lót những viên gạch mòn vẹt, tai tái màu gạch tôm. Những vạt hoa mười giờ mùa xuân đỏ hồng, cành lá xanh phơn phởn bò lan vươn đọt ra mé gạch. Hai bên đường treo toàn là lan.

Nội thất Huê Lan Viên là một gian nhà cổ. Có nhiều bức hoành phi, liễn, đối cẩn xà cừ rất tinh xảo. Mấy cây cột cái đen mun, lên nước bóng loáng. Những chiếc độc bình thanh thoát chưng trên lưng những con voi gốm… Vẫn còn trong Tết, Trí xin phép ông Bằng thắp vài cây nhang trên bàn thờ.

Có một tấm hình của người phụ nữ, có lẽ đã rất lâu, bởi lối ăn vận và nước thuốc hình chụp nói lên điều đó.

- Bà nhà tôi đấy - ông Bằng giới thiệu - Bà ấy đã mất lâu rồi!

- Trí cố nhìn kỹ người phụ nữ trong ảnh. Bà ta mặc đồ dân tộc. Hình như một phụ nữ Thái thì phải.

- Thưa bác, bây giờ bác ở với ai? - Trí lễ phép hỏi

- Tôi có một đứa con gái - Ông Bằng dừng lại: Nó hiện đang học nông lâm ở Sài Gòn

Trí cảm thấy tò mò về cuộc đời của chủ nhân Huê Lan Viên: Thưa bác! Chắc có gì phải không, sao bác gái lại là người dân tộc, cháu có cảm giác như thế?

Ông Bằng chợt nhiên như muốn giãi bày tâm sự: Tôi sẽ kể cho chú em nghe, nếu như chú muốn… - Vâng xin bác cứ kể - Trí thành thật. Năm đã sắp hết, thường những kẻ cô đơn rất sẵn lòng trút những nỗi niềm u ẩn khi gặp người hợp “gu”! Cứ cho là như thế.

“Tôi cũng chẳng mấy khi nói cho ai nghe chuyện riêng của mình. Nhưng bây giờ tôi già rồi, kể lại chuyện đời cho khuây khỏa… Chuyện thế này:

Cách đây hơn hai mươi năm. Tôi là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam qua L giúp bạn. Một ngày kia chúng tôi được lệnh công tác. Bọn chúng tôi do anh T. chỉ huy hành quân nhiều ngày trong rừng rất gian khổ, vất vả. Chiều hôm đó, tổ chúng tôi ra tới đèo Eo Gió, giáp biên giới. Ðêm ấy chúng tôi hạ trại, mệt mỏi, chập chờn trong giấc ngủ.

…Nửa đêm, bỗng có những tiếng la thét kinh động cả núi rừng, đơn vị chúng tôi bất ngờ bị giặc tập kích! Anh T. tả xung hữu đột, đánh trả quyết liệt bọn địch. Chúng tôi xông vào quyết chiến với quân giặc. Dù chiến đấu rất dũng cảm, nhưng do ít người, bọn địch lại rất đông, nhóm chúng tôi lớp hy sinh, lớp bị thương gần hết. Bọn chúng cũng chết khá nhiều! Tôi bị một tên giặc mặc áo rằn ri đâm một lê vào vai trái. Hắn đạp tôi rớt lăn xuống vực… Từ lúc ấy, tôi không biết gì hết. Khi tỉnh dậy mở mắt ra, tôi cứ tưởng mình nằm mơ.

- Ông bị thương và nằm bên bờ suối…

- Tôi chưa chết sao?

- Ông đang ở nhà của Mai Ly… Bản Thái, giáp biên giới.

- Cám ơn… Cám ơn chị… Chị đã cứu tôi!

Tôi biết mình may mắn mắn sống sót trong trận quyết chiến ác liệt trên núi. Ông Bằng dừng lại, hớp chút nước trà. Ðôi mắt ông xa xăm như nhìn về quá khứ. Trí chìm lạc vào câu chuyện hấp dẫn.

Tôi và Mai Ly quen nhau từ đó. Những ngày nằm dưỡng thương ở bản Thái, Mai Ly chăm sóc tôi rất tận tình. Rồi chúng tôi yêu nhau. Mai Ly đẹp lắm. Cô ấy như một bông lan rừng tinh khiết, ngây thơ và lãng mạn.

****

Rồi một hôm gã thầy mo mặt xương xẩu, mắt trắng dã, da thâm bờn bợt, phán:

- Ma xó đã nói cho ta biết rằng, tên người Kinh ở trong nhà bà là hồn ma bộ đội chết trên núi hôm nọ hiện lên đấy!

- Ta phải làm sao hở thầy? - mẹ Mai Ly lo sợ.

- Hãy bảo con gái bà xa lánh nó ngay… Bà phải đuổi nó đi, nếu không, có ngày nó sẽ hớp hồn con gái bà!.

- Nhưng. Nếu nó không đi thì sao… Hình như nó và con Mai Ly đã thương nhau rồi!

- Nó không đi thì cho nó uống ngãi!”- Lão thầy mo đưa cho mẹ Mai Ly một gói nho nhỏ - Pha cho nó uống trước khi đi ngủ.

Mai Ly nói cho tôi nghe việc này và cô ấy đã vứt gói ngãi kia xuống dòng suối Bạc. Lão thầy mo biết chuyện, tức tối, xúi giục mẹ Mai Ly cho cô uống bùa để giải độc, vì theo lời lão - Mai Ly đã bị ma quỷ hớp hồn nên tinh thần u mê, tăm tối.

    Ông Bằng trầm ngâm. Trí nóng lòng hỏi tới: Thưa bác… rồi sao nữa ạ?

- Mai Ly bị điên

- Trời ơi, tội nghiệp cô ấy quá!

 Ông Bằng thở dài:

- Tôi yêu Mai Ly hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này. Lúc đó cô ấy mang... Ông Bằng có vẻ giày vò: Cậu có thể tưởng tượng một cô gái người dân tộc, mang thai và bị bệnh tâm thần sống ở giữa một bản làng còn rất hoang sơ lạc hậu, nơi ánh sáng văn minh chưa soi rọi tới! Ngừng một chút. Ông Bằng buồn bã kể tiếp:

- Tôi phải rời bản để tìm đường trở về đơn vị. Mai Ly ở lại với của núi rừng hoang dã của cô ấy… Có một điều khiến tôi vô cùng đau xót là chỉ có tôi mới dỗ được Mai Ly. Không có tôi, cô ấy chẳng ăn uống gì cả và bệnh càng thêm nặng!

Người ta kể lại rằng Mai Ly thường đi lang thang dọc theo dòng suối Bạc. Ban đêm cô ngủ trong những chòi lá trên cây mà người ta làm để nghỉ lại trong rừng và tránh thú dữ. Rồi một ngày cô sinh ra một bé gái kháu khỉnh… Nhưng có một số những người thân của cô, những kẻ u mê đã đem đứa bé bỏ trong rừng. Họ nói đứa bé kia là con của ma quỷ - Hãy trả nó cho Giàng! Lúc con bé bị kiến bâu đầy và khóc hết ra tiếng thì may mắn làm sao - H’ Luyến đi rừng hái măng nhặt được con bé! - H’ Luyến năm xưa là thanh niên xung phong ở Trường Sơn. Sau chiến tranh cô trở về bản làm cán bộ xã. Cô rất thẳng thắng, nhân hậu và rất có uy tín với dân nên chẳng ai dám đả động gì đến đứa bé ấy… Năm tháng trôi nhanh. Con bé lớn lên. H’Luyến đã nhờ đài truyền hình tìm cha của nó là một người Kinh!

- Tôi đã gặp lại con gái tôi… Sau này tôi đưa nó về xuôi, nó được học hành như bao đứa trẻ khác… nhưng bao giờ nó cũng nhớ đến núi rừng, nơi ấy có mẹ H’Luyến của nó và một người mẹ đáng thương đã sinh ra nó, mà con bé không thể hình dung ra được. Ôi!… - ông Bằng có vẻ xúc động.

- Thưa bác… Còn cô Mai Ly thì sao?

- Mai Ly đã chết vì bị lũ cuốn. Năm ấy mưa to gió lớn lắm. Cô được chôn bên dòng suối Bạc! Ðúng chỗ mà Mai Ly đã vớt tôi năm nọ!

Câu chuyện vừa kết thì ngoài cổng có bóng một cô gái dáng thanh thoát, mang ba lô, vẻ mặt tươi tắn bước vào: Thưa cha con mới về - Ủa!… Sao anh có mặt ở đây - Cô gái có vẻ rất ngạc nhiên -“À, H’Lan!.. Trí ở Sài Gòn đấy. Chú ấy là bạn chơi lan với cha đó - À ra vậy… Con có quen với anh Trí - Cô gái thoáng ngượng ngùng.

H’Lan có gương mặt trái xoan đầy đặn rất khả ái, ưa nhìn. Tóc H’Lan đen tuyền, dài tới lưng, óng mượt như suối. Mắt H’Lan to đen, ngây thơ với chiếc mũi xinh và cặp chân mày sậm đen thanh tú. Môi cô phơn phớt hồng, làn da cô trắng mịn màng.

***

Mẹ H’Luyến, ông Bằng, H’Lan và Trí đi dọc theo dòng suối Bạc về phía thượng nguồn. Âm thanh nước đổ ầm ì của một dòng thác nghe rõ dần. Ðã đến thác Vàng - Ông Bằng thốt lên có vẻ xúc động - Một dòng nước cuồn cuộn, trắng xóa từ trên độ cao có đến hàng chục mét dội ầm ầm xuống một vực nước lớn. Nước sôi réo, trào sủi tăm bọt, bốc hơi lên nghi ngút, mờ ảo như sương. Một thác nước kỳ vĩ giữa đại ngàn hoang dã! H’Lan và ông Bằng quỳ xuống một cái mả đất bên triền đồi có mộ chí bằng đá hoa cương mờ mờ chữ, hai cha con chấp tay thì thầm khấn vái. Phía không gian trên mộ có mấy nhành lan giống y hệt như  những nhành lan lạ chưa có tên hôm nào trong “Huê Lan Viên”. Bất chợt, Trí nhìn ngây ngất như bị thôi miên bởi cái dáng vẻ xinh đẹp của H’Lan. H’Lan bây giờ đã là một cô gái thị thành hiện đại. Quá khứ thường chỉ bất chợt hiện về, và hôm nay cũng sẽ là chuyện kể của vài mươi năm sau…. Trí đã quyết định bằng bất cứ giá nào anh cũng sẽ yêu H’Lan đến suốt đời, bởi cuộc sống vốn ngắn ngủi, sẽ không đủ thời gian cho người ta làm phép thử trong tình yêu. Hạnh phúc nhất của con người trên đời vẫn là cuộc sống yên bình,  tình yêu bền vững. Những bi kịch đau thương là những rủi ro không ai muốn!  

Trời đã vào xuân, dọc theo dòng suối Bạc, lan rừng thoáng hương ngan ngát bay theo những cơn gió dìu dịu thổi qua đại ngàn mênh mông hoang dã… Mùa xuân năm nay, trong “Huê Lan Viên” ở làng hoa L.T, người ta thấy có một đôi bạn trẻ vui tươi, yêu đời, ríu rít bên nhau chăm sóc, chưng dọn, treo rất nhiều vò lan lạ, đẹp đơn sơ mà quyến rũ! - Hình như đó là những giống lan mới, đem về từ núi rừng Tây Trường Sơn.

Đặng Hoàng Thám
Bình luận
Back To Top