Tản văn

Khắc ghi ân nghĩa bản làng

09:29 - Thứ Năm, 11/01/2018 Lượt xem: 5002 In bài viết
ĐBP - Mẹ kể, khi sinh tôi, cha vác súng kíp ra bìa rừng. Hai mươi phút sau, mẹ nghe một tiếng nổ chát chúa. Chẳng biết cha săn được con gì mà mẹ thấy cha hì hục chặt, băm, xào, nấu rộn ràng lắm. Xong, cha ra góc vườn moi chum rượu ngô chôn từ ba mùa lũ trước, rồi vớ cái dùi gỗ trai giắt trên mái gianh, thúc một hồi mõ dài, vang động cả núi rừng. Chừng nửa giờ sau nhà ta chật cứng người, trên tay mỗi vị khách là một món quà: Một quả trứng, một bát gạo, một gói xôi, một chai rượu, một bộ tên nỏ, một con dao, một cái rìu... Rồi sao nữa mẹ? Họ vừa uống rượu mừng, vừa căn dặn cha con: Hãy mang thằng bé bỏ vào rừng một đêm, hổ không ăn, sói không tha tức là người quí! Dĩ nhiên là chân trước cha mang con đi, chân sau mẹ đã bế con về. Con ấy à, chẳng cần hùm beo, chỉ cần kiến tha cũng đủ để mẹ mất con rồi.

Mẹ bảo, có lẽ vì thế mà đêm ấy mường động. Hổ gầm, sói tru từ đầu hôm đến sáng. Sớm hôm sau già bản tất bật đến. Trên má tôi còn dăm vết muỗi đốt, già vỗ đùi ra lệnh: “Mổ trâu!”. Vậy là bản mổ trâu. Một đùi được đem ra rừng xoa dịu cơn đói đêm qua của chúa sơn lâm, ba đùi còn lại thì liên hoan. Ba ngày ba đêm những rượu là rượu. Đã lâu lắm, bản tôi mới có một ngày vui như thế.

Cái bản nhỏ năm nào nằm lọt thỏm giữa rừng xanh giờ đã thành một phần huyện lị. Sự hoành tráng của biệt thự, nhà lầu, quán bar đẩy cái hùng vĩ của núi về phía chân trời. Màu đỏ của sơn, màu xám của bê tông, màu xanh loang lổ của rừng phủ bóng xuống màu đen láng của con đường nhựa thênh thang. Chỗ cha tôi nổ phát súng sát sinh để đón chào tôi đến với thế giới con người, giờ là trung tâm hành chính huyện.

Tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện của các nhà quy hoạch, rằng họ phải dời khu du lịch sinh thái trong tương lai sang một địa bàn khác, nơi ấy có thể ngăn núi tạo hồ; nơi ấy còn đủ rừng nguyên sinh để thiết kế các cuốc du lịch khám phá sơn cùng thủy tận - giống như một người dân bản địa tìm kiếm sự sống của mình, của nhà bằng nghề hái lượm xa xưa. Họ tặc lưỡi tiếc rẻ cho con suối Khoe, mà tuổi thơ tôi phải bơi một thôi dài mới sang bên kia bờ, thì giờ chẳng ai còn có cơ hội nhìn thấy nước của nó.

Vậy là cơ hội mỗi năm thu hút hàng vạn khách du lịch của quê hương tôi chỉ còn trong mơ. Các cô gái bản không còn cơ hội từ giã luống đất hòn bùn để bước chân lên các sân khấu hiện đại phục vụ du khách. Các mẹ, các chị cũng đành tủi cho đôi bàn tay khéo tài nội trợ, thêu thùa tạo ra những sản phẩm thổ cẩm làm ngập ngừng bước chân lữ khách. Các cha, các anh cũng phải mang bí quyết đan lát, rèn đúc lưỡi cày... về thế giới bên kia.

Nhưng có lẽ buồn hơn cả vẫn là cuộc xuất trần kỳ vọng của tôi... Tôi phụ bản, phụ mường vì đã không thể làm gì để giữ gìn những nét văn hoá cổ truyền thâm u, trầm mặc và huyền bí cho đời sau chiêm ngưỡng, như những gì hằng mong đợi. Xin cúi đầu khắc ghi ân nghĩa bản làng đã nuôi tôi khôn lớn!

Ðặng Khuyên
Bình luận
Back To Top