Ngành xuất bản đối mặt nhiều thách thức

15:35 - Thứ Năm, 11/01/2018 Lượt xem: 4364 In bài viết
Nhìn từ những con số, xuất bản Việt Nam năm 2017 có phần chững lại so với năm 2016, số sách đăng ký xuất bản cũng như số sách xuất bản, in và phát hành đến tay bạn đọc đều giảm, thì ngoài nỗi lo về những con số còn là nỗi lo chung về tình hình xuất bản tương lai gặp khó khăn.

Phong trào lộn xộn, điện tử bế tắc

Năm 2017 tiếp tục ghi nhận trào lưu làm sách theo phong trào. Đây là thực trạng diễn ra trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam nhiều năm qua, khi các đơn vị làm sách đổ xô thực hiện một vài dòng sách ăn khách. Năm 2016 là các dòng sách tô màu, du ký, hồi ký…, năm 2017 là các dòng sách khởi nghiệp, giáo dục trẻ em… Bản chất các dòng sách này đều có ý nghĩa tích cực, đóng góp cho sự phát triển tri thức của bạn đọc.

 

Thiếu nhi là độc giả nồng nhiệt nhất, nhưng vẫn thiếu chính sách hỗ trợ sách dành cho thiếu nhi.

Thế nhưng, khi mà nhà nhà, người người nhảy vào làm những dòng sách này, đã gây ra tình trạng “bội thực” sách, thậm chí dẫn đến việc xuất hiện những đầu sách gây hiệu ứng ngược. Như dòng sách giáo dục trẻ em, xuất hiện nhiều cuốn bê nguyên xi sách của người Nhật áp dụng cho trẻ em Việt Nam, gây phản ứng đối với bạn đọc; có thể gây hại nếu bạn đọc máy móc áp dụng mà không đối chiếu với khác biệt của thực tế ở Việt Nam.

Dòng sách khởi nghiệp cũng tương tự khi xuất hiện hàng loạt cuốn sách khởi nghiệp dành cho người trẻ, nhưng trong đó có nhiều cuốn bản thân tác giả chưa bao giờ khởi nghiệp, mà chỉ sao chép, tổng hợp từ nhiều tác phẩm khác. Nguyên nhân của hiện tượng này là do việc cần có nhiều đầu sách đã gây áp lực lớn về mặt bản thảo, khiến các đơn vị làm sách thiếu kiểm tra, biên tập các xuất bản phẩm do mình thực hiện.

Theo đánh giá của giới xuất bản, việc làm sách chạy theo phong trào phản ánh một thực tế là đang có sự mất định hướng trong những người làm sách. Thực tế này được xem là hệ lụy đã được cảnh báo từ trước, khi nhiều nhà làm sách thiếu đầu tư vào các mảng sách thế mạnh.

Đến nay, nếu một số đơn vị làm sách đã ổn định thương hiệu trong lòng bạn đọc, như Kim Đồng, Trẻ (sách thiếu nhi); Nhã Nam (sách văn học); First News (sách giáo dục)… thì nhiều nhà làm sách khác lại bối rối không biết làm sách gì để thu hút bạn đọc, nên đành chạy theo những dòng sách đang ăn khách, tạo nên tình trạng lộn xộn trong thị trường sách thời gian qua.

Năm 2017 tiếp tục ghi nhận một tín hiệu buồn khi mảng sách điện tử (ebook) suy giảm nghiêm trọng. Nếu năm 2016 số ebook đăng ký là gần 1.900 tên sách, thì đến năm 2017, còn số này còn vẻn vẹn 137 tên sách! Có thể nói, đây là sự thất vọng lớn nhất của ngành xuất bản Việt Nam những năm qua.

Ebook từng được kỳ vọng rất nhiều sẽ làm thay đổi thói quen đọc sách, là giải pháp cho tình trạng giá vật liệu in ấn đẩy giá sách tăng cao, là một công cụ để thúc đẩy văn hóa đọc trong nước phát triển và thậm chí còn được kỳ vọng là cứu cánh trong việc phổ biến sách đến các vùng sâu, vùng xa nhờ tính tiện lợi. 

Có rất nhiều giải thích, lý giải về nguyên nhân ebook Việt lâm vào tình trạng này, thế nhưng lời giải thích được đồng thuận nhất hiện nay là sự thiếu thống nhất trong thị trường ebook. Việc thực hiện ebook đều theo dạng mạnh ai nấy làm, mỗi đơn vị có chuẩn kỹ thuật riêng, có chính sách giá riêng, có hướng phát hành riêng…, kết quả là bạn đọc muốn tìm ebook của đơn vị nào phải tìm đến tận đơn vị đó để mua.

Cùng một cuốn sách tương đối giống nhau, nhưng giá có thể chênh đến vài lần mà không có lý do cụ thể. Bạn đọc thờ ơ do không tìm thấy sách, người làm ebook không bán được cũng thờ ơ với việc tiếp tục ra sách. 

Thế nhưng, nhu cầu đọc ebook lại được đánh giá là khả quan khi mà các trang điện tử cung cấp ebook lậu, ebook tự làm lại phát triển tốt, lượng người mua ổn định, dù chất lượng ebook ở những nơi này không cao và không có cách nào kiểm soát nội dung.

Câu hỏi về chiến lược sách

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, khi nói về sách thiếu nhi đã xin lỗi bạn đọc vì chưa làm được những cuốn sách chất lượng, dù đã nỗ lực hết sức. Theo ông, sách thiếu nhi nước ngoài có tiêu chuẩn rất nghiêm khắc, như màu sắc phải ít ảnh hưởng đến mắt, mực phải hạn chế tối đa độc, giấy trẻ có nhai nuốt cũng không nguy hiểm…

Ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng ở TPHCM, khi giới thiệu sách thiếu nhi của mình đã xin lỗi vì biết rằng chưa làm được sách đúng chuẩn. Theo ông, màu sắc của tranh phải theo các quy định về tâm sinh lý, về cảm thụ màu sắc cho từng lứa tuổi… 

Cả hai đều là đại diện của những đơn vị xuất bản hàng đầu trong nước về sách thiếu nhi, đây cũng là những đơn vị đi đầu về chất lượng sách như chuyển qua dùng giấy chất lượng cao của châu Âu và gần đây là của Nhật; đi đầu trong đổi màu giấy từ trắng tinh hại mắt, qua vàng nhạt ít ảnh hưởng hơn… Thế nhưng, dù sao họ cũng chỉ là những đơn vị xuất bản đơn lẻ, nếu bê nguyên xi tiêu chuẩn nước ngoài về thì sẽ không đơn vị nào làm nổi hoặc chi phí sẽ cao đến mức không ai mua nổi sách. 

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, đáng lẽ ra chúng ta phải có chính sách về sách thiếu nhi cho trẻ em Việt Nam từ lâu. Đầu tư cho nội dung, hỗ trợ xây dựng quy chuẩn sách thiếu nhi, hỗ trợ cho tác giả, cho sáng tác, xuất bản… Thực tế hiện nay, sách thiếu nhi vẫn mang tính tự phát, có gì xuất bản nấy và dựa hoàn toàn vào năng lực của đơn vị xuất bản, nên vừa qua đã xảy ra tình trạng tranh cãi về nội dung sách thiếu nhi bị xem là không phù hợp với các bạn đọc nhỏ tuổi.

Chính sách về sách, theo ông Nhựt không chỉ là cho sách thiếu nhi mà còn cần cho lĩnh vực sách nói chung. Như việc bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0, thế nhưng trước đó, Nhà nước đã có chính sách gì để hỗ trợ xuất bản sách về vấn đề này? Hay sách về di sản văn hóa vốn rất khó viết, khó bán nên từ tác giả đến các đơn vị làm sách đều ngại làm, dẫn đến thiếu hụt dòng sách này. Ông Nhựt nhấn mạnh: “NXB có thể nỗ lực vài đầu sách, nhưng để có cả một dòng sách thì cần có chiến lược sách quốc gia để bổ khuyết, hỗ trợ, chứ không NXB nào tự làm nổi”.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top