Thèn Pả vào “mùa cưới”

09:11 - Thứ Năm, 25/01/2018 Lượt xem: 6335 In bài viết
ĐBP - Cách trung tâm xã Sa Lông, huyện Mường Chà gần 10km, bản Thèn Pả là nơi cư ngụ lâu đời của 60 hộ, hơn 300 nhân khẩu người Xạ Phang. Theo truyền thống, đám cưới của người Xạ Phang ở Thèn Pả thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 10 âm lịch đến qua Tết nguyên đán. Và chúng tôi là những người may mắn có mặt ở Thèn Pả vào những ngày “mùa cưới” bắt đầu…

 

Dưới hiên nhà, tân nương người Xạ Phang đang nhờ mẹ sửa y phục cho ngày cưới.

Ẩn mình giữa chốn thâm sơn, thung lũng “mắt trời” - tên gọi khác của bản Thèn Pả hiện lên lung linh trong nắng sớm như một bức tranh thủy mặc. Mới sang tháng chạp được đôi ngày nhưng không khí đón xuân đã tràn ngập khắp bản. Bởi theo tục lệ đây là thời điểm mà con em người Xạ Phang dù đi làm ăn xa ở đâu cũng sẽ tìm về bản, cùng gia đình thịt 1 con lợn thật to, treo lên làm món thịt muối truyền thống để đón tết. Nhưng có lẽ không khí rộn ràng ấy còn do ngày mai bản có cùng lúc 2 đám cưới và chúng tôi may mắn được trở thành khách mời danh dự của cuộc vui. Theo chân trưởng bản Sần Seo Ngấn chúng tôi nhanh chóng tìm đến nơi 2 đôi tân lang, tân nương chuẩn bị kết tơ hồng với mong muốn “mục sở thị” những nét độc đáo trong nghi thức truyền thống của người Xạ Phang. Ngay từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng cười, tiếng nói huyên náo cả một vùng. Người vui nhất và cười nhiều nhất chúng tôi gặp là chú rể Lò Phấy Thèn. Không giống đám cưới miền xuôi, chú rể ở đây luôn chân luôn tay cùng với bạn bè, anh em chuẩn bị cỗ bàn cho tiệc cưới. Hỏi ra mới biết, theo phong tục của người Xạ Phang phải đến khoảng 11 giờ đêm, chú rể đầu thắp hương lên bàn thờ, tập lạy cho quen, đến 2 giờ sáng chú rể mới mặc quần áo cưới truyền thống còn bây giờ chú rể cũng là… chân chạy như bao người khác. Bố chú rể, ông Lò Vần Mình, với vai trò là trụ cột gia đình thì đang tập trung vào công việc dọn ban thờ tổ tiên, đây là việc không kém phần quan trọng khi gia đình chuẩn bị đón cô dâu mới. Cùng với sự tất bật của gia chủ, bộ phận phục vụ đến giúp đám cưới cũng bận rộn không kém. Khẩn trương nhất là bộ phận nấu ăn đang chế biến thực phẩm cho đám cưới vào hôm sau. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, trưởng bản Sần Seo Ngấn, giải thích: Trong mâm cỗ cưới người Xạ Phang thường có 6 món, chủ yếu được chế biến từ thịt lợn, cá, rau củ sẵn có tại địa phương… Cách chế biến các món ăn cũng khá độc đáo. Thịt lợn sau khi được mổ ra phải được chia thành từng miếng, thui qua lửa cho sém lại, sau đó nhúng vào nước rồi cạo sạch phần cháy đen bám bên ngoài bì. Người Xạ Phang cho rằng làm như thế bì lợn mới sạch, ăn thịt mới thơm ngon. Ngoài ra, còn món đậu phụ nhồi thịt rán; cùng công thức như nơi khác nhưng miếng đậu được thái mỏng thành hình tam giác với ý nghĩa là sự hài hòa, cân bằng giữa gia đình nhà trai và gia đình nhà gái. Ðây là món ăn đặc biệt, không thể thiếu trong đám cưới của người Xạ Phang.

Không chỉ độc đáo về ẩm thực, những lễ nghi trong đám cưới của người Xạ Phang hầu như vẫn bảo tồn nguyên vẹn như xa xưa để lại. Bí thư chi bộ bản Thèn Pả - Sần Quán Chử, cho biết: Lễ cưới hỏi truyền thống của người Xạ Phang được tổ chức vào khoảng thời gian nông nhàn, thường là thời điểm trước tết nguyên đán. Ðám cưới thường diễn ra trong 2 ngày với nhiều nghi lễ quan trọng, đặc biệt là lễ đón dâu. Theo đó, sớm ngày cưới, chú rể mặc quần áo đẹp, quấn khăn đỏ quanh người cùng đoàn nhà trai và một số thanh niên mang kiệu với đội trống, kèn, chiêng dẫn đầu sang nhà gái đón dâu. Ðến nhà gái khi cô dâu đã chải tóc, trang điểm, mặc quần áo cưới, chú rể sẽ đi mời nước và thuốc những người lớn tuổi, thắp hương, đốt vàng mã ở bàn thờ tổ tiên, ở bếp lò trong nhà, ở bếp củi rồi vái lạy tổ tiên trước bàn nhà gái. Sau bữa cơm tại nhà gái, tới giờ đẹp chàng rể mời nước đoàn nhà gái một lần nữa để xin phép rước dâu về nhà mình. Khi rước dâu về, đoàn nhà trai dùng kiệu 4 người khiêng để rước. Về đến trước cửa nhà trai, cô dâu và chú rể cùng bước vào thắp hương ở bàn thờ tổ tiên, ở cửa, ở bếp, mỗi nơi thắp hai nén bởi họ quan niệm rằng số chẵn tượng trưng cho sự trọn vẹn, có cặp có đôi, như vậy mới có sự sinh sôi phát triển. Trước ban thờ còn có một bàn lễ bày 2 con thỏ được làm từ bã đậu với ý nghĩa mang lại may mắn cho cô dâu, chú rể. Sau các thủ tục của lễ cưới là bữa cơm thân mật bên nhà trai, anh em họ hàng gần xa cùng đến chung vui mừng hạnh phúc cho đôi tân lang và tân nương, lúc này chú rể phải đi chúc rượu đáp lễ tất cả mọi người. Tiệc vui diễn ra trong tiếng chào đón chúc tụng của mọi người. Sau ngày cưới cô dâu không được ăn cơm bên nhà chồng trong 3 ngày và trong 3 năm không được mặc quần áo do nhà chồng may cho. Ðó là những nghi thức trong đám cưới truyền thống, còn ngày nay, một số thủ tục được giảm bớt để phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng những nét tinh hoa độc đáo vẫn được người Xạ Phang ở Thèn Pả cố gắng gìn giữ nguyên vẹn.

Ði nhiều nơi, dự đám cưới truyền thống của nhiều dân tộc, nhưng đám cưới truyền thống của người Xạ Phang Thèn Pả để lại trong chúng tôi những cảm xúc rất khác biệt. Nghi lễ, trang phục ngày cưới của tân lang, tân nương khiến chúng tôi có cảm tưởng đang lạc vào một bộ phim cổ trang của nước bạn thường chiếu trên truyền hình. Dẫu vậy, nét mộc mạc, tình cảm ấm áp, hồn hậu của người Xạ Phang Thèn Pả lại làm cho chúng tôi có cảm giác thân thuộc như trở về bao bản làng nơi rẻo cao khác… Nhưng chẳng có nhiều thời gian cho những suy nghĩ xa xôi đó, chúng tôi nhanh chóng hòa mình vào cuộc vui, cùng nâng ly chúc mừng hạnh phúc cho đôi cô dâu, chú rể vừa bước vào cuộc sống mới. Trong chếnh choáng hơi men, chúng tôi nghe loáng thoáng lại sắp sửa có đám cưới nhà ai đấy… Và chúng tôi biết rằng, Thèn Pả bắt đầu vào “mùa cưới”.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top