Truyện ngắn

Còi tàu mùa xuân

09:20 - Thứ Năm, 01/02/2018 Lượt xem: 5159 In bài viết
ĐBP - Chẳng biết tự khi nào Nụ đâm ra ghét những tiếng còi tàu ngang qua ga xép phía sau nhà mỗi đêm không ngủ. Tiếng còi tàu mà ngày xưa khi mới về làm dâu Nụ háo hức mong chờ ghê lắm nhưng nay đột nhiên bỗng trở nên đáng sợ. Càng đáng sợ hơn khi tiếng còi tàu râm ran mỗi độ từng trái gấc bung biêng chín đỏ ngoài vườn.

Nụ về làm dâu đất Bảo Ðịnh kể ra ngót ngét cũng mười mấy năm trời. Nhớ ngày mới về, Bảo Ðịnh vẫn còn hoang sơ và tiêu điều bởi những con đường bạt ngàn những hàng rào hoa trinh nữ mọc chen chúc nhau. Những tán cây vươn ra, như bàn tay những người già xác xơ cằn cỗi đứng liêu xiêu trong gió. Băng qua những lô đất bạt ngàn cao su hun hút, vài ngôi nhà leo lét nằm rải rác tạo thành một miền quê. Nơi mà trong câu chuyện mỗi đêm, Thuấn đều miêu tả và kể  tường tận cho Nụ nghe, để Nụ mường tượng về nơi mà anh đã từng sinh ra và khôn lớn.

 

Mẹ Thuấn đã già, mắt bà đã không thể nhìn thấy được khuôn mặt những đứa con của mình kể từ khi chúng mới lọt lòng. Chỉ vì dấu tích của chiến tranh, của những chất độc có màu tựa như màu trái gấc vào độ ương ương đã nhẫn tâm lấy đi của bà một phần của sự lành lạnh. Cũng may còn có một chàng trai sống vì nghĩa vì tình mà hẹn thề làm chỗ dựa cả đời cho bà qua những năm tháng thanh xuân ngắn ngủi.

Thuấn là con út trong nhà, cái nghèo ở miền đất ấy còn độc ác hơn cả những vạt cao su xanh ngất bên trời, rồi úa vàng trơ dáng đứng mỗi độ lá rụng xác xơ. Thứ mà ngày còn nhỏ mẹ Thuấn đã không cho những đứa con của mình được bén mảng tới lui, một dòng mủ trắng ngần như vôi ẩn chứa sự bội bạc. Thứ mà sau này nằm vắt tay lên trán suy nghĩ những đêm dông dài Thuấn cũng không thể nào trả lời được là vì sao mẹ lại gieo rắc những hận thù vào dòng mủ trắng ngần kia.

Mãi sau này khi được nghe lời mẹ trăn trối, Thuấn mới hiểu rõ ngọn ngành. Nghe đâu ngày xưa nhà Thuấn khá nghèo, cha mẹ Thuấn lấy nhau rồi đi lên từ hai bàn tay trắng. Mọi chuyện sẽ vẫn bình yên như thế nếu như không có những dòng mủ cao su với những hứa hẹn đổi đời nhanh như gió thổi, khiến cha Thuấn cứ thế mù quáng lao vào cùng với hy vọng đổi đời bởi dòng mủ trắng phau, thậm chí ông sẵn sàng đánh đổi tất cả mà chạy theo những dòng mủ tỏa mùi hương hăng hắc kia.

Nhưng rồi vì làm hoài mà cái nghèo vẫn đeo bám nên cha Thuấn bỏ đi theo những chuyến tàu trên ga xép vào một đêm đầu đông se sắt lạnh. Mẹ Thuấn còn nhớ như in đó là vào một đêm trăng sáng, đủ để thấy rõ từng rặng cao su trút những chiếc lá vàng khô trơ lại những thân cành khẳng khiu dưới ánh trăng vằng vặc.

Thuấn nhớ năm đó mình chỉ mới bốn hay năm tuổi, nhưng ký ức đã nhuốm phải một màu chia ly tan tác. Cha Thuấn bỏ đi theo người phụ nữ có mái tóc óng dài mỗi độ đến nhà thu mua những vựa mủ mà cha Thuấn mang về sau một đêm nhuốm lạnh mùi sương giăng nức nở. Anh em Thuấn ngơ ngác bởi giọng van lơn đau đớn của mẹ mình khi thấy cha vội vàng bỏ đi. Tiếng khóc của mấy đứa trẻ con khóc ròng rã, theo tiếng gọi “mình ơi” khản đặc rồi im bặt bởi cơn nấc nghẹn từng hồi. Ký ức về cha với Thuấn vơi dần theo những tiếng còi tàu vang vọng, theo tiếng xình xịch chan chát của những bánh răng cọ vào đường ray sắc lẹm.

Có lẽ cuộc đời Thuấn đã trải qua quá nhiều mất mát, nên với Thuấn giờ chẳng còn gì có thể đánh gục được anh. Ngay cả ngày Thuấn nhận được tin người mình yêu đi lấy chồng khi đang làm khuân vác trên thị trấn cũng chẳng khiến Thuấn suy sụp đi. Chỉ là có gì đó man mác buồn, gieo vào lòng cậu thanh niên vừa chạm vào mốc thời gian đẹp nhất của đời người mà thôi.

Anh chị Thuấn cũng vì không thể cứ sống cả đời như vạt cây cao su, cả đời xanh tươi cho mủ rồi sau đó bị đốn hạ mà chết dần chết mòn theo năm tháng nên bỏ đi hết thảy. Thuấn đành ở lại, ngày ngày chăm sóc cho người mẹ già, cả đời sống trong tăm tối. Nhưng có là chi khi nửa đêm thức giấc, Thuấn vẫn thấy mẹ ngồi trân trối ở đó, qua khung cửa sổ mà Thuấn tìm mọi cách để bít chúng lại, nơi mà ngày xưa mẹ hay ngồi ở đó và ru Thuấn ngủ, mắt không ngừng quan sát về phía ga xép đằng sau nhà, với hy vọng là nghe tiếng bàn chân cha Thuấn trở về, nghe tiếng ông gọi tên bà, hoặc chỉ đơn thuần hai chữ “mình ơi” như thưở nào cũng đủ khiến tim bà ấm áp trở lại. Nhưng cũng đã hơn hai mươi năm qua mọi thứ đều bặt vô âm tín, mặc hàng trăm, hàng nghìn chuyến tàu đã ngang qua rồi dừng lại, vẫn hú còi đều đặn dù mùa nối mùa trôi qua.

Mẹ Thuấn mất vào một đêm mùa xuân se sẽ lạnh bởi làn gió mơn man. Cái lạnh ở miền núi như những vết kim châm vào da thịt, tê tê một chút rồi thôi chứ mặc nhiên không đau đớn gì. Cái lạnh ấy nào có thấm thía gì, so với sức chịu đựng cũng như những hao mòn của thời gian chỉ vì hai chữ chờ đợi. Với một người chẳng biết đến ốm đau là gì như mẹ Thuấn, thì chẳng có bệnh tật nào có thể giết chết bà, có chăng là do những hy vọng cả cuộc đời khiến bà trút dần những hơi thở theo tiếng còi tàu mỗi đêm?

***

Nụ như tia nắng bước vào sưởi ấm đời Thuấn khi anh đang dày vò chính bản thân mình từ lời trăn trối của mẹ. Thuấn càng thương mẹ bao nhiêu, càng đâm ra trách cứ mình bấy nhiêu, dĩ nhiên là trút cả những oán trách lên người đàn ông suốt hai mấy năm qua biền biệt không một lời hỏi thăm vợ con sống chết thế nào. Giá như Thuấn chịu hỏi han để nghe được lời thỉnh nguyện trước lúc lâm chung của mẹ, có lẽ anh sẽ giúp mẹ thực hiện được nguyện ước cuối đời, đó là được ra ngồi lần cuối ở sân ga xép nhỏ bé phía sau nhà, được thấy cảnh người người ngồi trong những toa tàu, nhìn ra phía bên ngoài qua lớp kính mờ ảo, để bà nghe rõ hơn tiếng còi tàu rú lên từng cơn, để tiếng còi kia in đậm trong tâm trí bà, để biết đâu khi nghe được tiếng còi tàu, có một người chợt nhớ đến những lời hẹn thề mà tìm về, thắp cho bà một nén nhang, nói với bà một lời xin lỗi thành tâm, chắc chắn bà sẽ mủi lòng và bình yên mà nhắm mắt. Ðó là nguyện ước cuối cùng trước khi bà khuất núi mà Thuấn cứ ôm giữ khư khư.

Nụ về làm dâu, khi mảnh đất kia chỉ còn những vạt cao su xạc xào gió. Thuấn đi biền biệt theo những chuyến tàu nửa đêm dừng đỗ thật nhanh trên ga xép nhỏ, thi thoảng mới về, xoa dịu lòng Nụ bằng những vòng tay ôm siết rất chặt, một nụ hôn nhẹ nhàng đặt nhanh trên mái tóc. Dù đã có khi Nụ nói Thuấn đưa Nụ theo với, nhưng vì một lý do nào đó Thuấn lảng tránh lời đề nghị ấy đi.

- Em phải ở lại vì con, chúng không thể sống lắt lay theo những chuyến tàu ngược xuôi như thế được. Anh sẽ cố gắng hoàn thành tâm nguyện của mẹ sớm nhất có thể, rồi chúng mình sẽ sống mãi bên nhau.

Lời nói ấy của Thuấn làm lòng Nụ thấy bình yên biết bao, và càng hy vọng một ngày nào đó lời nói kia sẽ trở thành hiện thực. Những tưởng rồi khi những đứa con chào đời, sự xuất hiện của chúng sẽ giúp phần làm Nụ thấy bớt quạnh quẽ hơn nhưng không phải. Nhất là khi nghe tiếng bọn trẻ tíu tít hỏi về cha của chúng, nằng nặc đòi mẹ bế ra phía sau nhà mỗi khi nghe tiếng còi tàu báo hiệu từ xa. Hình ảnh mấy đứa trẻ con đứng sau hàng rào hoa trinh nữ mọc chen chúc nhau, vẫy tay chào và gọi tên cha của chúng cứ ùa về và ám ảnh tâm trí Nụ. Nhưng biết làm sao được khi đó là tâm nguyện của Thuấn muốn thực hiện cho người quá cố, mà người đó không phải ai xa lạ nên Nụ không có cớ để giận dỗi chồng mình.

***

Chuyến tàu bị lật bánh khi đang ngang qua một vùng đồi núi điệp trùng. Những cơn mưa liên hồi của miền đất trung du làm đất đá sạt lở, khiến những người làm nhiệm vụ trên tàu chẳng kịp trở tay.

Sáng ra Nụ nhận được tin tức trên chiếc radio cũ mà đứng ngồi không yên. Cả ngày hôm ấy Nụ như ngồi trên đống lửa, cứ đi ra đi vào, cầu mong đó chỉ là một sự cố thông thường, như những sự cố trước đó mà Nụ đã từng nghe.

Và phải cho đến khi nhận được thông tin chồng mình nằm hôn mê sâu đang cấp cứu trong bệnh viện thì Nụ mới như người được gọi ra khỏi giấc mơ nửa vời hư thực. Gửi mấy đứa nhỏ cho hàng xóm, Nụ đón vội xe chạy vào bệnh viện với chồng giữa màn đêm u uất.

Thuấn nằm bất động ở một giường riêng trong phòng cấp cứu. Những ánh đèn chớp ẩn chớp hiện đỏ ngàu trong đôi mắt đã gần như thiếu ngủ mấy ngày qua. Nụ đứng ngay cạnh bên, nhìn chồng qua lớp kính cách âm trong suốt, để khi vừa nhìn thấy ai đó đi ra từ căn phòng ấy, Nụ đều níu tay lại, hỏi rõ ngọn ngành, mặc những cái lắc đầu, lời an ủi động viên như cố tình xoa dịu vết thương. Mong sao ông trời còn dành một hy vọng cuối cùng cho người phụ nữ gầy guộc kia, dù chồng cô sẽ sống một đời sống thực vật cũng chẳng sao, miễn là hình bóng anh còn tồn tại, để những đứa con thôi không thắc mắc về cha của chúng, để chúng tin lời mẹ chúng nói là thật “thật ra cha yêu các con lắm, nhưng vì công việc mà cha con phải đi theo những chuyến tàu...”.

Nụ đưa Thuấn về nhà, sau hơn 3 tháng nằm bất động tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Dù bác sĩ nói nếu đưa Thuấn về sẽ chẳng khác nào dọn sẵn cho anh một chỗ trên đỉnh đồi cao su cao ngất. Nhưng đành như vậy, vì biết đâu Thuấn muốn về, nhưng vì anh không thể tỉnh dậy để mà nói cho Nụ nghe…

***

Mấy đứa nhỏ thấy xe chở cha về thì mừng trong lòng. Vì chúng tin rằng tình yêu cha chúng dành cho cả gia đình là thật. Chẳng qua chỉ vì miếng cơm manh áo mà cha chúng phải bám theo những chuyến tàu xình xịch kia để mua về cho chúng những áo những quần, những bát gạo ngon mà chúng ăn hàng ngày. Chứ thật tình chúng còn quá nhỏ bé để có thể hiểu được rằng, cha chúng về thăm nhà lần này có thể rồi sẽ lại đi, mà biết đâu sẽ là đi luôn không chừng.

Nụ đặt Thuấn nằm trên chiếc giường mà trước kia khi còn sống mẹ anh đã nằm. Cô cho người tháo những ván ép mà lúc xưa Thuấn đóng đinh kiên cố, che đi cánh cửa sổ, nơi duy nhất có thể nhìn thấy những đoàn tàu xình xịch lăn bánh từ căn nhà đã ám mùi mốc ẩm. Biết đâu Thuấn có thể nghe được tiếng còi tàu mà quay về nhà những lúc mỏi gối chùn chân..

***

Hơn hai mươi năm qua đêm nào Nụ cũng nằm cạnh cửa sổ và tỉnh thức vào nửa đêm. Dù ga xép phía sau nhà giờ đã chẳng có chuyến tàu nào ngang qua và dừng lại. Nhưng Nụ tin bóng hình của Thuấn vẫn còn tồn tại, như lúc anh ngồi sát ở phía ô cửa sổ và mỉm cười chào Nụ lẫn trong tiếng còi tàu từng hồi rú vang. Ngoài kia mùa xuân đã về!

Song Ninh
Bình luận
Back To Top